23/11/2022

Cửa khẩu số tại Lạng Sơn – Mô hình mới cần được nhân rộng

(KTVN) – Sau một thời gian triển khai thí điểm, tỉnh Lạng Sơn đã thành công trong việc ứng dụng nền tảng cửa khẩu số tại 02 cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh, đồng thời mong muốn nhân rộng ứng dụng này trên phạm vi toàn quốc.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, trước khi triển khai thí điểm nền tảng cửa khẩu số, các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp bến bãi tại cửa khẩu đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tác nghiệp tại cửa khẩu. Cụ thể, lực lượng Hải quan sử dụng phần mềm của Tổng cục Hải quan; lực lượng Bộ đội Biên phòng sử dụng phần mềm quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; lực lượng Kiểm dịch thực vật sử dụng phần mềm của Cục Bảo vệ thực vật; lực lượng Kiểm dịch động vật đang thực hiện công tác quản lý trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Tuy nhiên, các hệ thống công nghệ thông tin này rời rạc, không có sự liên thông, gắn kết với nhau. Việc doanh nghiệp khai báo các thông tin chủ yếu thực hiện thông qua bản giấy. Các giấy tờ khai báo được các lực lượng chức năng nhập vào phần mềm để quản lý. Do đó, các doanh nghiệp vẫn phải luân chuyển các giấy tờ đã được lực lượng chức năng xác nhận trước đó để làm các thủ tục tiếp theo.

UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, đây cũng là hạn chế lớn nhất gây ảnh hưởng tới tốc độ thông quan hàng hóa qua khu vực cửa khẩu. Mặt khác, do sử dụng nhiều hệ thống phần mềm thiếu tính tổng thể, không đồng nhất tại khu vực cửa khẩu nên công tác quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá toàn bộ hoạt động của khu vực cửa khẩu gặp rất nhiều khó khăn, thiếu sự đồng nhất về thông tin, có nguy cơ phát sinh nhiều vấn đề không minh bạch,…

Trước khi triển khai nền tảng chuyển đổi số, tốc độ thông quan hàng hóa qua khu vực cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn còn bị hạn chế (Ảnh: Thành Lâm)

Từ đó, Lạng Sơn nhận thấy cần phải xây dựng một nền tảng số dùng chung duy nhất tại khu vực cửa khẩu. Nền tảng cửa khẩu số cần có tính ổn định cao, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm tăng cường công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước; tạo kênh thông tin, kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Đồng thời, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, đẩy nhanh thông quan hàng hóa, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu; tăng cường khả năng tự động hóa, giảm thiểu các tác động của con người trong các hoạt động tại cửa khẩu; giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp có phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thí điểm nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo Sở TT&TT, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn tổ chức họp với các đơn vị chức năng, doanh nghiệp tại cửa khẩu để cụ thể hóa các nhiệm vụ và cách thức tổ chức thực hiện, ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc tổ chức triển khai thí điểm nền tảng cửa khẩu số.

Sau 8 tháng xây dựng, (từ tháng 7/2021 đến tháng 02/2022), tỉnh Lạng Sơn đã tạo ra một nền tảng cửa khẩu số sử dụng công nghệ hiện đại như: AI, Bigdata, Cloud và bảo đảm về an toàn thông tin, giúp các lực lượng chức năng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các hoạt động trên một Nền tảng số duy nhất.

Nền tảng cửa khẩu số được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ các quy định nghiệp vụ của tất cả các ngành tham gia tác nghiệp tại cửa khẩu và tối đa việc số hóa các quy trình, tổ chức nhằm đem lại giá trị lớn nhất cho doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.

Do đó, nền tảng cửa khẩu số đáp ứng được các yêu cầu phục vụ công tác quản lý của cơ quan Hải quan, Biên phòng và các lực lượng chức năng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp bến bãi tại khu vực cửa khẩu. Nền tảng cửa khẩu số thực hiện số hóa hoàn toàn các thông tin khai báo của doanh nghiệp trước khi hàng hóa đến cửa khẩu.

Công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị tại cửa khẩu chỉ thực hiện kiểm tra, xác nhận đăng ký, xác nhận phương tiện thực tế vào cửa khẩu và phương tiện vào địa điểm tập kết hàng hóa trên nền tảng cửa khẩu số; các thông tin khai báo trên nền tảng cửa khẩu số đáp ứng được việc khai báo tờ khai điện tử để thay thế tờ khai bằng giấy như trước đây.

Nền tảng cửa khẩu số ứng dụng công nghệ camera AI để nhận dạng biển số xe, kết nối với bản đồ số và hệ thống định vị để điều tiết, giám sát mật độ lưu lượng xe và đặc biệt là kết nối liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu với ngành Hải quan, cơ sở dữ liệu đăng kiểm Bộ Giao thông vận tải và cơ sở dữ liệu của các ngành chức năng khác.

Việc kết nối này thể hiện độ tin tưởng cao cũng như tính chính xác của các dữ liệu trong hệ thống. Đồng thời, với việc số hóa hoàn toàn các quy trình, tổ chức, các lãnh đạo được cung cấp các dữ liệu thời gian thực một cách chính xác, độ tin cậy cao phục vụ đắc lực cho việc hoạch định, chỉ đạo và điều hành. Ngoài ra, nền tảng cửa khẩu số có thể chia sẻ lại dữ liệu với các đơn vị khác phục vụ các công tác chuyên ngành riêng biệt.

Nền tảng cửa khẩu số Lạng Sơn (Ảnh chụp màn hình)

Trong quá trình triển khai thí điểm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TT&TT khảo sát, lựa chọn phương án, giải pháp công nghệ và lựa chọn đơn vị triển khai thí điểm, thi công lắp đặt kết nối hệ thống Camera AI, kết nối cơ sở dữ liệu, kiểm thử các chức năng, rà soát đánh giá an toàn thông tin, đầu tư máy tính cho lực lượng Hải quan và Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho các cơ quan Biên phòng, Thuế, Hải quan, lực lượng kiểm dịch, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và doanh nghiệp bến bãi, doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng nền  tảng cửa khẩu số.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành quy trình sử dụng nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn để thống nhất trong quá trình thực hiện.

Từ ngày 21/2/2022, tất cả các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, đại lý hải quan, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp bến bãi thống nhất sử dụng nền tảng cửa khẩu số, khai báo và xử lý thông tin trực tuyến khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh.

Kết quả, từ ngày 21/2 đến 29/6/2022, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có 21.539 phương tiện nhập, 7.422 phương tiện xuất; tại cửa khẩu Tân Thanh có 12.690 phương tiện nhập và 15.864 phương tiện xuất; 100% các xe hàng khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi vào 02 cửa khẩu này và được xử lý trên nền tảng cửa khẩu số. Đến nay, nền tảng cửa khẩu số đã chạy ổn định, đa số các doanh nghiệp thành thạo khai báo thông tin trực tuyến.

Về hiệu quả đạt được đối với cơ quan nhà nước, đến nay, nền tảng cửa khẩu số tại tỉnh Lạng Sơn đã được triển khai thí điểm thành công thể hiện rõ nét hình ảnh một chính quyền “kiến tạo, hành động, vì Nhân dân”. Việc triển khai Nền tảng cửa khẩu số là hoàn toàn phù hợp với định hướng của Đảng bộ tỉnh. Nền tảng cửa khẩu số đảm bảo một hạ tầng công nghệ thông tin vững chắc, tạo tiền đề để phát triển kinh tế cửa khẩu nhanh và bền vững.

Việc thay thế toàn bộ các thao tác nhân công bằng các ứng dụng số sẽ làm tăng tính chặt chẽ trong công việc cũng như tăng năng suất lao động. Trước đây, trung bình doanh nghiệp phải khai báo 5 loại giấy tờ cho mỗi xe, thời gian làm giấy tờ lâu và phải di chuyển xa. Các cơ quan chức năng căn cứ tờ khai tiến hành nhập vào phần mềm riêng để phục vụ thống kê và việc nhập liệu chậm dẫn tới hay bị ùn tắc tại các cổng.

Tuy nhiên, khi áp dụng Nền tảng cửa khẩu số, doanh nghiệp chỉ cần khai thông tin 1 lần và các cơ quan chức năng sử dụng các thông tin này để xử lý, giám sát, thống kê. Với khoảng 700.000 lượt xe ra vào cửa khẩu mỗi năm, có thể thấy nền tảng cửa khẩu số đã đem lại lợi ích to lớn khi giảm thiểu tối đa được công việc cũng như chi phí thời gian, tiền bạc so với trước đây. Bằng việc giảm đáng kể khối lượng công việc có thể tiết kiệm được nguồn lực và có thể sử dụng các nguồn lực này để tăng cường công tác giám sát, đồng thời tránh được việc ùn tắc cục bộ khi đợi nhập dữ liệu.

Chuyển qua thanh toán bằng hình thức trực tuyến giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro mất mát tiền (Ảnh: Phương Liên)

Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, việc triển khai thành công nền tảng cửa khẩu số tại Lạng Sơn giúp các thủ tục được đơn giản hóa và có thể thực hiện được từ xa thông qua các phần mềm ứng dụng được cài trên các thiết bị thông minh. Việc đơn giản hóa và tự động các thủ tục cũng góp phần giảm thiểu các tiêu cực phát sinh trong quá trình thực hiện.

Thông qua ứng dụng, doanh nghiệp có thể theo dõi trên nền tảng cửa khẩu số để biết hàng hóa, phương tiện đang ở đâu, đã được xử lý ra sao từ đó có kế hoạch thực hiện tối ưu. Hệ thống cũng cung cấp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tất cả các thông tin về tình hình tại cửa khẩu cũng như các thông tin pháp lý, xúc tiến thương mại. Dựa trên các thông tin được cung cấp, các doanh nghiệp sẽ xây dựng được lịch trình tối ưu nhất nhằm giảm được các chi phí phát sinh, tiết kiệm thời gian, đồng thời cũng làm giảm sức ép lên hệ thống hạ tầng của cửa khẩu.

Hiện nhiều doanh nghiệp đang nộp phí bằng tiền mặt với số tiền lớn, do vậy khi chuyển qua thanh toán bằng hình thức trực tuyến thì giảm thiểu rủi ro mất mát tiền. Bên cạnh đó, các rủi ro hư hỏng hàng hóa sẽ được giảm thiểu đáng kể; đồng thời cũng giảm được các rủi ro về cơ hội kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp.

Tại cuộc họp vào ngày 9/11/2022, về việc thống nhất triển khai quy trình nhập khẩu 8 bước và hướng dẫn sử dụng trên nền tảng cửa khẩu số tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, ông Nguyễn Trọng Hùng – Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Lạng Sơn đề nghị các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, doanh nghiệp bến bãi triển khai quy trình nhập khẩu 8 bước từ ngày 11/11/2022.

Đồng thời, đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu việc thực hiện quy trình 8 bước nhập khẩu để các doanh nghiệp biết và thực hiện. Đề nghị cơ quan Hải quan rà soát, loại bỏ những phiếu giấy đang sử dụng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh nhưng đã có đầy đủ thông tin trên nền tảng cửa khẩu số.

Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan thực hiện chức năng xác nhận ghép xe Trung Quốc nhập khẩu. Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Lạng Sơn đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế, Viễn thông Lạng Sơn và các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất xác định loại hình hàng hóa để kết nối 35 loại hình hàng hóa của Tổng cục Hải quan với 5 loại hình hàng hóa theo Nghị quyết 01 của HĐND tỉnh về mức thu, cơ quan tổ chức thu, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn để báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT giao Viễn thông Lạng Sơn cử cán bộ tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và Công ty Xuân Cương thực hiện quy trình 8 bước nhập khẩu từ ngày 10/11/2022; thực hiện chỉnh sửa các báo cáo kèm theo quy trình 8 bước nhập khẩu, hoàn thành trước 17/11/2022; tăng cường hướng dẫn, thông tin tuyên truyền đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, sử dụng các chức năng của nền tảng cửa khẩu số.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện nay 100% các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, đại lý hải quan, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp bến bãi đã sử dụng nền tảng cửa khẩu số, khai báo và xử lý thông tin trực tuyến khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh.

Nền tảng cửa khẩu số hoạt động đảm bảo các tính năng, quy trình nghiệp vụ, an toàn an ninh mạng của các lực lượng chức năng hoạt động tại cửa khẩu. Triển khai nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn mang tính định hướng toàn diện phù hợp với các quy định của Đảng, Nhà nước, tạo nền móng vững chắc để phát triển kinh tế cửa khẩu.

Nền tảng cửa khẩu số đã sẵn sàng đi vào hoạt động chính thức và nhân rộng ra các tỉnh, thành phố có cửa khẩu trên toàn quốc. Việc triển khai thành công chuyển đổi số khu vực cửa khẩu sẽ hình thành nên một mô hình kiểu mẫu về cửa khẩu số trong cả nước, góp phần hình thành hệ thống cửa khẩu số quốc gia, phục vụ cho quản lý nhà nước của Chính phủ và các địa phương, các lực lượng chức năng tại các khu vực cửa khẩu.

Nền tảng này sẽ giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể khai báo trực tuyến, các cơ quan từ trung ương đến các tỉnh, thành phố có thể dễ dàng giám sát, quản lý và ra quyết định dựa trên dữ liệu thời gian thực, góp phần phòng chống tiêu cực, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong công tác xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế – xã hội.

Thời gian qua, một số địa phương có cửa khẩu (Quảng Ninh, Lào Cai, Quảng Trị) đã đến học tập mô hình nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn và đang xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm tại địa phương.

Cụ thể, vào tháng 2/2022, đoàn công tác liên ngành tỉnh Quảng Ninh với 60 thành viên đã đến Lạng Sơn nghiên cứu, khảo sát, trao đổi về mô hình Nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn).

Tại buổi khảo sát, bà Lê Ngọc Hân (Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh, trưởng đoàn công tác) khẳng định sẽ tham mưu cho UBND tỉnh áp dụng ứng dụng Nền tảng cửa khẩu số vào các cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh.

Nền tảng cửa khẩu số đã sẵn sàng đi vào hoạt động chính thức và nhân rộng ra các tỉnh, thành phố có cửa khẩu trên cả toàn quốc (Ảnh: Phương Liên)

UBND tỉnh Lạng Sơn xác định, trong thời gian tới phải tiếp tục rà soát, tinh chỉnh, tối ưu các chức năng bổ sung của nền tảng cửa khẩu số; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng Nền tảng cửa khẩu số; Tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại, từng bước hoàn thiện nền tảng cửa khẩu số, trước mắt là xây dựng phương án kỹ thuật triển khai barie tự động và cân điện tử tích hợp với Nền tảng cửa khẩu số; hướng tới xây dựng cửa khẩu số thông minh.

Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn đề nghị Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, xây dựng hoàn thiện mô hình mẫu và nhân rộng mô hình nền tảng cửa khẩu số đến các tỉnh có cửa khẩu trên toàn quốc; chia sẻ dữ liệu chuyên ngành với nền tảng cửa khẩu số để phát huy tối đa hiệu quả của nền tảng cửa khẩu số mang lại; xem xét, hỗ trợ địa phương kinh phí, trang thiết bị để hoàn thiện cửa khẩu số và tiến tới xây dựng biên giới số.

Đồng thời, đề nghị Bộ Công an chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn để các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu Tân Thanh kiểm tra, giám sát, xác nhận đối với người ra vào khu vực cửa khẩu thông qua chức năng nhận dạng khuôn mặt thông minh của hệ thống camera AI kết nối với nền tảng cửa khẩu số.

Quang Tuyền