Đã đến lúc quy hoạch đô thị cho người đi bộ cần được quan tâm
Tại các đô thị lớn việc quá tải các phương tiện giao thông đang ngày một gia tăng, số lượng người chết vì tai nạn khi tham gia giao thông vì thế mà ngày càng nhiều lên. Chính vì vậy đã đến lúc việc quy hoạch đô thị cho người đi bộ cần được quan tâm để khuyến khích người dân đô thị đi bộ nhiều hơn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 22% trong số 1,25 triệu người chết do tai nạn giao thông là người đi bộ. Trong đó, chủ yếu lại là những người có tuổi đời từ 15 – 29 và hay diễn ra tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Tại Copenhagen, có đến hơn 35% công dân sử dụng xe đạp để đi làm và đi học.
Điều này khiến cho việc quy hoạch đô thị cho người đi bộ trên toàn thế giới được quan tâm và chú trọng. Thủ đô Đan Mạch là Copenhagen đã bắt đầu triển khai thực hiện một quy hoạch đầy tham vọng với một quyết tâm xây dựng 26 làn xe mở rộng chỉ dành cho xe đạp như một phần của mục tiêu của thành phố trở thành thủ đô carbon trung tính vào năm 2050.
Copenhagen đã đầu tư 20-25% ngân sách cho đường bộ vào cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp. Có khoảng 35.000 điểm đỗ không gian dành cho xe đạp dọc theo đường bộ, tăng sự tiện lợi và giảm những rắc rối của việc đậu xe. Trong khi đó, chính sách loại bỏ bãi đậu xe ô tô của thành phố từ 2-3% mỗi năm được thực hiện trong nhiều thập kỷ.
Tại Hamburg, Đức đã và đang tiến hành triển khai dự án “Quy hoạch Mạng lưới Xanh” nhằm mục đích loại bỏ sự phụ thuộc vào ô tô trong thành phố trong vòng 15 năm tới. Dự án giúp chuyển đổi đô thị thành một loại đô thị tích hợp mà trong tương lai các thành phố lớn khác trên thế giới có thể học tập.
“Quy hoạch Mạng lưới Xanh” của Hamburg sẽ tạo ra cho cộng đồng đi bộ và xe đạp những con đường mang tính thẩm mỹ, an toàn và tiện lợi sử dụng. Đó là mạng lưới kết nối với các khu vực cây xanh hiện có của thành phố với hệ thống đường không cho phép các loại xe ô tô hoạt động. Quy hoạch này sẽ được phát triển trong 15-20 năm tới, có sự kết nối với các khu vực như công viên, sân chơi, vườn cây, nghĩa trang… Mạng lưới này cho phép cộng đồng và du khách có thể di chuyển xung quanh thành phố hoàn toàn bằng xe đạp hoặc đi bộ. Mạng lưới sẽ chiếm tới 40% diện tích các khu đô thị.
Tại các nước Đông Nam Á, sự ùn tắc vẫn cứ tiếp diễn hàng ngày trong giao thông đô thị mặc cho những nỗ lực của các nhà quy hoạch để biến các thành phố thành một nơi thân thiện cho những người đi bộ. Thủ đô của Malaysia là một ví dụ rõ ràng nhất.
“Việc đi bộ không hề cao sang nhưng rõ ràng rằng nó là yếu tố quan trọng để tạo nên sự bình đẳng, bền vững trong những thành phố đang phát triển nhanh của khu vực phía nam bán cầu”, Joe Chestnut thuộc Học viện Chính sách Giao thông và Phát triển Malaysia (ITDP) nhận định.
Để giúp giải quyết vướng mắc này, việc phát triển hạ tầng cho người đi bộ được coi là giải pháp, “một mũi tên trúng hai đích” cho cả 2 vấn đề. Vì vậy, Chestnut và nhóm của anh đã thiết kế ra một bộ công cụ với 11 dụng cụ đo mức độ đi bộ trong khu vực của người dân. Bộ công cụ thống kê số lượng người đi bộ qua đường, kích cỡ của đoạn đường, số lượng bóng râm và mật độ đường dành cho ô tô…
Tại Việt Nam, gần đây các nhà quy hoạch đã bắt đầu quan tâm đến việc quy hoạch đô thị cho người đi bộ tại các đô thị lớn, nhưng vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả. Mới có các con phố quanh hồ Gươm ở Hà Nội, đường Nguyễn Huệ ở TP Hồ Chí Minh là thực hiện được việc dành cho người đi bộ, nhưng chỉ diễn ra vào 2 ngày cuối tuần. Đã đến lúc các nhà quy hoạch Việt Nam cần đưa ra những giải pháp tối ưu nhất để tạo nên nhiều hơn nữa các tuyến phố chỉ dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp để tạo ra một môi trường sống xanh.
Hạ Ly