02/04/2021

Đẩy mạnh kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai

Các đại biểu Quốc hội đánh giá vừa qua Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán chặt chẽ, hiệu quả các dự án BT, BOT, dự án dùng vốn ODA…

Sáng 1-4, Quốc hội (QH) dành một thời lượng đáng kể để thảo luận về báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Hầu hết ý kiến đều đồng tình, đánh giá cao công tác của KTNN nhiệm kỳ vừa qua.

Đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng: “Chúng ta cần phải đánh giá rất cao những thành quả đã đạt được của kiểm toán, thể hiện tính chất thẳng thắn, cương trực và bản lĩnh của kiểm toán cũng như của Tổng Kiểm toán trong nhiệm kỳ vừa qua”.

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc trao đổi lại với các đại biểu tại phiên thảo luận sáng 1-4. Ảnh: CTV

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc trao đổi lại với các đại biểu tại phiên thảo luận sáng 1-4. Ảnh: CTV

ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), ĐB Quách Thế Tản (Hòa Bình) và ĐB Hoàng Văn Cường đều chung nhận định KTNN đã tích cực trong việc triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán và chất lượng của công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị của kiểm toán; phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị của kiểm toán.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ vừa qua, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính tới trên 350.000 tỉ đồng, gấp 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015 nhưng số kiến nghị về tài chính hằng năm thực hiện chỉ đạt bình quân khoảng 73,6%.

Các ĐBQH cho rằng kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về mặt tài chính mới chỉ đạt được 73,6% cho thấy hiệu lực thực hiện của các kiến nghị kiểm toán còn thấp. Các ĐB đều đề nghị phải phân tích nguyên nhân cả khách quan và chủ quan để các kiến nghị của KTNN được thực hiện nghiêm minh theo pháp luật về kiểm toán.

Các ĐB đề nghị Chính phủ, các địa phương thực hiện nghiêm các kiến nghị của KTNN, đồng thời xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân sai phạm trong vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm siết chặt kỷ cương, sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước. Đồng thời đẩy mạnh việc công khai các báo cáo kiểm toán để người dân được biết.

Các ĐB cũng đề nghị KTNN đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề, như các chuyên đề đã từng làm như các dự án BT, BOT hay hiệu quả sử dụng vốn của các dự án ODA. Các ý kiến cũng đề nghị thời gian tới KTNN tiếp tục kiểm toán các lĩnh vực quản lý, nhất là quản lý vấn đề sử dụng, quản lý đất đai.

Phát biểu làm rõ một số vấn đề ĐB nêu, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho hay: Khi báo cáo kiểm toán được phát hành thì KTNN đã hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Về lý do các kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện được một cách triệt để, theo ông Hồ Đức Phớc, là còn phụ thuộc vào nguồn vốn.

“Ví dụ, những khoản chi sai chế độ, các khoản chẳng hạn như công trình đã quyết toán, trả cho nhà thầu rồi mới kiến nghị chỗ này chi sai là do không phù hợp với định mức, không phù hợp với dự toán, không phù hợp với đơn giá. Tuy nhiên, để thu lại được tiền đấy phải chờ các doanh nghiệp người ta nộp tiền thì ban quản lý dự án mới nộp tiền lại cho Nhà nước, hay các khoản chi sai chế độ cũng phải có nguồn để chi trả và một số vấn đề khác” – Tổng KTNN giải thích.

Tổng KTNN cũng nói sẽ phải nâng cao chất lượng kiểm toán bằng nhiều biện pháp vì đây là “vấn đề sống còn” đối với tính chuyên nghiệp của KTNN.

“Sắp tới chúng tôi sẽ nỗ lực hơn, cố gắng hơn và cung cấp những thông tin thiết thực nhất, chính xác nhất cho ĐBQH và các cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện quản lý và sử dụng nguồn tài sản công, tài chính công, nguồn lực của Nhà nước một cách hiệu quả hơn, tốt hơn” – Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Chân Luận/Pháp luật TPHCM