16/02/2023

Đề xuất đưa sân bay Hà Giang vào quy hoạch và kêu gọi đầu tư

(KTVN) – Đây là thông tin được đưa ra trong Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chiều ngày 14/2, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Hà Giang.

Trình bày nội dung quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, mục tiêu phát triển tỉnh Hà Giang theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện với phương châm “Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”.

Đồng thời, tạo không gian phát triển mới, đưa Hà Giang thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia – điểm đến của du khách quốc tế. Nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao, tạo chuỗi giá trị. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại (đường cao tốc, sân bay…), hạ tầng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy thành trung tâm xuất nhập khẩu và logistic. Các đô thị mang bản sắc của vùng, kiến trúc văn hóa của dân tộc trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mô hình sinh kế cho đồng bào các dân tộc phát triển ổn định. Thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo anh sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Hà Giang đề xuất đưa sân bay Hà Giang vào quy hoạch và kêu gọi đầu tư (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, tỉnh Hà Giang đưa ra 3 kịch bản phát triển là kịch bản xu hướng, kịch bản phấn đấu và kịch bản thuận lợi.

Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2020 và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, cũng như tính khả thi của mỗi kịch bản phát triển, đề xuất lựa chọn là kịch bản 2 (kịch bản phấn đấu). Điều kiện để đạt được kịch bản này là cần huy động vốn, cải thiện hiệu quả sử dụng vốn cũng như phát triển các ngành kinh tế.

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang kết nối đến cửa khẩu Thanh Thủy hoàn thành đúng tiến độ trong giai đoạn 2022-2030. Đồng thời đưa sân bay Hà Giang vào quy hoạch và kêu gọi đầu tư. Khả năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng là khả thi nhờ tiềm năng, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng và các chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả trong giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển du lịch được xem là tiềm năng lợi thế cần được ưu tiên khai thác và là động lực phát triển, có điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác.

Quy hoạch tỉnh Hà Giang đưa ra 3 khâu đột phá chiến lược là phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, sân bay…), hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số; phát triển du lịch bản sắc, đẳng cấp; phát triển nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Các nhiệm vụ chiến lược của Hà Giang là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cụ thể là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và quy mô đào tạo các cấp từ phổ thông đến dạy nghề nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Tăng cường đào tạo nghề cho người lao động trong các ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh. Thu hút và đào tạo có trọng tâm, trọng điểm nhân lực chất lượng cao. Tạo sinh kế, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Hoàn thiện các cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.

Hà Giang xác định 4 trụ cột tăng trưởng, gồm: Hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch sinh thái và đẳng cấp; hình thành các chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; đô thị bản sắc (biên giới, núi cao, dân tộc) và hiện đại.

Tại Hội nghị, chuyên gia, thành viên Hội đồng thẩm định cho ý kiến nhằm sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng phê duyệt theo quy định. Đây là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hà Giang, đảm bảo nhanh và bền vững.

Quang Tuyền