Công nghiệp văn hoá – sáng tạo Thủ đô: Những điều gần gũi và xa xôi
Ngày 22/9/2022, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “ Phát huy nguồn lực xã hội hóa, đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật trong sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp văn hoá Thủ đô”. Tham gia xây dựng các không gian nghệ thuật cộng đồng tại Thủ đô, chúng tôi nhận ra những điều gần gũi và xa xôi của ngành công nghiệp mới mẻ này.
Công nghiệp văn hóa – sáng tạo (CNVH-ST) với bà con Thủ đô
Bà con Hà Nội thường ái ngại khi nơi nơi đặt tên rất “kêu” cho Hà Nội: thành phố ngàn năm lịch sử, bề dày văn hóa văn hiến, thành phố xanh, thông minh, sáng tạo… Nay nhờ hội thảo “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá 2016-2021”mới biết thêm Hà Nội ta có một ngành nghề mới .Và thành tựu của ngành sau 5 năm ban hành chiến lược phát triển,, CNVH tại Việt Nam đã đóng góp 2,68% GDP (2015) lên 3,61% (2018); 12 ngành CNVH có hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động cả nước.
Hội thảo cho hay: các ngành CNVH có tính liên ngành và bổ sung giá trị cao, đặc biệt là thông qua lĩnh vực thiết kế liên kết với ngành thủ công mỹ nghệ, quảng cáo, trò chơi trực tuyến, phần mềm, kiến trúc; Các ngành công nghiệp chế tạo và nhiều ngành kinh tế khác. Thị trường mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc cũng rất sôi động.
Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, dẫn đầu sự phát triển CNVH cả nước, Hà Nội tích cực giao lưu và hợp tác quốc tế, khích lệ các thành phố khác ở Việt Nam trở thành thành viên của mạng lưới. Từ 40 không gian sáng tạo (2017) nay đã có hơn 200 điểm. Sự khởi đầu của CNVH-ST nước ta đã đạt nhiều thành tựu như vậy mà phần lớn chúng ta vẫn chưa rõ cái ngành kinh tế mới mang tên CNVH-ST là gì. Ví dụ hàng vạn họa sĩ đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật sau gần 100 năm trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời (1924-2022) … họ có vị trí nào trong ngành CNVH-ST. Hàng triệu KTS, kỹ sư công nghệ thông tin, tự động hóa …có thuộc lực lượng tham gia CNVH-ST không ?. Các nhà thơ, văn, báo chí, nhạc sĩ, điện ảnh, KTS hàng ngày hàng giờ sáng tác ra các tác phẩm mới – đó có phải là sản phẩm của CNVH-ST không ? Những nhà soạn thảo chiến lược mà còn chưa cho lời giải thích thấu đáo, e là bà con Thủ đô vẫn coi KTVH-ST là chuyện xa xôi.
Công nghiệp lớn bắt đầu từ sáng kiến tí hon
Hà Nội tập trung những trường đại học lớn nên rất nhiều KTS, nhà thiết kế mỹ thuật học tập, làm việc tại Thủ đô… Nhiều họa sĩ, KTS Hà Nội đã được biết đến nghệ thuật hội họa từ Đội vẽ Cung Thiếu Nhi từ khi Hà Nội còn rất nghèo. Những tưởng kinh tế phát triển sẽ có thêm nhiều sân chơi, không gian nghệ thuật cho trẻ… vậy mà hơn 20 năm qua, Hà Nội mở rộng hàng chục lần mà trường công lập còn thiếu, nói gì sân chơi. Trước thực trạng ấy một nhóm KTS, nghệ sĩ tình nguyện đã tới các khu dân cư nghèo treo lốp xe ô tô cũ lên cành cây thành xích đu an toàn vui nhộn cho trẻ. Họ nhặt nhạnh từng mẩu gỗ vụn, thanh sắt phế liệu để làm bập bênh náo nhiệt tại khoảng trống giữa các dãy nhà. Các KTS, nghệ sĩ sáng tạo mang đồ chơi bằng rơm rạ tre nứa đến bày ra giữa phố đi bộ trong khu phố cổ chặt chội bí bách thành nơi con trẻ vui chơi. Họ đến gầm cầu Phùng Hưng, ra bờ vở Phúc Tân… biến bãi đỗ xe, nơi phóng uế, vứt rác bừa bãi thành sân chơi an toàn, sạch sẽ, hấp dẫn. Các sáng kiến tí hon không mang lại tấn tạ sản phẩm hàng hóa, nhưng mang tới cộng đồng niềm vui hạnh phúc, niềm tin vào tương lai Hà Nội sạch đẹp thân thiện tăng lên không đo đếm được. Những sáng kiến làm nên những không gian văn hóa nhỏ xinh ấy thật gần gũi với cộng đồng Hà Nội.
Sáng kiến nhỏ hướng tới tầm nhìn lớn
Mặc cho các nhà lý luận loay hoay giải thích CNVH-ST là gì. Các KTS, nghệ sĩ tình nguyện tiếp cận các dự án sáng tạo với mục tiêu “ Phát hiện, khai thác động lực phát triển mới từ tài nguyên vật chất cạn kiệt hiện tại”. Không chỉ biến rác thải thành các tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn, giá trị cao; hay chuyển đổi một đoạn phố ẩm thấp, hôi hám, tối tăm thành không gian lễ hội tưng bừng. Các KTS, nghệ sĩ tình nghuyện còn có khả năng kết nối với các chuyên gia quốc tế, trung tâm sáng tạo toàn cầu đề đồng hành cùng Thành phố vượt qua bế tắc, trước mắt 3 việc:
Thứ nhất, Phục dựng gia cường Cầu Long Biên cũ năt trở thành cây cầu mạnh mẽ đa dụng, đóng góp quan trọng vào giao thông huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với khu dân cư đông đúc bờ Bắc sông Hồng. Biến xóm phố gầm cầu, hàng quán tự phát dọc đường tầu thành phố thương mại dịch vụ hiện đại trị giá hàng tỷ USD. Biến ga Hà Nội đang tàn tạ hưu hắt thành trung tâm giao thông đô thị cực mạnh, thu hút các phương tiện giao thông công cộng đến và tỏa đi muôn nơi. Sáng tạo nhất là sự thay đổi sẽ diễn ra vào ngay hôm nay, ngày mai mà không phải trông nhờ khoản tiền vay mượn đâu đâu hay phải đợi chờ 5-10 năm hoặc lâu không biết bao giờ mới có.
Thứ hai, Gia tăng năng lực khai thác tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông lên hàng chục lần, biến dự án tỷ đô đang hoạt động cầm chừng, thua lỗ cả núi tiền thành một chuỗi cơ hội phát triển kinh tế đô thị thịnh vượng. Giải thoát bế tắc cho tuyến đường sắt Nhổn Ga Hà Nội tăng vốn, kéo dài thời gian phụ, bị động hoàn toàn do lệ thuộc công nghệ và vốn từ bên ngoài …bằng giải pháp tích hợp đa ngành phát huy tối đa nội lực đạt đa mục tiêu: giao thông đường sắt, đường bộ, giao thông tĩnh, dịch vụ thương mại, hạ tầng kỹ thuật kết hợp giải quyết úng ngập và khô hạn trong trung tâm đô thị.
Thứ ba, Khắc phục ngay tức thời và từng bước những bất ổn tại tuyến đường Lê Văn Lương: biến tuyến đường dày đặc cao ốc, tắc đường triền miên, thiếu hụt 6 công viên (đã vẽ trong quy hoạch nay đã thay bằng BĐS) thành một tuyến phố lưu thông nhanh chóng an toàn và xanh hơn hiện tại.
Cho dù không có khả năng sáng tác thơ ca hay vẽ ra những dự án bay bổng, cộng đồng KTS, nghệ sĩ và các nhà khoa học Hà Nội thông qua những sản phẩm cụ thể với hy vọng các nhà quản lý nhận diện rõ hơn nội hàm CNVH-ST. Nó có thật hay chỉ là giấc mơ? Điều đó phụ thuộc vào sự sáng suốt của các nhà quản lý khi họ nhận diện đâu là sản phẩm đích thực của CNVH-ST.
Người thực hành Công nghiệp văn hóa, họ tự sáng tạo cách đi để đến mục tiêu
Trong hội thảo về CNVH, nhiều đại biểu băn khoăn về cơ chế chính sách, nguồn vốn, nhận thức… đang hạn chế CNVH phát triển – đó chính là cách tiếp cận rất “thiếu sáng tạo”. Bởi lẽ CNVH cần sự sáng tạo, văn hóa ngay từ các thực hành/đối mặt thách thức và vượt qua các rào cản để đạt mục tiêu.
Ví dụ như dự án Nghệ thuật đương đại trên phố gầm cầu Phùng Hưng: các KTS, nghệ sĩ ngay từ đầu đã phải vượt qua rào cản của thủ tục hành chính, hội đồng nghệ thuật trì trệ cổ hủ để các tác phẩm được ra đời với sự đón nhận hào hứng của công chúng và lãnh đạo Thành phố. Bản thân dự án ra đời mà không có mô hình quản lý vận hành phù hợp… Nhưng đã làm cho cả bộ máy quản lý địa phương đổi mới sáng tạo mô hình quản lý, đầu tư hạ tầng gia tăng giá trị và khai thác tối đa các hoạt động thương mại, dịch vụ tại dự án… Họ cũng vận dụng sáng tạo các nguồn vốn duy tu nâng cấp dự án khi đã xuống cấp.
Các nghệ sĩ đã tỏa sáng từ dự án này và tiếp tục thành công dự án Nghệ thuật đương đại trong hầm để xe Tòa nhà Quốc Hội và còn mang các tắc phẩm tới trưng bày tại Tòa nhà Việt Nam trong triển lãm quốc tế EXPO2020 Dubai.
Trong môi trường hoạt động, các KTS, nghệ sĩ sáng tạo cũng vượt ra khỏi mô hình hành chính cũ kỹ, quan liêu để tạo ra những không gian thực hành sáng tạo sinh động: Thay vì những hội diễn nhạt nhẽo, các nghệ sĩ, ca sĩ đến với công chúng qua không gian biểu diễn ấm cúng, sang trọng, kén chọn người nghe; Thay vì các cuộc thi tuyển còn nhiều ẩn số, các KTS tạo ra các cuộc tuyển chọn giữa các đồng nghiệp một cách công bằng và sang trọng, truyền thông quảng bá tài tình; Họ lập ra không gian tọa đàm trực tiếp, gián tiếp, các khóa học, thu hút các KTS ham học hỏi tụ hội; Các đạo diễn trẻ tự giới thiệu các tác phẩm điện ảnh tại các rạp chiếu phim nhỏ nhất thế giới nhưng có mặt đông đủ những người yêu nghệ thuật, họ đến để nghe và đọc cho nhau những câu thơ, cuốn sách của những tác giả in dấu trong trái tim lâu rồi; Các họa sĩ tổ chức các không gian nghệ thuật trong các tòa chung cư, trong các ngôi Đình trong phố và ra ngoài đường phố cùng công chúng. Họ trình diễn nghệ thuật ánh sáng hiện đại với biểu diễn thư pháp, tuồng cổ với nghệ thuật sắp đặt cùng với trình diễn thời trang. Công chúng đến với nghệ thuật sáng tạo không còn ranh giới các loại hình, thời gian và không gian vô tận. Hà Nội là nơi mà các KTS nghệ sĩ lựa chọn để sáng tạo không ngừng và trong sáng tạo họ tự mang tới nền CNVH-ST cho Thủ đô bằng những cách văn hóa và sáng tạo nhất.
Trần Huy Ánh