09/06/2022

Đề xuất bảo tồn giá trị kiến trúc – mỹ thuật của Hội quán Quỳnh Phủ Quy Nhơn

(KTVN) – Trong lịch sử phát triển hàng hải và bối cảnh chính trị từ thế kỷ XVI cho đến đầu thế kỷ XX, người Trung Hoa đã di cư và xuất hiện tại các quốc gia trong vùng biển Đông Nam Á. Tại Quy Nhơn – Bình Định vẫn còn lưu dấu nhiều di tích kiến trúc của người gốc Hoa, giống như một số đô thị có lịch sử phát triển lâu đời khác tại Việt Nam như Hà Nội, Huế, Hội An, Biên Hòa, TPHCM,… Hội quán Quỳnh Phủ là hội quán đặc sắc và lộng lẫy nhất trong số các hội quán còn tồn tại ở thành phố Quy Nhơn. Hội quán tuân thủ nguyên gốc theo kiểu kiến trúc đền miếu cổ Trung Hoa và hệ thống chi tiết kết cấu, trang trí, chạm khắc vô cùng tinh xảo. Đây là di tích còn nguyên vẹn nhất, quan trọng nhất và có giá trị nhất về kiến trúc và trang trí thẩm mỹ trong số những di tích của người Hoa tại Quy Nhơn. Ngoài ra, đây cũng là một di tích văn hóa – lịch sử chứa đựng những ký ức của quá khứ, là nơi để thế hệ cư dân tiếp theo dễ dàng hiểu rõ hơn về lịch sử của những tiền nhân đi trước trong quá trình phát triển của một cộng đồng, một vùng đất.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị, những hội quán cổ của người gốc Hoa tại thành phố Quy Nhơn đã không được quan tâm và gìn giữ, khiến cho hội quán Quỳnh Phủ xuống cấp nặng nề, vì vậy cần có biện pháp để bảo tồn những giá trị đặc sắc của hội quán, trùng tu và cải tạo lại với những công năng mới phù hợp với đời sống đương đại.

Giới thiệu chung

Về hội quán người Hoa

Trong tiến trình lịch sử, cộng đồng di dân người Hoa đến từ một số khu vực duyên hải phía Nam Trung Hoa như Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam,… đã liên tục giao lưu văn hóa, hội nhập cùng với khối cộng đồng dân cư bản địa. Bên cạnh đó, những nét đặc trưng truyền thống của dân tộc vẫn còn được giữ gìn và phát huy cho đến tận ngày nay[1] .

Vì mục đích phát triển cộng đồng, người Hoa đi đến đâu cũng sẽ lập làng, lập phố, xây dựng hội quán, trường học, bệnh viện theo từng nhóm dân cư để giữ gìn văn hóa quê hương nguồn cội một cách sâu sắc nhất. Trong đó, đặc trưng hữu hình nhất của văn hóa Trung Hoa tại Việt Nam chính là hệ thống hội quán. Đây là không gian văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, nơi gặp gỡ trao đổi, bàn việc phát triển kinh doanh, gắn kết cộng đồng người Hoa hải ngoại. Tại bất kì vùng đất nào có người Hoa sinh sống, nơi đó sẽ có những hội quán với các đặc trưng văn hóa riêng theo từng vùng miền rất độc đáo.

Tại Quy Nhơn, từ thế kỉ XIX người gốc Hoa đã từng xây dựng các hội quán Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Quỳnh Phủ, Ngũ Bang theo từng nhóm bang hội[2]. Đây là những công trình kiến trúc độc đáo, thể hiện sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt – Hoa và sự hòa nhập, phát triển song song với văn hóa bản địa. Ngoài ra, những công trình trên cũng thể hiện rõ rệt sự kết hợp giữa công nghệ xây dựng Trung Hoa và nguyên vật liệu địa phương tại khu vực đô thị Quy Nhơn xưa.

Hoành phi ngay cổng chính dẫn vào hội quán, có đề chữ “Quỳnh Phủ Hội Quán”

Về hội quán Quỳnh Phủ

Hội quán Quỳnh Phủ, được người Hoa gốc Quỳnh Châu, Hải Nam xây dựng vào nửa sau thế kỷ XIX. Đây là một hội quán còn nguyên vẹn với những giá trị vô cùng lớn về kiến trúc, kỹ thuật và mỹ thuật. Hội quán Quỳnh Phủ cũng là một chứng tích lịch sử thể hiện sự hòa hợp, giao lưu văn hóa giữa Trung Hoa và Việt Nam trong quá trình di dân và phát triển đô thị.

Hiện nay hội quán đang trong tình trạng xuống cấp và không được chính quyền cũng như người dân địa phương quan tâm đúng mức. Cần đưa ra các biện pháp bảo tồn, trùng tu để phát triển di tích trở thành một điểm đến văn hóa quan trọng của đô thị.

Giá trị kiến trúc – mỹ thuật của Hội quán Quỳnh Phủ

Giá trị kiến trúc

Bố cục tổng thể

Tại hội quán Quỳnh Phủ, yếu tố văn hóa Trung Hoa được thể hiện rõ nhất so với các hội quán khác ở Quy Nhơn. Công trình có kết cấu chặt chẽ theo hình chữ “Khẩu”, gồm 3 dãy nhà 3 gian là Tiền điện, Trung điện và Chánh điện, hai bên là dãy nhà hành lang (được gọi là Đông sương và Tây sương) vuông góc tạo thành sân “Thiên tỉnh”. Đây chính là bố cục kiến trúc đền miếu đặc trưng của Trung Hoa. Trong quá trình cải tạo, nâng cấp trước năm 1975, hội quán đã được xây dựng thêm 2 tòa nhà cao 2 tầng theo kiến trúc đương thời làm tả điện, hữu điện để phục vụ cho nhu cầu hội họp, làm việc trong bang hội và phục vụ cho công tác giáo dục.

Sơ đồ mặt bằng tổng thể của hội quán Quỳnh Phủ

Mặt trước của cổng hội quán Quỳnh Phủ

Hội quán nhìn từ phần sân trước, với khối kiến trúc cổ ở giữa, hai bên là khối công trình được xây dựng vào thập niên 60

Phía trước Tiền điện là một khoảng sân rộng, chính là minh đường cho toàn bộ hội quán, đây thường là khoảng không gian để tập trung cư dân, tổ chức những buổi lễ hội, những sự kiện phục vụ đời sống tinh thần người Hoa và người Việt. Trước khi vào đến tiền điện là hai hồ nước nhỏ cùng hòn non bộ, với vai trò làm tụ thủy theo kiến trúc đền miếu Trung Hoa. Như vậy, về bố cục tổng thể, hội quán Quỳnh Phủ có nhiều điểm tương đồng so với những hội quán của người Hoa gốc Hải Nam có mặt từ rất lâu đời tại các địa phương khác như Hội An, Huế, Khánh Hòa, TPHCM,…

Đặc trưng kiến trúc Trung Hoa

Vào trong Tiền điện là một bộ cửa chắn bằng gỗ sơn đỏ nằm ở gian giữa với vai trò ngăn cách không gian được gọi là “Trung môn”, thường chỉ được mở vào dịp lễ. Hai bên Tiền điện là nơi thờ cúng những vị thần trong tín ngưỡng dân gian Trung Hoa với vai trò là thần giữ cửa. Tiếp theo Tiền điện chính là sân Thiên tỉnh và tòa Trung điện, hay còn gọi là Lễ đường, đây là không gian đệm trước khi bước vào tòa quan trọng nhất là Chánh điện. Ở Trung điện thường được trưng bày những lư hương, chuông đồng, thuyền bát nhã, bộ bát bửu,… tùy thuộc vào sự sắp xếp của từng hội quán. Nối tiếp Trung điện là khoảng sân Thiên tỉnh và tòa Chánh điện, đây là không gian thờ cúng chính trong hội quán.

Khu vực trung điện, phía trước và sau là sân thiên tỉnh

Hệ thống vì kèo của hội quán cũng được chạm khắc rất tinh vi và lộng lẫy, những họa tiết từ các loài như dơi, kỳ lân, chim muông thú vật cho đến những loại cây trái như lựu, đào, mãng cầu và các loài hoa được thể hiện vô cùng khéo léo, thể hiện tay nghề rất cao của người thợ thời bấy giờ. Đây chính là điểm đặc sắc nhất mà không nhiều hội quán người Hoa khác tại Việt Nam có được.

Trang trí chạm khắc trên hệ thống vì kèo hội quán

Giá trị mỹ thuật

Hội quán Quỳnh Phủ không chỉ có bố cục chặt chẽ tuân thủ theo nguyên tắc truyền thống Trung Hoa, mà còn lưu giữ những họa tiết trang trí, hệ thống kết cấu gỗ vô cùng tinh xảo và có giá trị thẩm mỹ cao. Từ Tiền điện đến Trung điện và Chánh điện, xuất hiện rất nhiều bức bích họa với nội dung là các đoạn thơ, văn, điển tích, điển cố Trung Hoa, và quá trình hình thành phát triển của đô thị Quy Nhơn cũng được thể hiện một cách chi tiết và đậm tính thẩm mỹ.

Hệ thống bích họa cổ tại Trung điện hội quán

Hệ thống bích họa cổ tại Chánh điện hội quán

Hội quán được trang trí nhiều ô hộc có các tiểu tượng mô phỏng những vị thần tiên, nhân vật trong các câu chuyện cổ và có thể cho rằng, các chi tiết gốm này đến từ khu vực Chợ Lớn, với loại gốm Cây Mai trứ danh thời bấy giờ, hoặc có thể được chuyển từ vùng đất Thạch Loan, Quảng Đông[3].

Ô hộc trang trí ở Tiền điện với các tiểu tượng gốm Cây Mai (hoặc Thạch Loan) và bích họa

Ô hộc trang trí ở Tiền điện với các tiểu tượng gốm Cây Mai (hoặc Thạch Loan) và bích họa

Hiện trạng của Hội quán Quỳnh Phủ

Hiện nay, hội quán Quỳnh Phủ đang là cơ sở giáo dục của trường tiểu học Trần Hưng Đạo. Việc sử dụng lại hệ thống cơ sở vật chất từ trước năm 1975 cho hàng trăm học sinh khiến cho di ích xuống cấp nghiêm trọng mà không thể sửa chữa, cải tạo, trùng tu toàn diện. Các khu vực phòng học có rất nhiều điểm bị thấm dột, lộ kết cấu bên trong và có nguy cơ mất an toàn đối với học sinh và giáo viên trong hoạt động giảng dạy và học tập. Khu vực Tiền điện đang có nguy cơ đổ sập vì không được trùng tu trong suốt hàng chục năm qua.

Khu vực Chánh điện hiện chỉ còn lại một số trang thờ được chạm khắc gỗ vô cùng lộng lẫy xen lẫn rất nhiều đồ dùng của trường học. Phần lớn đồ thờ tự, hoành phi, liễn đối gỗ đã không còn. Hệ thống bích họa qua tác động của thời gian và môi trường đã và đang dần mục nát, loang lổ. Hệ thống kết cấu vì kèo gỗ không không còn nguyên vẹn. Những tượng trang trí bằng gốm sứ quý đã vỡ và thất lạc nhiều. Những món đồ có giá trị còn lại không được lưu trữ, giữ gìn, vì vậy có nguy cơ thất lạc và hư hỏng cao.

Khu vực Trung điện của hội quán, hiện nay là nơi chứa đồ, để xe

Nhiều chi tiết kết cấu và trang trí gỗ đã bị xuống cấp dù có giá trị thẩm mỹ vô cùng lớn

Mục đích bảo tồn các Hội quán người Hoa tại Quy Nhơn

Giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa đô thị

Trong hơn 400 năm hình thành và phát triển thành phố Quy Nhơn, ngoài những di tích cổ xưa từ thời vương quốc Chămpa còn sót lại, thì những chứng tích hữu hình về các giai đoạn phát triển của đô thị gần như rất mờ nhạt đối với đại chúng. Các di tích kiến trúc từ thời kỳ cận đại còn tồn tại với số lượng vô cùng ít ỏi vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan của lịch sử. Hội quán Quỳnh Phủ may mắn vẫn còn tồn tại như một minh chứng rõ ràng về quá trình phát triển của đô thị. Vì vậy, cần phải đề xuất, tiến hành dự án trùng tu với mục đích bảo tồn những di tích này và góp phần lưu lại giá trị, ký ức cho thế hệ sau.[4]

Giáo dục cho các thế hệ sau

Là một thành phố năng động vốn nổi tiếng với những đền tháp Chămpa cổ kính lâu đời, các thế hệ cư dân mới của Quy Nhơn đã gần như bị “đứt gãy ký ức” về một giai đoạn phát triển của đô thị trong thời kỳ cận đại. Khắp thành phố là những công trình xây dựng mới, những chứng tích hữu hình phản ánh một thời kỳ lịch sử đã và đang dần mai một. Khẩn trương bảo tồn những di tích hội quán cổ Trung Hoa còn với mục đích định danh lại Quy Nhơn, là nơi hòa hợp của 3 nền văn hóa Chămpa, Việt Nam và Trung Hoa từ những dữ kiện trong lịch sử. Cộng đồng cư dân địa phương và du khách sẽ hiểu rõ hơn về đô thị Quy Nhơn, từ những tàn tro của cảng thị Nước Mặn, sau đó tái sinh và rồi phát triển thật năng động cho đến ngày hôm nay.

Chỉnh trang cảnh quan đô thị

Các khu vực di tích hiện nay đang trong tình trạng xuống cấp và không được các cơ quan chức năng và người dân quan tâm đúng cách. Điều này khiến cho mỹ quan đô thị những khu vực này vô cùng lộn xộn, nhếch nhác và hoang phế. Cần chỉnh trang, dọn dẹp, làm sạch khuôn viên những hội quán không thể trùng tu toàn bộ. Qua đó góp phần đưa Quy Nhơn đi đúng với mục tiêu “Thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Thu hút du lịch, phát triển dịch vụ địa phương

Sau khi được trùng tu và giới thiệu với đại chúng một cách khoa học, chuyên nghiệp, thì đây sẽ là những điểm đến du lịch mới của địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của ngành kinh tế dịch vụ. Bên cạnh những địa điểm đã rất phổ biến trước đó, thì các hội quán sẽ là điểm tham quan kết hợp trải nghiệm văn hóa, tâm linh cho các du khách.

Định hướng bảo tồn và cải tạo di tích Hội quán Quỳnh Phủ

Đây là di tích còn nguyên vẹn nhất, quan trọng nhất và cần phải được trùng tu toàn diện. Đây là hội quán có giá trị vô cùng lớn về kiến trúc và trang trí thẩm mỹ, và là công trình tiêu biểu của người Hoa tại thành phố Quy Nhơn. Để có thể bảo tồn và trùng tu được toàn diện công trình, cần phải di dời trường tiểu học Trần Hưng Đạo đến vị trí khác, sau đó tiến hành thực hiện dự án trùng tu trả lại vẻ nguyên bản của hội quán Quỳnh Phủ. Đối với khối công trình chính, cần bảo tồn nguyên vẹn 3 yếu tố quan trọng dưới đây:

Hệ kết cấu kiến trúc

Tiến hành lập dự án nghiên cứu, khảo sát, trùng tu, gia cố lại toàn bộ hệ thống kết cấu vì kèo, mái ngói; chống thấm, dột; phục hồi nguyên vẹn hệ thống chịu lực của công trình. Giữ lại 2 khối phòng học cũ, vì đây là phần cải tạo được xây dựng thêm từ trước 1975, nhằm phục vụ nhu cầu trong quá trình hoạt động của hội quán. Có thể nghiên cứu, điều chỉnh lại tùy theo mục đích sử dụng của 2 khối phòng học, nếu dỡ bỏ thì phải cân nhắc, tính toán và thiết kế kĩ lưỡng để xây dựng phần kết cấu mới có kiến trúc tương đương với những hội quán người Hoa tại Việt Nam và đảm bảo phải hài hòa với phần công trình chính hiện hữu.

Phần mái của Chánh điện, với hai bên tường đầu hồi là hình lượn sóng, mang đậm dấu ấn kiến trúc vùng Nam Trung Hoa

Hệ thống bích họa cổ

Đây là hệ thống tranh tường vô cùng đặc sắc và mang giá trị thẩm mỹ cao, có nhiều nội dung liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của đô thị Quy Nhơn, những điển tích, truyền thuyết Trung Hoa cũng được truyền tải rất sinh động. Cần phải khảo sát kĩ với đội ngũ có chuyên môn về bích họa từ các địa phương có kinh nghiệm trong mảng bảo tồn tranh cổ như Huế, TPHCM,… Sau đó đề xuất phương án trùng tu, phục hồi nguyên gốc lại hệ thống tranh tường này.

Các mảng bích họa và trang trí gốm phía trong Tiền điện

Hệ thống trang trí gỗ và gốm

Các chi tiết trang trí hoa văn trên vì kèo, trang thờ vô cùng tinh xảo và thể hiện tay nghề cao của người xây dựng. Cần phải trùng tu nguyên gốc và truy tìm lại một phần đồ thờ tự đã thất lạc của hội quán. Bên cạnh đó, công trình cũng được trang trí bởi rất nhiều tượng gốm cổ từ thời điểm hình thành. Hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu xác định rõ đây là gốm từ vùng Thạch Loan (Quảng Đông) chuyển đến Quy Nhơn hay là gốm Cây Mai ở Sài Gòn – Chợ Lớn.

Như vậy, quá trình trùng tu hội quán Quỳnh Phủ phải được khảo sát và tiến hành kỹ lưỡng, với mục đích có thể phục hồi nguyên gốc một cách triệt để như thời điểm mới xây dựng hoặc phù hợp với một số thay đổi của lịch sử[5].

Hệ thống kết cấu trang trí gỗ tại khu vực Tiền điện

Kết luận

Vì các yếu tố lịch sử và xã hội, hiện nay người gốc Hoa ở Quy Nhơn không còn nhiều, phần lớn không còn ký ức về ngôn ngữ, văn hóa của quê hương, gốc gác tổ tiên. Những hội quán một thời vàng son trở nên hoang phế vì không còn được sử dụng đúng với mục đích ban đầu. Điều này dẫn đến một sự lãng phí di sản, khi mà các tỉnh thành có đông người Hoa sinh sống như Hội An, Sài Gòn – Chợ Lớn (TPHCM), Bình Dương, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu,… những hội quán cổ của người Hoa xưa đều được bảo tồn và trùng tu, cải tạo hợp lý, lồng ghép một số chức năng sử dụng mới để có thể tiếp tục là một di sản sống giữa lòng đô thị đang phát triển từng ngày.

Đặc biệt, vào cuối năm 2021 đã có một dự án trùng tu, cải tạo không gian hội quán Quảng Đông cũ tại số 22 Hàng Buồm, Hà Nội thành một trung tâm văn hóa – nghệ thuật. Dự án này có nhiều điểm tương đồng với hội quán Quỳnh Phủ Quy Nhơn, đó là chức năng thờ tự, sinh hoạt tôn giáo đã không còn là chức năng chính vì nhiều yếu tố xã hội. Vì vậy, những giá trị đặc sắc của hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm đã được giữ gìn và khôi phục lại, phần lớn không gian còn lại đã được tái sử dụng vào mục đích trở thành một địa điểm trình diễn, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật công cộng vừa có bản sắc nhưng đậm tính đương đại cho cư dân Hà Nội. Có thể tham khảo trường hợp này để áp dụng cho trường hợp của hội quán Quỳnh Phủ.

Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, một trường hợp trùng tu và cải tạo thành công di tích của thành phố Hà Nội. Nguồn ảnh: Phạm Minh Quân

Hội quán Quỳnh Phủ là di tích văn hóa – lịch sử – kiến trúc chứa đựng những ký ức của một đô thị biển hiện đại như Quy Nhơn, là nơi để thế hệ cư dân tiếp theo dễ dàng hiểu rõ hơn về quá khứ của những tiền nhân đi trước trong quá trình phát triển của một cộng đồng, một vùng đất. Bên cạnh đó, đây sẽ là một địa điểm thu hút rất đông khách du lịch muốn tìm hiểu văn hóa và tâm linh trong tương lai, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương. Mặc dù là di tích còn nguyên vẹn nhất, quan trọng nhất và cần phải được trùng tu toàn bộ, nhưng hiện nay toàn bộ di tích hội quán đang bị xuống cấp nặng nề và không được quan tâm đúng cách. Để có thể bảo tồn và trùng tu được toàn diện công trình, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ từ chính quyền, người dân và cộng đồng nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1. Đào Vĩnh Hợp, Võ Thị Ánh Tuyết (2018) ). Cộng đồng người Hoa ven biển miền Trung trong giao lưu văn hóa, hội nhập và phát triển. Tạp chí Phát triển Khoa học & Công nghệ: Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn, pp. 11-20.
2. Nguyễn Công Thành (2011). Hoạt động thương mại của thương nhân người Hoa ở Đô thị Quy Nhơn (Tỉnh Bình Định) Thế kỷ XIX. Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, số 2 (114), (2011), pp. 64-72.
3. Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đại Phúc (1994). Gốm Cây Mai – Sài Gòn xưa, Nhà xuất bản Trẻ.
4. Hoàng Đạo Kính (2012). Văn hóa Kiến trúc, Nhà xuất bản Tri Thức.
5. Nguyễn Khởi (2014). Bảo tồn và Trùng tu các Di tích Kiến trúc, Nhà xuất bản Xây dựng.

Tuấn Mỹ