Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3756/SXD-GĐXD về công tác đảm bảo an toàn các công trình nhà ở, công sở, công trình xây dựng trong mùa mưa bão năm 2019.
Theo đó, Chủ đầu tư các dự án bão đảm bảo an toàn đối với các công trình; Rà soát và xây dựng kế hoạch, các phương án phòng chống lụt, bão năm 2019 cụ thể, chi tiết, sát với yêu cầu thực tiễn trên công trường; Theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến mưa, lũ, bão; Kịp thời kiểm tra, bổ sung phương án sát với thực tế, khả thi, đảm bảo chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả với mọi diễn biến của lụt bão. Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu chủ động bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, các điều kiện đảm bảo để thực hiện phương án phòng chống thiên tai, lụt, bão theo phương châm “4 tại chỗ”; Tổ chức tập huấn, triển khai các phương án bảo đảm kịp thời xử lý các sự cố do lụt, bão gây ra ngay từ giờ đầu.
Ảnh minh họa
Đối với các công trình nhà cao tầng có tầng hầm phải có biện pháp chống ngập tầng hầm; Tổ chức kiểm tra, rà soát lại hoạt động của các máy móc, thiết bị nhằm đảm bảo cho việc bơm tiêu nước trong tầng hầm, công tác an toàn sử dụng điện, công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy trong tầng hầm; Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở đôn đốc, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội lập danh sách nhà xuống cấp, lập phương án sửa chữa, phương án phòng chống và chuẩn bị địa điểm di chuyển nhân dân khi công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm do mưa bão xảy ra.
Các Ban QLDA đầu tư xây dựng thành phố Hà Nội: Công trình dân dụng và công nghiệp; Công trình giao thông; Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công trình văn hóa và xã hội; Công trình cấp thoát nước và môi trường đôn đốc các nhà thầu thực hiện những công việc sau: Xây dựng kế hoạch thi công trong mùa mưa bão, đảm bảo chất lượng, an toàn. Phải có phương án đảm bảo an toàn các vật tư, vật liệu, các nhà kho, các sản phẩm, bán thành phẩm xây dựng và vật liệu dễ hư hỏng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra; Có phương án cụ thể cho công trình đang thi công và phải chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng nhân lực, phương tiện và thiết bị vật tư phòng chống mưa bão, thực hiện diễn tập tình huống và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”; Thường xuyên kiểm tra toàn bộ các thiết bị làm việc trên cao; Gia cố các thiết bị như giàn giáo thi công, máy vận thăng… đảm bảo ổn định, liên kết chắc chắn với kết cấu công trình; Đối với các công trình sử dụng cần trục tháp yêu cầu tuân thủ thực hiện các quy định quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt lưu ý công tác đảm bảo an toàn điện, an toàn thiết bị và máy thi công.
Đối với các công trình xây dựng đang thi công phần ngầm, các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp thoát nước, hầm,… yêu cầu nhà thầu có biện pháp thi công phù hợp đảm bảo an toàn trong thi công mùa mưa bão, đặc biệt lưu ý biện pháp thi công nền đất, tường chắn, thi công trên cao. Có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình, các công trình cải tạo xong trước mùa mưa bão, đặc biệt lưu ý đối với các công trình thoát nước, công trình ngầm.
T.Quang/Pháp luật và Xã hội