Việc xây dựng ga ngầm C9 – tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội ngay cạnh khu vực Hồ Gươm, gần với tháp Bút nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều từ các chuyên gia.
Vị trí đặt ga C9 chưa được sự đồng thuận từ Bộ VHTTDL
Ngày 19.11, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm “quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 – ga hồ Hoàn Kiếm thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội ”.
Nhiều chuyên gia đã đưa ra các ý kiến tranh luận liên quan tới việc xây dựng ga ngầm C9 này.
Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết: Tuyến đường sắt đô thị số 2 là một tuyến quan trọng trong mạng lưới phát triển đường sắt đô thị của thành phố từ Nội Bài – Nam Thăng Long – Thượng Đình.
Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, đây là dự án trọng điểm Quốc gia của TP.Hà Nội sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Tổng mặt bằng ga C9
Ông Minh cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc dự án bị chậm trễ là do việc vị trí đặt ga C9 cạnh khu vực hồ Hoàn Kiếm chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ VHTTDL.
Nhận định về vị trí đặt ga C9 khu vực hồ Hoàn Kiếm, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Thế Minh cho rằng: Đường sắt đô thị (tàu điện ngầm) với Hà Nội là một nhu cầu không cần bàn cãi gì nữa. Nếu chúng ta có tiền thì nên làm từ lâu rồi.
“Việc đặt ga C9 có 2 vấn đề. Ga C9 không thể làm tiếp nối với những tuyến khác cho nên vị trí của ga này cần chọn một cách hợp lý. Việc thứ 2 là Hà Nội đã có một loạt các ga và các tuyến được đặt ra đã phù hợp với quy hoạch.
Chúng ta đã nghiên cứu từ những năm 2006 chứ không phải đến bây giờ mới xem xét vấn đề này. Do đó, cá nhân tôi cho rằng, việc chọn vị trí của ga C9 như hiện nay là hợp lý” – ông Minh nói.
Lo ngại tắc nghẽn giao thông
Lo ngại về việc ga C9- hồ Hoàn Kiếm sẽ làm ảnh hưởng tới các di tích lịch sử, di sản văn hóa, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh – Ủy viên BCH hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: Phương án thiết kế này chưa phải phương án tối ưu với việc đặt vị trí như thiết kế.
Nếu đặt nhà ga C9 tại khu vực trung tâm hồ Hoàn Kiếm thì sẽ gây tắc nghẽn giao thông. Đây là một khu phố đi bộ quý giá mà đặt ga C9 thì sẽ phá vỡ ngay thành quả sáng tạo của chúng ta trong nhiều năm qua.
KTS Trần Huy Ánh phát biểu tại hội thảo. Ảnh Trần Vương
“Chúng ta cần kiểm tra lại bản vẽ của tuyến đường sắt số 2. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục tổ chức đường sắt như thế này là rất đắt, tốn kém và tiếp cận ga theo lối cũ thì có phù hợp không? Trong khi 10 năm qua, Hà Nội phát triển kinh khủng nhưng hướng tuyến giao thông thì chẳng có gì thay đổi.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần phải lưu ý đến vấn đề đầu tư khi làm ga ngầm như trên chắc chắn chi phí giá vé sẽ không đủ bù cho chi phí vận hành”, KTS Trần Huy Ánh băn khoăn.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt tại quyết định số 2054/QĐ-UBND. Dự kiến, tổng mặt bằng chi tiết các hạng mục của dự án với quy mô: Chiều dài: 11,5 km.
Lộ trình tuyến điểm đầu tại khu đô thị Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Điểm cuối trên đường phố Huế.
Trong đó, có 7 ga ngầm: Ga C4-ga Bưởi, ga C5-ga Quần Ngựa, ga C6-ga Bách Thảo, ga C7- ga Hồ Tây, ga C8-ga Hàng Đậu, ga C9-ga hồ Hoàn Kiếm, ga C10-ga Trần Hưng Đạo…
Báo Lao động