18/10/2017

Đẩy mạnh triển khai áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và vận hành công trình

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Hiện nay, việc áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trên thế giới đang ngày càng trở nên nên phổ biến. Mỗi nước đều có chiến lược áp dụng  ở các mức độ khác nhau nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cạnh tranh của ngành Xây dựng. Tại thời điểm hiện nay, BIM đang là tiền đề quan trọng để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành Xây dựng Việt Nam. Đẩy mạnh ứng dụng BIM ngành Xây dựng cũng chính là cơ sở tạo nên “thế và lực mới”. Trong thời gian tới rất cần những định hướng và biện pháp triển khai cụ thể, có hiệu quả thúc đẩy việc triển khai ứng dụng BIM mạnh mẽ tại Việt Nam. Phóng viên Tạp chí KTVN đã có những ghi nhận ý kiến chuyên gia tại buổi Hội thảo “Triển khai áp dụng Mô hình thông tin công trình BIM trong hoạt động xây dựng và vận hành công trình” tháng 09/2017 tại Hà Nội.

Hội thảo "Triển khai áp dụng Mô hình thông tin công trình BIM trong hoạt động xây dựng và vận hành công trình" tháng 09/2017 tại Hà Nội

Hội thảo “Triển khai áp dụng Mô hình thông tin công trình BIM trong hoạt động xây dựng và vận hành công trình” tháng 09/2017 tại Hà Nội

Xây dựng lộ trình triển khai ứng dụng BIM trong hoạt động xây dựng và vận hành công trình

Qua tổng kết tại một số dự án cho thấy, ứng dụng BIM giúp rút ngắn tiến độ, tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa trong xử lý các vấn đề khó khăn trong thiết kế – thi công – kiểm soát chặt chẽ khối lượng. Tuy nhiên, ứng dụng BIM ở Việt Nam tỷ lệ còn thấp và còn mang tính tự phát chưa có định hướng, trong thời gian tới, rất cần những kế hoạch hành động cụ thể để có thể nâng cao chất lượng, ứng dụng BIM một cách có hiệu quả đồng thời đưa ra được các giải pháp thúc đẩy áp dụng BIM theo đúng định hướng của Chính phủ.
Để triển khai được một công nghệ mới như BIM trong lĩnh vực xây dựng, theo kinh nghiệm của các nước đi trước, bước đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức do liên quan đến việc điều chỉnh quy trình sản xuất của đơn vị tư vấn, chuẩn bị nguồn lực để cập nhật với các công cụ và quy trình mới, quy định cụ thể cho từng dự án, tính chủ động và tinh thần hội nhập cao. Cần làm rõ các nội dung có tính khả thi ứng dụng BIM trong ngành Xây dựng đặc biệt là các đơn vị tư vấn để phù hợp với đặc thù Việt Nam. Giải pháp đào tạo và chuẩn bị nguồn lực áp dụng BIM theo lộ trình, biện pháp khai thác tối đa các cơ hội ứng dụng BIM có hiệu quả, từng bước đổi mới ngành Xây dựng.
Để triển khai ứng dụng BIM trong ngành Xây dựng, ngày 22/12/2016, Thủ Tướng Chính phủ đã có quyết định 2500/QĐ-TTg phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình với quan điểm Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để các chủ thể có liên quan áp dụng BIM, thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, tiết kiệm các nguồn lực, nâng cao năng lực quản lý vận hành công trình.

Ts Trần Hồng Mai – Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng – Phó trưởng ban Thường trực, Ban chỉ đạo thực hiện đề án Áp dụng Mô hình thông tin BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.

Việc triển khai BIM tại Việt Nam cũng chính là tiền đề đổi mới ngành xây tương lai
Căn cứ vào các số liệu khảo sát trên thế giới, không thể phủ nhận các hiệu quả nhiều mặt của ứng dụng BIM trong ngành Xây dựng. Có một mối quan hệ liên quan giữa việc triển khai ứng dụng BIM với phát triển đô thị thông minh. Dựa trên nền tảng Internet Vạn Vật (IOT) sẽ tạo nên sự kết nối, chia sẻ trong các lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị, thiết kế kiến trúc, vận hành công trình… giữa các khu vực khác nhau của đô thị.
Việc triển khai BIM tại Việt Nam cũng chính là tiền đề đổi mới ngành Xây dựng trong tương lai. Trên cơ sở ứng dụng BIM, có thể tạo ra một môi trường hợp tác mà các các kiến trúc sư, cũng như các chủ thể tham gia dự án có thể hợp tác với nhau theo một cách khác biệt so với trước đây, mô phỏng công tác thi công trước khi triển khai thực tế. Đây chính là tương lai của đổi mới hoạt động xây dựng và vận hành công trình từ khâu quy hoạch đô thị, thiết kế kiến trúc, cấp phép xây dựng công trình. BIM có thể tối ưu hóa sử dụng dữ liệu tạo ra hiệu quả lớn cho các dự án. Trong nhiều năm vừa qua BIM đã được nghiên cứu ở Việt Nam, ứng dụng BIM cho phép hoàn thành dự án đúng tiến độ và tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả BIM, theo kinh nghiệm quốc tế, cần nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo – định hướng trong xây dựng tầm nhìn ứng dụng BIM tại Việt Nam. Bởi trong một môi trường làm việc có sự kết nối, cần có các quy định thống nhất, thường xuyên trao đổi và cập nhật dữ liệu giữa các chủ thể tham gia và đề cao công tác bảo mật.

Ts. Daniel Green – Giám đốc khối Chính phủ Khu vực Châu Á Thái Bình Dương công ty Autodesk

BIM rất hiệu quả với nhà thầu thi công trong các công trình quy mô lớn – phức tạp
Kinh nghiệm khi ứng dụng BIM vào công trình cho thấy dù có những khó khăn ở giai đoạn đầu nhưng rất có ưu thế giải quyết thiết kế chi tiết các vị trí phức tạp, ứng dụng cho toàn bộ phần xây thô bộ khung kết cấu công trình cho thấy BIM rất hiệu quả đối với công việc phức tạp.
Ứng dụng BIM đã giúp chi tiết hóa, đgiải quyết chi tiết thiết kế giao cắt phức tạp và trình tự thi công lắp đặt giữa thép cột giao với dầm chuyển tại hệ đầu cột. Với khu vực có mật độ thép cao, đan xen các chiều và nhiều loại cấu tạo thì việc áp dụng các phương pháp thiết kế truyền thống sẽ khó đạt hiệu quả cao trong việc đưa ra giải pháp và phối hợp thông tin giữa đội thiết kế và đội thi công. Việc ứng dụng BIM giúp nhà thầu thi công đưa ra được giải pháp thiết kế tối ưu, dự kiến được trình tự thi công – lắp đặt hiệu quả và xuất được các bản vẽ chi tiết thiết kế với độ chính xác cao.
Các bước thực hiện ngoài công trường được mô phỏng bằng các mô hình. Các bên liên quan trao đổi thông tin ở tất cả các bước, lên phương án ngay từ quá trình thiết kế. Sự chính xác và tiện dụng đã giúp hạn chế tối đa việc sửa chữa, thay đổi trong quá trình thi công, đảm bảo cả về an toàn lao động, tiến độ thi công, thúc đẩy việc thi công hiệu quả hơn và tiết kiệm các chi phí gián tiếp phát sinh cho chủ đầu tư và các bên.

Ông Nguyễn Khưu Trọng Luật –  Trưởng ban BIM, Công ty Cổ phần xây dựng Coteccons

BIM hỗ trợ tốt đơn vị tư vấn giám sát phát hiện xung đột trong quá trình thi công xây dựng
Với đơn vị quản lý dự án và tư vấn giám sát có 3 lợi ích chính mà BIM mang lại là: nhận biết các xung đột, đánh giá tính khả thi của giải pháp thi công và kiểm tra tính logic của hệ thống. BIM đã chỉ ra cho đơn vị tư vấn giám sát phát hiện rất nhiều xung đột trong quá trình thi công khác nhau, có đến hàng nghìn xung đột được xác định để giải quyết trong khi nếu thực hiện theo quy trình thông thường sẽ bị bỏ sót rất nhiều. Trên cơ sở này, các nhà thầu thi công có thể phối hợp, nhanh chóng tự khắc phục sửa chữa ngay từ khi làm biện pháp thi công và vẽ shop. Điều này cũng giúp các nhà thầu chú trọng tránh sai phạm, tránh tổn thất và thời gian thi công.
Kinh nghiệm từ thực tế triển khai tại đơn vị cho thấy, khi ứng dụng BIM vào công trình cần xác định rõ mục tiêu khi áp dụng vào dự án, tránh lựa chọn các mục tiêu lãng phí nguồn lực. Với đơn vị tư vấn giám sát, nên tập trung vào Truyền tải thông tin thiết kế, đánh giá tính khả thi thiết kế, kiểm tra xung đột và những mục tiêu hiệu quả và khả thi nhất. Xây dựng một nguyên tắc áp dụng BIM thống nhất của các bên tham gia công trình ngay từ đầu ra nằm trong nội dung hợp đồng của các bên tham gia.

Ông Đinh Công Phúc – Công ty TNHH Turner Việt Nam

Ứng dụng BIM vào công trình cho thấy giảm 40% chi phí phát sinh
Từ năm 2014, triển khai ứng dụng BIM đã mang lại nhiều lợi ích để đơn vị quyết định chính thức triển khai áp dụng BIM một cách chuyên nghiệp. Qua quá trình triển khai, ứng dụng BIM vào công trình cho thấy giảm 40% chi phí phát sinh, giảm 3% độ sai lệch của dự toán, giảm 80% thời gian tính dự toán, tiết kệm 10% giá trị hợp đồng thông qua việc phát hiện các mâu thuẫn, giảm 7% thời gian thực hiện dự án.
Ứng dụng BIM bắt đầu từ công tác đấu thầu cho đến thiết kế và thi công, giúp bóc tách khối lượng một cách chính xác phục vụ cho công tác đấu thầu, trình diễn các bước diễn họa 3D giúp cho việc đưa ra các biện pháp thi công phù hợp, lập tiến độ thi công và kiểm soát bằng BIM 4D, tổ chức mặt bằng thi công cho công trình. Do đó khi triển khai thi công, BIM là công cụ kiểm soát hồ sơ thiết kế, xử lý những sai sót trước khi thi công trong kiến trúc và kết cấu.
Ở giai đoạn thi công, nhờ sự chính xác của phần mềm, các thông tin đầu vào của dự án được đưa vào một mô hình thống nhất sau đó sử dụng tích hợp 5D để trích dẫn khối lượng, tiến độ và giá của dự án theo đó toàn bộ quy trình được nghiệm thu thanh quyết toán được thực hiện theo quy trình BIM thống nhất. Hơn thế nữa BIM cho thấy khả năng tích hợp các mô hình từng hạng mục trên tổng mặt bằng và mô phỏng tiến độ thực hiện của từng hạng mục và tiến độ tổng thể trên phần mềm phối hợp BIM, từ đó phân tích ra các điểm không hợp lý và kiểm soát các rủi ro về tiến độ của dự án.

Ông Mai Anh Đức – Trưởng nhóm BIM, Công ty Cổ phần Sông Đà 5

Đẩy mạnh khung chương trình đào tạo nguồn nhân lực và triển khai thí điểm
Hiện nay ở nước ta, đã có một số doanh nghiệp tiên phong triển khai ứng dụng BIM, tuy nhiên trên bình diện tổng thể các khó khăn, rào cản chính vẫn là nguồn nhân lực và kinh nghiệm triển khai. Rất cần có những thúc đẩy đồng bộ trong xây dựng khung chương trình đào tạo nguồn nhân lực và triển khai thí điểm trong thời gian tới.
Trong đào tạo nguồn nhân lực cho công tác triển khai ứng dụng BIM, các đơn vị hiện nay chủ yếu tập trung đào tạo sử dụng phần mềm là chính. Một số doanh nghiệp đã triển khai tự đào tạo và ứng dụng BIM nhưng chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế. Đánh giá chung còn chưa bài bản chưa làm rõ về quy trình và các yêu cầu tổng thể, sử dụng cơ sở dữ liệu. Đào tạo theo từng phần là chính và chưa có nội dung đào tạo chính thức. Trước tình hình đó, tham khảo các chương trình khung đào tạo ứng dụng BIM của các nước đi trước để biên soạn chương trình đào tạo khung tại Việt Nam. Sẽ tiến hành lựa chọn và mở một số lớp đào tạo các giảng viên nguồn với các giảng viên là là các chuyên gia từ các quốc gia đi trước trên thế giới. Sau đó các giảng viên nguồn sẽ là nhân tố tiếp tục đào tạo mở rộng. Tiến hành lựa chọn đào tạo thí điểm với các chủ đầu tư (hiện tại giới hạn với loại công trình cấp 1). Đồng thời sẽ thường xuyên tổ chức đào tạo các lớp ngắn hạn tại các địa phương.
Đẩy mạnh áp dụng BIM tại các dự án thí điểm. Thành lập tổ chuyên gia tư vấn cho các dự án thí điểm thông qua các hình thức hỗ trợ đào tạo cho các Ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế nhà thầu thi công. Kết nối cung cấp các công cụ áp dụng nếu cần thiết.

Ts. Nguyễn Phạm Quang Tú – Phó viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng, Tổ trưởng tổ chuyển gia giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện đề án Áp dụng Mô hình thông tin BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình

Đẩy mạnh ứng dụng BIM giảm độ “vênh” giữa các bên tham gia từ triển khai thực tế
Đánh giá chung, ứng dụng BIM tại các đơn vị tư vấn thiết kế hiện nay là còn ở giai đoạn ban đầu. Hiện nay, việc triển khai ứng dụng BIM tại các đơn nhà thầu mới chỉ là từng phần, còn thiếu tổng thể hoàn chỉnh. Với các chủ đầu tư, vì còn thiếu trải nghiệm nên chỉ là sự sưu tầm “cái mới” chứ chưa thực sự hiểu rõ các nội dung và ích lợi của BIM một cách tường minh. Vì lí do hạn chế về hạ tầng công nghệ, chi phí đầu tư ban đầu, nguồn nhân lực… nên các thiết kế kiến trúc chưa có tính tương tác tức thời theo quy trình chính tắc mà BIM quy định. Thiết kế kết cấu chỉ dừng lại ở các sơ đồ kết cấu không gian, không chỉ rõ được chi tiết thép như tiêu chuẩn Việt Nam quy định với bản vẽ thiết kế.
Về bản chất, BIM là sự kết nối các bên tham gia. BIM không phải chỉ dành riêng cho đơn vị tư vấn thiết kế, mà cần có sự “đồng điệu” của cả các bên như chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát. BIM cần một quy trình thực hiện và cao hơn là quy trình quản lý nên đòi hỏi phải xây dựng một tiêu chuẩn thống nhất thực hiện. Không nên triển khai ứng dụng ồ ạt dàn hàng ngang mà nên phát triển các nhóm thí điểm để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Thực hiện đào tạo từ thực tế thay vì đào tạo đơn thuần lý thuyết như hiện nay.

Ths. Kts Nguyễn Huy Khanh – Phó TGĐ công ty VNCC

Xây dựng nội dung hướng dẫn triển khai Bim và chương trình đào tạo
Đẩy mạnh xây dựng hướng dẫn chương trình khung triển khai ứng dụng BIM ngành Xây dựng. Trong đó tập trung nghiên cứu các nội dung mẫu, khung chương trình đào tạo, về công nghệ làm rõ các vấn đề tổng quan, môi trường áp dụng, lựa chọn công nghệ, nền tảng ứng dụng, và triển khai ở các cấp độ.
Về nội dung mẫu, lựa chon từ kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới, xây dựng các nội dung mẫu về hợp đồng (cho trường hợp là một hợp đồng riêng hay là một nội dung trong hợp đồng tư vấn thiết kế với các đơn vị tư vấn không chuyên về BIM), đặc biệt là quan tâm làm rõ các vấn đề về sở hữu trí tuệ của các đơn vị triển khai BIM.
Xây dựng các hướng dẫn, giải quyết các thắc mắc của các đơn vị Ban QLDA trong thời gian qua về định mức chi phí và dự toán cho công trình khi ứng dụng BIM. Về hướng dẫn đưa ra các quy định về quy trình người khởi tạo thông tin, đánh giá hiện trạng, quy trình áp dụng BIM cho các hình thức thiết kế đấu thầu, thi công…

TS Tạ Ngọc Bình – Viện Kinh tế Xây dựng, Tổ phó tổ chuyên gia giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện đề án Áp dụng Mô hình thông tin BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.

Thực hiện: KIM LONG