12/05/2015

Đầu tư phát triển du lịch tại Mũi Cà Mau: Bao giờ hết cảnh ‘đất lành’ đìu hiu?

Trong nhiều năm qua, Trung ương và địa phương rất quan tâm đầu tư bảo vệ không gian đặc biệt của Đất Mũi, trong đó có việc mở rộng, nâng cấp, kéo dài quốc lộ ra tận chót Mũi. Tỉnh Cà Mau cũng “trải chiếu hoa”, mời gọi đầu tư để “đánh thức” tiềm năng du lịch tại đây. Không ít nhà đầu tư đã xem Mũi Cà Mau là “đất lành” nhưng thực tế điểm đến Đất Mũi hiện vẫn đìu hiu…

Cà Mau là mảnh đất cực Nam của dải đất hình chữ S; là nơi có rừng ngập mặn sinh quyển lớn nhất của cả nước, được công nhận là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới. Đó còn là địa điểm trong một ngày, người ta chứng kiến được cảnh mặt trời  “thức dậy” ở biển Đông và đến cuối ngày “đi ngủ” ở biển Tây.

Trong nhiều năm qua, Trung ương và địa phương rất quan tâm đầu tư bảo vệ không gian đặc biệt của Đất Mũi, trong đó có việc mở rộng, nâng cấp, kéo dài quốc lộ ra tận chót Mũi. Tỉnh Cà Mau cũng “trải chiếu hoa”, mời gọi đầu tư để “đánh thức” tiềm năng du lịch tại đây. Không ít nhà đầu tư đã xem Mũi Cà Mau là “đất lành” nhưng thực tế điểm đến Đất Mũi hiện vẫn đìu hiu…

So với vài năm trước, việc đi đứng đã thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là sau khi hệ thống cầu trên đoạn cuối đường Hồ Chí Minh (trước là Quốc lộ 1 – PV) lần lượt được đồng bộ hóa, nối liền mạch đến tận trung tâm huyện Năm Căn, nơi chỉ còn cách Đất Mũi chưa tới 50km. Hồi trước, muốn đi nhanh tới Mũi, từ TP Cà Mau, du khách phải bắt ca nô cao tốc đi chặng đường thủy hơn 100km, mất khoảng 2h30′. Giờ thì cứ đi đường bộ một mạch tới Năm Căn rồi mới xuống ca nô.

Đìu hiu Khu Du lịch Mũi Cà Mau

Đìu hiu Khu Du lịch Mũi Cà Mau

Trở lại Đất Mũi lần này, tôi vẫn mang theo tâm trạng háo hức.

Nhưng, rời ca nô bước lên Đất Mũi, tôi thật sự bất ngờ trước sự đìu hiu, nếu không nói là hoang tàn của Khu công viên Văn hóa du lịch Đất Mũi. Tôi nhớ hồi người ta đưa phương tiện cơ giới, chở cát, đá về đây, xây cạnh những vạt rừng đước xanh rì những căn nhà bê tông, cốt thép thoạt nhìn vừa giống nhà rông Tây Nguyên, vừa giống nhà sàn của đồng bào Khmer Nam Bộ, đã có không ít người lên tiếng cho rằng làm chuyện không phù hợp, có phần thô bạo với thiên nhiên.

Giờ, khi sự đầu tư chưa đến nơi, đến chốn, chưa có cách để níu chân du khách, trong khi Mũi Cà Mau được xem là một trong 15 địa chỉ du lịch sinh thái tiêu biểu, trọng điểm Quốc gia, hầu hết những công trình bê tông hóa Mũi Cà Mau càng trở nên phản cảm hơn.

Nhà hàng Thuỷ Tạ nằm thoi loi ra mé biển từng là điểm để du khách vừa hóng gió, vừa thưởng thức đặc sản biển, đặc sản rừng đước, giờ trở nên đơn độc và vô duyên giữa thiên nhiên. Có ai đó đã biến 2 thành tay vịn của cầu dẫn ra nhà hàng này thành nơi phơi khô cá dứa. Tôi leo lên Tháp quan sát Mũi Cà Mau, loay hoay mãi vẫn không chụp được tấm ảnh Đất Mũi nào mà không dính cảnh bê tông cốt thép trong đó.

Một cán bộ địa phương cho biết ngân sách Nhà nước từng tốn tiền tỷ để chống sạt lở khu vực này. Rồi ông giải thích “phải bê tông như thế mới giữ được hình thù Mũi Cà Mau” (?).

Gặp lại các thành viên trong một đoàn khách, tôi thấy họ chẳng còn háo hức như lúc đầu. “Đi bộ một vòng, chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc tọa độ Quốc gia xong, giờ bọn tôi chẳng biết làm gì nữa. Có lẽ đành phải quay về thôi. Thật uổng tiền, uổng công ngồi ca nô cả tiếng đồng hồ để tới đây” – một du khách bộc bạch.

Người dân địa phương cũng bức xúc không kém. Một người dân cho biết: “Hồi hơn chục năm trước, thấy cán bộ về xóm Mũi này đo đạc, hỏi thăm thì được họ nói nơi đây sẽ phát triển du lịch mạnh lắm, dân tụi tui sẽ ăn theo hoạt động du lịch cũng đổi đời. Vậy mà cả chục năm rồi, có thấy đổi đời gì đâu”.

Một cán bộ cho biết tỉnh từng giao vị trí đẹp nhất Mũi Cà Mau cho Công ty CP DL-DV Minh Hải “săn sóc”. Có lúc, tỉnh chi ngân sách đầu tư cho Mũi Cà Mau hơn 30 tỷ đồng/năm để phát triển du lịch. Thế nhưng, nhiều dự án du lịch chỉ được vẽ vời trên giấy, chứ có đi tới nơi tới chốn đâu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 10 năm trước, khi UBND tỉnh Cà Mau kêu gọi đầu tư vào Khu công viên Văn hóa du lịch Mũi Cà Mau rộng gần 160ha, hàng loạt nhà đầu tư đã đến đây thực địa và xin được tham gia. Có điều, khi được chấp thuận, nhiều nhà đầu tư đã giở trò “xí phần rồi để đó”. 

Tại bãi biển Khai Long đẹp hoang sơ nằm ở khu vực Đông Nam Mũi Cà Mau, tình trạng “xí phần” cũng diễn ra tương tự. Một số ngành chức năng của tỉnh cũng “có phần” tại khu vực này, nhưng rốt cuộc không đầu tư du lịch mà chuyển sang… nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là để giữ đất.

Ông Dương Tiến Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, hiện tại “tình hình có ấm hơn”, nhất là khi vào cuối năm nay, đường Hồ Chí Minh qua đoạn này sẽ hoàn thành, kết nối tới tận chót Mũi.

“Đường Hồ Chí Minh đoạn đến Mũi Cà Mau đáng lẽ xong từ mấy năm trước. Nhưng khi Chính phủ có Nghị quyết 11, việc đầu tư đường phải tạm dừng lại. Nhiều nhà đầu tư vì thế cũng không thể tiếp tục triển khai dự án bởi chẳng lẽ làm xong, bắt du khách lội đường rừng tới Mũi? Mình chưa hoàn chỉnh hạ tầng thì nhà đầu tư làm gì được. Hiện địa phương vẫn giữ nguyên quy hoạch ban đầu nên nhiều nhà đầu tư đã quay trở lại, hâm nóng dự án. Công ty TNHH Xây dựng – TM – DL Công Lý – nhà đầu tư chủ lực bên Khu du lịch Khai Long, đang đầu tư, làm quyết liệt lắm” – ông Dương Tiến Dũng báo tín hiệu vui.

Lại phải chờ thôi chứ biết làm sao?!

Theo CAND

Tag: đầu tư phát triễn mũi ca mau, đìu hiu đất lành, Mũi Cà Mau,