Đà Nẵng khởi động bước đi đầu tiên hướng đến đô thị thông minh
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh tại thành phố Đà Nẵng. Đây là bước đi đầu tiên hướng đến “smart city” của Thành phố này.
Sự tự tin của Đà Nẵng
Ngày 10/4/2019, Đà Nẵng tự tin Công bố Đề án Xây dựng thành phố thông minh.
Sự tự tin của Đà Nẵng hoàn toàn có cơ sở khi 10 năm qua, thành phố luôn đứng đầu cả nước về chỉ số chỉ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Đặc biệt, Đà Nẵng đạt điểm tối đa về ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan Nhà nước.
Được biết, khung kiến trúc tổng thể thành phố thông minh đã được Đà Nẵng phê duyệt, xác định 6 trụ cột bao gồm: quản trị thông minh; kinh tế thông minh, giao thông thông minh; môi trường thông minh; đời sống thông minh và công dân thông minh.
Việc triển khai đề án Xây dựng thành phố thông minh là một nội dung quan trọng thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết hợp đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Hiện thực hóa mục tiêu này, Đà nẵng vạch ra 3 giai đoạn xây dựng thành phố thông minh. Giai đoạn 1, đến năm 2020 thực hiện sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh.
Tổng kinh phí thực hiện 939 tỷ đồng, trong đó, thu hút đầu tư từ hình thức hợp tác công-tư(PPP) chiếm 550 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư 46 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025 thực hiện thông minh hóa các ứng dụng với tổng kinh phí 1.191 tỷ đồng. Trong đó, vốn PPP chiếm 700 tỷ đồng, vốn vay ODA chiếm 150 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư 36 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026-2030 thực hiện thông minh hóa các ứng dụng CNTT trên cơ sở tổng kết hoạt động giai đoạn 2021-2025.
Giao thông thông minh
Việc xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh tại Đà Nẵng chính là bước khởi động cho tham vọng lớn lao này.
Mục tiêu của dự án “Đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh tại thành phố Đà Nẵng” lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống thiết bị tại Trung tâm Công an thành phố Đà Nẵng phục vụ mục đích giám sát, theo dõi, xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông.
Lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi tại 191 nút giao thông (122/137 nút đã có đèn tín hiệu giao thông (THGT); 10 nút lắp mới đèn THGT, camera; 13 nút đèn THGT sắp triển khai dự án khác; 11 nút trọng điểm không có đèn THGT và 35 nút tuyến BRT) và 31 vị trí trên 9 tuyến đường tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Nâng cấp, kết nối điều khiển tín hiệu hiện có của 106/132 nút giao thông về Trung tâm điều hành, tạo ra 7 tuyến làn sóng xanh trục chính giao thông.
Đồng thời, bổ sung hệ thống mạng truyền dẫn cáp quang kết nối toàn bộ hệ thống: Kéo rải 126km cáp quang trong cống bể mới và cống bể có sẵn; khoảng 69km tận dụng hạ tầng cống bể sẵn có và khoảng 28km với cống bể xây dựng mới.
Kết luận về Dự án, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao UBND thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông, Tài nguyên và Môi trường để triển khai Dự án trên theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn Đà Nẵng trong việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho Nhà đầu tư Dự án theo đúng quy định của Nghị định số 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao.
Bắc Sơn/Tạp chí Công thương