18/06/2020

Đà Lạt: Mô hình thành phố thông minh đã có hiệu quả

Là một trong những địa phương đầu tiên tại Việt Nam triển khai mô hình thành phố thông minh, Trung tâm điều hành thông minh thành phố Đà Lạt có thể giúp cơ quan quản lý giám sát và kịp thời xử lý các sự việc từ tổng thể đến chi tiết từng tình huống diễn ra trên địa bàn thành phố.

Từ trung tâm điều hành thông minh, cơ quan quản lý có thể nắm được tình hình đang diễn ra trên địa bàn 12 phường và 4 xã trực thuộc thành phố Đà Lạt một cách trực quan và liên tục. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Từ trung tâm điều hành thông minh, cơ quan quản lý có thể nắm được tình hình đang diễn ra trên địa bàn 12 phường và 4 xã trực thuộc thành phố Đà Lạt một cách trực quan và liên tục. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) thành phố Đà Lạt khai trương từ tháng 12/2019, với mục tiêu cung cấp thông tin toàn diện về các hoạt động đang diễn ra tại 12 phường và 4 xã trên địa bàn Thành phố (TP). Bước đầu, hiệu quả từ Trung tâm điều hành thông minh cho thấy, các chỉ đạo, xử lý công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Điểm nhấn hiện nay là Đà Lạt đã triển khai bước đầu về quản lý quy hoạch đô thị, đất đai. Đây là nội dung mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, người dân và doanh nghiệp khi được biết vị trí nào nằm trong quy hoạch, vị trí nào có thể chuyển đổi, được phép xây bao nhiều tầng. Hiện tại, hệ thống đang cập nhật và từng bước hoàn chỉnh các dữ liệu về quản lý đô thị, quản lý quy hoạch trên địa bàn.

Cơ quan quản lý có thể theo dõi trực tiếp phản ánh của người dân một cách khách quan và nhanh nhất. Thông qua ứng dụng Đà Lạt trực tuyến, người dân có thể phản ánh, nhận xét trực tiếp với cơ quan quản lý về thái độ, cách làm việc của nhân viên một cửa hoặc phản ánh bất kỳ sự việc nào diễn ra trên địa bàn như tai nạn giao thông, đổ rác bừa bãi, xây dựng trái phép… Khi phản ánh của người dân được gửi đi, tất cả những người có nhiệm vụ chức năng xử lý vụ việc sẽ cùng một lúc nhận được phản ánh của người dân. Những lãnh đạo đã nhận thông tin, chưa xử lý hoặc đang xử lý sự việc đến đâu đều được thể hiện công khai, minh bạch ngay trên hệ thống. Các ý kiến chỉ đạo, xử lý và báo cáo kết quả cũng được công khai. Những trường hợp đặc biệt thì ngay lập tức sẽ có chỉ đạo của lãnh đạo TP.

Thông qua ứng dụng Đà Lạt trực tuyến, người dân có thể phản ánh trực tiếp với chính quyền về những bất cập đang xảy ra trên địa bàn. Ảnh:VGP/Hiền Minh

Thông qua ứng dụng Đà Lạt trực tuyến, người dân có thể phản ánh trực tiếp với chính quyền về những bất cập đang xảy ra trên địa bàn. Ảnh:VGP/Hiền Minh

Bên cạnh đó, ứng dụng này còn có tính năng lấy số thứ tự để đặt lịch làm việc với bộ phận một cửa, tra cứu, định vị hồ sơ, tra cứu thông tin quy hoạch và trở thành sổ liên lạc điện tử.

Ngay trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, nhờ hệ thống camera an ninh có độ phân giải cao được lắp đặt tại các địa điểm trung tâm của TP, những nơi thường tập trung đông người, mà lãnh đạo TP đã kịp thời phát hiện nhiều người không đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, tập trung nhóm 2-3 người đi tập thể dục… Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã tuyên truyền và yêu cầu người dân thực hiện. Những trường hợp cố tình không đeo khẩu trang, TP cũng có biện pháp xử lý kịp thời.

Hệ thống camera này có khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống, như giám sát trực quan trên bản đồ số, xử lý phản ánh về bất cập đô thị, giám sát đô thị trực tiếp, quản lý thủ tục cấp phép xây dựng, tình hình giải quyết dịch vụ hành chính công… Tính đến nay, đã có khoảng gần 300 camera được tích hợp vào Trung tâm điều hành.

Thông qua hệ thống này, lãnh đạo TP cũng đưa ra quy chế cụ thể đối với các cơ quan quản lý về thời gian xử lý, giải quyết các vụ việc. Có vụ việc khi tiếp nhận phản ánh đến khi hoàn thành xử lý khoảng 2 tiếng đồng hồ, những vấn đề phức tạp hơn thì có thời gian 8 tiếng hoặc 24 tiếng, đối với những vụ việc như lấn chiếm vỉa hè… thì phải xử lý ngay thì mới có hiệu lực. Sau gần 6 tháng Trung tâm IOC đi vào hoạt động, mỗi ngày, lãnh đạo TP Đà Lạt tiếp nhận trung bình khoảng 30-40 phản ánh của người dân về các lĩnh vực.

Cũng từ khi triển khai Trung tâm IOC này, phần mềm dữ liệu kinh tế-xã hội của các đơn vị trên địa bàn TP đều được tập trung tại đây. Trước kia, mỗi đơn vị phải có báo cáo bản cứng gửi lên lãnh đạo TP và lãnh đạo phải ngồi đọc từng bản báo cáo, thì hiện nay các thông tin, báo cáo đều đã được cập nhật liên tục trên hệ thống này. Việc cập nhật đã giảm rất nhiều thời gian, công sức, công việc được giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và cơ quan quản lý.

Trong thời gian tới, dữ liệu chuyển về Trung tâm sẽ được cập nhật và xử lý bằng trí tuệ nhân tạo trên tất cả lĩnh vực, bao gồm an toàn giao thông, cháy rừng, lấn chiếm rừng, xây dựng trái phép… Ông Nguyễn Văn Sơn ví dụ, khi hệ thống phát hiện nơi nào có khói ở mức độ có thể gây cháy rừng thì ngay lập tức sẽ kích hoạt báo cháy về cơ quan chức năng, hoặc bất kỳ hoạt động nào liên quan đến phá rừng thì phần mềm sẽ lập tức phân tích dữ liệu và phát ra cảnh báo tới cơ quan chức năng, khi đó người có trách nhiệm sẽ mở camera phóng to để quan sát kỹ hơn.

Theo ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng, trong quá trình xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, đơn vị triển khai chính là Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam, ngoài ra còn có Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội, Tập đoàn FPT và một đơn vị của Hàn Quốc. Điểm khác biệt khi phát triển mô hình thành phố thông minh của Đà Lạt so với các địa phương khác là triển khai các ứng dụng trước, sau đó mới tập hợp để xây dựng Trung tâm điều hành.

Hiện tại, tỉnh Lâm Đồng cũng đang xây dựng hoàn chỉnh đề án xây dựng thành phố thông minh tại Bảo Lộc, đây là thành phố thứ 2 trên địa bàn tỉnh.

Hiền Minh/Báo Chính phủ