Đánh thuế căn nhà thứ 2, nhìn từ các nước trên thế giới
Trên thị trường bất động sản (BĐS), thông tin về việc Bộ Tài chính đang dự định sẽ đánh thuế những người sở hữu từ 2 ngôi nhà ở trở lên, đã nhận được không ít những ý kiến thuận chiều và ngược chiều. Vậy nhìn từ thực tiễn của các nước trên thế giới, họ đã đánh thuế như thế nào với ngôi nhà thứ 2, để Việt Nam có thể chắt lọc và áp dụng.
BĐS nghỉ dưỡng đang được người dân quan tâm.
Theo kết quả khảo sát của New World Wealth, trong năm 2016, hai thành phố có lượng triệu phú và tỷ phú sở hữu căn nhà thứ 2 nhiều nhất là trung tâm tài chính London (Vương quốc Anh) và New York (Mỹ) với lần lượt là 21.500 và 18.400 người.
Thị trường khu vực Châu Á có mặt trong danh sách này là 3 cái tên khá quen thuộc gồm Hong Kong với 15.000 người, Singapore với 11.700 người và tiếp sau đó là Dubai với 8.600 người.
Cũng theo New World Wealth danh sách 10 thị trường đang có số lượng người trong giới siêu giàu thế giới sở hữu căn nhà thứ 2 nhiều nhất gồm: London, New York City, Hong Kong, Singapore, Dubai, The Hamptons, Geneva, Miami, Paris, Zurich.
Trung Quốc là đất nước đông dân nhất thế giới, việc thị trường BĐS có những hiện tượng bị bong bóng là một lẽ đương nhiên, ngay lập tức họ đã đưa ra cách đánh thuế này như một công cụ để điều tiết thị trường. Người mua nhà thứ 2 sẽ bị đánh thuế suất 1,2% trên phần trị giá của nhà. Và họ đã rất thành công.
Singapore, là đất nước rất thành công với việc áp dụng đánh thuế BĐS thứ 2, thuế này thậm chí còn bị đánh rất cao. Thuế tài sản phụ trội áp dụng từ năm 2013 trên bất động sản thứ 2 lên đến 7% trên giá mua nhà; 10% đối với bất động sản thứ 3 và đã áp dụng từ năm 2013.
Tại Nhật, mức thuế bất động sản từ 1,4% – 2,1% trên giá trị cả nhà và đất tính theo giá thị trường và cứ 3 năm họ lại được điều chỉnh một lần.
Đài Loan lại có mức đánh thuế phân chia đối với từng phân khúc bất động sản. Họ đánh thuế 1,2%-2,0% đối với nhà chung cư, khoảng 1,4% đối với nhà riêng (biệt thự); 3,0%-5,0% đối với nhà, công trình xây dựng cho mục đích thương mại.
Hàn Quốc đánh thuế 0,15%-0,5% đối với nhà riêng; 0,25% đối với nhà chung cư; 4% đối với nhà trong khu sân golf, biệt thự, các khu vui chơi giải trí; 5% đối với nhà tại các khu đô thị lớn. Thuế tính trên bảng giá đất địa phương ban hành và bảng giá này thường xấp xỉ bằng 15%-20% giá thị trường.
Tại Anh, quốc gia này vừa áp thuế tài sản phụ trội lên BĐS thứ hai kể từ ngày 1/4/2016. Cụ thể, với những BĐS thứ hai có giá trên 40.000 bảng, người mua phải đóng thêm 3% so với mức thuế thông thường. Nhà có giá trên 1,5 triệu bảng, mức thuế lên tới 15%.
Còn ở Mỹ, bang California thuế suất là hơn 1,2%/năm giá trị BĐS, bao gồm nhà và đất, còn ở bang Texas thuế suất là trên 4%. Thuế suất ở các bang tại Mỹ khác nhau là do giá trị BĐS ở các bang khác nhau.
Còn tại Canada, thuế suất cho căn nhà thứ 2 có thể lên tới 4%. Quốc gia này cũng đang siết chặt các BĐS không có người ở. Những người sở hữu nhà ở Vancouver có trách nhiệm phải tự khai báo đâu là căn nhà chính mà họ đang ở, và đâu là nhà mua để đầu tư.
Ở Việt Nam, sắc thuế này đã được đề xuất từ hơn 5 năm trước, nằm trong Luật thuế nhà đất, song tại thời điểm đó đề xuất này không được Quốc hội thông qua bởi có nhiều ý kiến cho rằng rất khó thực hiện trong thực tế bối cảnh hiện tại của đất nước.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM trả lời báo chí cho biết: “Cụ thể, trong năm nay đề xuất đánh thuế căn nhà thứ hai sẽ chưa được trình lên Quốc hội. Nếu nhanh nhất cũng phải đợi đến năm sau mới được trình lên Chính Phủ rồi sau đó là Quốc hội. Như vậy có thể nói từ nay đến trước 2020 chính sách này sẽ chưa thể được áp dụng, có nên chăng phải sau năm 2020. Hiện nay bảng giá nhà đất chỉ bằng 30% bảng giá thị trường. Ví dụ đất ở một số khu ở quận 1 chỉ ở mức 162 triệu/m2 nhưng trên thực tế giá đất trên thị trường giá đất tại quận 1 có những nơi lên đến cả tỷ đồng/m2. Như vậy, mức chênh lệch giữa bảng giá và mức giá thị trường là rất lớn, nếu mức thuế chỉ áp dụng 0,03% và căn cứ vào bảng giá nhà đất thì chi phí thuế hàng năm cũng không cao”
Ông Stephen Wyatt – Tổng Giám đốc JLL tại Việt Nam trả lời báo chí: “Việc đánh thuế lên ngôi nhà thứ 2 trở đi khá phổ biến ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc áp dụng luật này tại Việt Nam sẽ khá là phức tạp và cần phải xem xét nhiều khía cạnh
Cũng theo ông Stephen Wyatt: Để thực hiện việc này hiệu quả trong toàn bộ hệ thống, chúng ta cần phải thiết lập một hệ thống thông tin để lưu trữ tất cả các hồ sơ về các giao dịch BĐS, các chủ sỡ hữu BĐS. Tuy nhiên, sẽ vẫn còn thách thức khi các thành viên trong gia đình có thể thay phiên sở hữu BĐS nhằm tránh thuế.
Hạ Ly/BXD