14/11/2016

Đà Nẵng: Xin điều chỉnh quy hoạch chung để phù hợp với định hướng phát triển

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013. Theo đồ án đã được xin điều chỉnh vào năm 2013 thì Đồ án điều chỉnh này sẽ phát triển một đô thị Đà Nẵng mang tính toàn diện và phù hợp với tình hình phát triển. Không gian đô thị, giao thông đô thị sẽ có sự thay đổi phù hợp với nhu cầu thực tế của sự phát triển.

Phát triển hệ thống không gian ngầm tại các vị trí trọng yếu của bờ Đông và bờ Tây sông Hàn là một trong những nội dung mà Đà Nẵng xin được điều chỉnh tại đồ án Quy hoạch chung.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 có những điểm mới về tính chất, tầm nhìn, quy mô và hướng phát triển không gian. Về tính chất, ngoài các tính chất là trung tâm kinh tế lớn, trung tâm văn hóa, thể dục-thể thao, đầu mối giao thông và có vị trí chiến lược về quốc phòng-an ninh, TP Đà Nẵng còn được xác định là đô thị du lịch.

Theo Quyết định điều chỉnh đã được phê duyệt của Chính phủ, thành phố Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là Trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia. Đồng thời, Đà Nẵng sẽ là đô thị trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội miền Trung và Tây Nguyên.

Về cơ bản, Đà Nẵng bao gồm 6 quận nội thành và 2 huyện (Hòa Vang, Hoàng Sa) với tổng diện tích 128.543ha. Trong đó diện tích phần đất liền là 98.043ha, phần diện tích quần đảo Hoàng Sa là 30.500ha. Cơ cấu sử dụng đất đô thị đến năm 2020 là 20.010ha, trong đó đất dân dụng khoảng 8.659ha. Đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 37.500ha, trong đó đất dân dụng là 15.500ha. Phát triển các trung tâm thương mại tài chính và trung tâm du lịch lớn gồm: Trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính-ngân hàng có diện tích khoảng 130ha. Trung tâm dịch vụ du lịch có tổng diện tích khoảng 3.700ha.

Về định hướng phát triển không gian đô thị, TP Đà Nẵng được phân làm 7 phân vùng gồm: Khu vực đô thị cũ có diện tích khoảng 3.264ha. Khu ven biển Tây Bắc có diện tích khoảng 3.647ha. Khu ven biển phía Đông có diện tích khoảng 3.331ha. Khu vực phía Tây có điện tích khoảng 13.606ha. Khu vực bán đảo Sơn Trà: Có diện tích khoảng 4.439ha. Khu vực phía Nam có diện tích khoảng 9.075ha. Khu vực đồi núi phía Tây và huyện đảo Hoàng Sa: Có điện tích khoảng 91.181ha.

Quy mô dân số: Hiện trạng dân số năm 2012 khoảng 967.000 người trong đó dân đô thị khoảng 822.000 người. Dự báo đến năm 2020, dân số đạt khoảng 1,6 triệu người trong đó dân đô thị đạt 1,3 triệu người. Xác định đến năm 2030 dân số Đà Nẵng là 2,5 triệu người.

Về định hướng không gian phát triển công nghiệp, gồm các khu công nghiệp tập trung như: Khu công nghiệp Liên Chiểu (370ha); Khu công nghiệp Hòa Khánh (423,5ha); Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng với diện tích 124ha; Khu công nghiệp Hoà Cầm (136,7ha); Khu công nghiệp Dịch vụ Thuỷ sản Thọ Quang (77,3ha); Cụm công nghiệp Thanh Vinh (17,23ha).

Sau 3 năm thực hiện theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013 thì UBND thành phố tiếp tục xin Thủ tướng chính phủ xem xét, cho phép thành phố Đà Nẵng được điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đề xuất xin điều chỉnh mới đó là: Phát triển đô thị cần gắn với đặc trưng xã hội và các chương trình an sinh xã hội mang tính đặc thù của địa phương như: “thành phố 5 không, 3 có”, “thành phố 4 an”: an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội.

Trong phát triển kinh tế-xã hội xin điều chỉnh theo hướng “Dịch vụ – Công nghiệp – Nông nghiệp”, ưu tiên phát triển du lịch, thương mại dịch vụ. Khẳng định vai trò mũi nhọn kinh tế, trong đó chú trọng lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Xin điều chỉnh thêm một số khu công nghiệp mới ở phía Tây thành phố gồm KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 rộng 150ha, khu công nghiệp Hòa Nhơn rộng 523ha, khu công nghiệp Hòa Sơn rộng 152ha và khu công nghiệp Hòa Ninh rộng 200ha.

Đề xuất điều chỉnh cơ sở hạ tầng đô thị như nâng công suất Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, mở rộng Cảng Tiên Sa hiện đã quá tải. Khi xây dựng cảng Liên Chiểu với mục tiêu là cảng hàng hoá chính thì cảng Tiên Sa sẽ được điều chỉnh với chức năng chủ yếu phục vụ du lịch.

Xin điều chỉnh phát triển hệ thống không gian ngầm tại các vị trí trọng yếu của bờ Đông và bờ Tây sông Hàn, khu vực Sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Đây là một xu thế tất yếu cải thiện năng lực lưu thông và phát triển cho đô thị Đà Nẵng.

Điều chỉnh lại thời gian thực hiện di dời ga đường sắt hiện hữu ra khỏi trung tâm thành phố theo quy hoạch chung phê duyệt trước đây là năm 2020 nay được thực hiện vào năm 2017 để giải quyết sự cấp bách hiện nay của thành phố.

Điều chỉnh lại hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt theo hệ thống thu gom chung thành hệ thống thu gom nước thải riêng biệt để xử lý triệt để lượng nước thải sinh hoạt đổ ra sông, biển.

Nguyễn Nam/Báo Xây dựng