24/04/2020

Đà Nẵng được đề xuất thí điểm mô hình một cấp chính quyền đô thị

Theo mô hình này, chính quyền TP Đà Nẵng được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm hội đồng nhân dân (HĐND) và uỷ ban nhân dân (UBND). Cấp quận và phường không tổ chức HĐND, mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp

Sáng 24-4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. UBTVQH khi xem xét bổ sung nội dung này vào dự kiến chương trình nghị sự kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, đã đề nghị sửa tên thành dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù về tài chính và chính quyền đô thị cho phù hợp thẩm quyền của Quốc hội.

Trình bày về vấn đề này tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền địa phương (ở cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (ở quận, phường).

Cụ thể, với mô hình này, chính quyền TP Đà Nẵng được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường.

Do không tổ chức HĐND ở quận, phường nên một số nhiệm vụ của HĐND quận và phường được chuyển lên cho HĐND thành phố; một số nhiệm của HĐND phường được chuyển lên cho UBND quận. Với mô hình này thì chỉ tổ chức một cấp ngân sách thành phố, theo đó quận và phường chỉ là một đơn vị dự toán ngân sách của thành phố thay vì 3 cấp ngân sách thành phố, quận, phường như trước đây.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, đây là mô hình mà TP Đà Nẵng đã thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2009-2016 và tổng kết thí điểm cho thấy công tác chỉ đạo điều hành quản lý hành chính của UBND từ cấp thành phố đến quận, phường được xuyên suốt, nâng cao tính chủ động của cơ quan hành chính và trách nhiệm của người đứng đầu, tạo được sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức và người dân thành phố.

Hiện nay đã có một số thành phố trực thuộc trung ương được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương thí điểm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và mô hình tổ chức chính quyền đô thị, như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng.

Anh Phương/Sài Gòn giải phóng