Công viên Tam Bạc tạo điểm nhấn kiến trúc cho TP Hải Phòng
Dự án Công viên cây xanh Tam Bạc góp phần tạo điểm nhấn kiến trúc, đồng bộ quy hoạch cho dải trung tâm thành phố Hải phòng theo hướng xanh – sạch – đẹp – văn minh – hiện đại, tạo thêm không gian công cộng đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân và phục vụ phát triển du lịch.
Công viên cây xanh Tam Bạc là địa điểm vui chơi mới cho người dân Hải Phòng và khách du lịch.
Dự án xây dựng Công viên cây xanh từ Bến xe Tam Bạc (cũ) đến chân cầu đường bộ Tam Bạc có tổng diện tích hơn 43.000m2, được quy hoạch làm khu công viên cây xanh đường dạo và quảng trường vui chơi giải trí. Theo đó, giai đoạn 1 dự án có tổng diện tích hơn 9.600m2 gồm các hạng mục: san lấp mặt bằng; xây dựng tuyến đường ven sông Tam Bạc với chiều dài 127m, bề rộng mặt đường 7m; xây dựng 2.486m2 sân dạo; trồng hơn 2.900m2 cây xanh thảm cỏ; xây dựng hệ thống thoát nước mặt, cấp nước, cấp điện chiếu sáng.
Ông Đào Văn Nam, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng quận Hồng Bàng cho biết: Dự án Công viên cây xanh Tam Bạc có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển hạ tầng xã hội, tăng cường cây xanh cho khu vực trung tâm, góp phần chỉnh trang đô thị. Ngay sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, chủ đầu tư là UBND quận Hồng Bàng đã ký hợp đồng với các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đến nay, gần như toàn bộ các hạng mục dự án đã hoàn thành, trừ bờ kè phía bờ sông do liên quan đến vấn đề kỹ thuật thi công và thủy triều lên xuống.
Hiện nay, tại nơi trước đây là Bến xe Tam Bạc nhếch nhác, chật chội đã trở thành một công viên với cây xanh và quảng trường vui chơi xanh – sạch đẹp. Toàn bộ khu lán tạm (nơi trông giữ xe máy, xe đạp trước đây) phía bờ sông Tam Bạc được phá bỏ, thay vào đó là tuyến đường chạy dọc sông. Để tạo độ bền vững và bảo đảm mỹ quan, văn minh, sạch đẹp, bờ sông sẽ được kè lại. Trong khu công viên cây xanh trên mặt bằng bến xe khách Tam Bạc (cũ) bố trí một số công trình kiến trúc như chòi nghỉ, các tiểu cảnh, công trình nghệ thuật với một số nhóm tượng, phù điêu, điêu khắc nghệ thuật… kết hợp hài hòa với ghế ngồi được làm bằng đá.
Ông Hà Thế Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng cho biết: Cùng với xây dựng các công trình kiến trúc, khoảng không gian là điểm nhấn đặc biệt của dự án với mảng xanh của cây cối. Ngay sau lễ khởi công dự án, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị tiến hành trồng 57 cây cọ và phượng vĩ, đều là những cây to, chất lượng tốt, bảo đảm sức sống, phát triển. Hiện nay, công ty tiếp tục trồng thảm cỏ và một số cây xanh khác theo đúng thiết kế được phê duyệt. Cùng với việc lựa chọn cây xanh bóng mát đô thị mang tính biểu trưng của thành phố Cảng như phượng vĩ, bằng lăng, cảnh quan công trình còn được bổ sung một số loại cây xanh như cọ, lộc vừng, kết hợp với những khóm cây, hoa, thảm cỏ tại các bồn hoa, sẽ mang lại cho dải trung tâm thành phố diện mạo mới, gần gũi với thiên nhiên. Dự án hoàn thành tạo sự kết nối giữa dải trung tâm thành phố với không gian mặt nước sông Tam Bạc.
Với người dân Hải Phòng, sông Tam Bạc là một trong nét rất riêng của thành phố. Khi hoàn thành dự án Công viên Tam Bạc nối dài dải trung tâm thành phố với sông Tam Bạc, sẽ góp phần đem lại những trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách. Mọi người có thể dạo bộ, chiêm ngưỡng, ngắm nhìn vẻ đẹp của dòng sông Tam Bạc nên thơ với những hàng cây xanh, tỏa bóng mát bên bờ sông.
Nhiều người dân ra vui chơi và chụp ảnh cho người thân ở công viên cây xanh Tam Bạc.
Trong những ngày đầu năm 2016, Công viên cây xanh Tam Bạc được trang trí bồn hoa tươi, tiểu cảnh, tạo thêm vẻ rực rỡ, sinh động. Việc sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng Công viên cây xanh Tam Bạc góp phần làm đẹp hơn dải trung tâm thành phố, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, đồng thời tạo thêm một phần cho “lá phổi” xanh ở trung tâm thành phố ngày càng xanh mát.
Mong rằng thành phố Hải Phòng sớm có kế hoạch bố trí vốn, giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng phần còn lại của Công viên cây xanh Tam Bạc để đồng bộ quy hoạch cho dải trung tâm thành phố theo hướng xanh – sạch – đẹp – văn minh – hiện đại, tạo thêm không gian công cộng đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân và phục vụ phát triển du lịch thành phố.
Theo Báo Xây dựng