23/12/2019

Đề cao đạo đức công vụ trong quản lý trật tự xây dựng

Khắc phục những yếu tố chủ quan, đặc biệt là tăng trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng, đó là vấn đề được nhiều ý kiến kỳ vọng khi Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng vừa được đưa ra xem xét tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua và đang được tiếp tục hoàn thiện.

Lực lượng chức năng cưỡng chế công trình vi phạm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Việt Dũng

Lực lượng chức năng cưỡng chế công trình vi phạm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Việt Dũng

Giảm thủ tục hành chính
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Dự Luật đã thể hiện rõ nội dung, quy trình thẩm định đối với công trình sử dụng các nguồn vốn khác nhau. Trong đó, kiểm soát toàn diện, chặt chẽ đối với công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công và kiểm soát hợp lý đối với các công trình sử dụng nguồn vốn khác. Đồng thời, cũng đã quy định rõ nội dung, trách nhiệm trong công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư.
Cùng với đó, việc thực hiện đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính cũng đã được thể hiện thông qua việc tích hợp một số nội dung của thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở với việc cấp phép xây dựng. Qua đó, góp phần giảm tổng thời gian thẩm định, cấp phép xây dựng công trình từ 70 ngày giảm xuống còn 20 ngày đối với công trình cấp 1 và từ 60 ngày xuống còn 20 ngày đối với công trình cấp 2, cấp 3. Việc cấp phép xây dựng tất cả các công trình xây dựng đều đã được phân cấp cho địa phương.
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), các quy định này vẫn chưa đủ, cần làm rõ những dự án nào sẽ phải gộp việc thẩm định thiết kế với cấp phép chứ không phải tách ra như hiện nay. Làm rõ trình tự, thủ tục trong việc thẩm định phải gồm cả thẩm định về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, cũng như về môi trường, để đưa thẩm định vào một đầu mối thực hiện, giúp chủ đầu tư không còn phải chạy vòng vèo qua nhiều đơn vị.
Đồng thời, không nên quy định cứng định mức và đơn giá về kinh tế, kỹ thuật áp dụng cho xây dựng. Bởi quy định cụ thể tưởng như đã rất chi tiết, chặt chẽ, nhưng không thích ứng được những sự biến động về tiến bộ khoa học kỹ thuật vật liệu mới, những biến động của thị trường. Chủ đầu tư nào năng động, ứng dụng mới có thể gặp khó khăn trong quá trình thẩm duyệt hoặc quyết toán. Trong khi đó, chủ đầu tư có thể lợi dụng vào các quy định này để đội giá thành lên rất cao so với giá trị thực. Theo đại biểu, thay vào đó chỉ quy định mang tính nguyên tắc về xác định các chi phí xây dựng, còn lại, phải đối chiếu với diễn biến thực tế của thị trường để xác định mức giá hợp lý nhất.
Vấn đề là thực thi
Trong quá trình thảo luận Dự Luật, nhiều ý kiến cho rằng, trước thực trạng quản lý xây dựng còn nhiều bất cập, cần tìm rõ nguyên nhân từ đâu. Đồng thời, phải có quy định đủ mạnh để xử lý dứt điểm các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng thời gian qua. Trong đó, việc bịt kẽ hở trong quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng là một đòi hỏi quan trọng với sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng lần này.
Nhiều ý kiến đồng tình, thể chế pháp luật không sai mà chính khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương), điều đáng tiếc là các điều khoản trong Luật hiện hành chưa giúp xác định được trách nhiệm cụ thể trước những sai phạm hay thực hiện đầu tư xây dựng không hiệu quả đang diễn ra hiện nay. Do vậy, sửa Luật Xây dựng lần này, một điều cũng cần phải làm là “sửa đổi, bổ sung” ngay đạo đức công vụ của những cán bộ thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Có ý kiến đề nghị, cần có quy định ưu tiên nguồn lực ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý trật tự xây dựng đô thị. Khi có quy định này, các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm đầu tư các thiết bị như flycam, camera để thu thập hình ảnh các công trình đang xây dựng có phép cũng như không phép vừa mới mọc lên. Các hình ảnh này sẽ được chuyển đến máy tính xử lý, so sánh với cơ sở dữ liệu có sẵn và đưa ra thông tin cảnh báo các công trình vừa mới vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Trần Hà/Kinh tế Đô thị