Công cuộc thay áo mới
Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như các đô thị lớn ở nước ta, Đà Nẵng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là đối với khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Kể từ khi trực thuộc Trung ương năm 1997, Đà Nẵng đã thực sự vụt lớn dậy về mọi mặt, trong đó không thể không nói đến sự thay đổi về diện mạo đô thị. Cùng với việc được “nâng cấp” trở thành đô thị loại I vào năm 2003, đã nâng tầm Đà Nẵng lên một tầm cao mới trở thành một trong những đô thị trung tâm cấp quốc gia và là hạt nhân của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung – Tây Nguyên.
Nhà chồ trên kênh nước chảy ra từ hồ Đầm Rong, P.Thuận Phước trước đây. Ảnh: Ông Văn Sinh
Trong chặng đường phát triển và trưởng thành của Đà Nẵng, không thể không nhắc đến sự đổi thay về tốc độ, tuy không phải như “vũ bão” nhưng là sự “tăng tốc” theo lộ trình và đúng thời điểm. Phù hợp với quy luật phát triển của một đô thị hiện đại về lĩnh vực quy hoạch, đây có thể xem là “thước đo” trình độ, tầm nhìn mang tính chiến lược của những người giữ vai trò thuyền trưởng của “con tàu Đà Nẵng”.
Không bắt đầu từ con số không, nhưng thực tế khi mới chia tách, Đà Nẵng gần như được người ta biết đến từ góc độ “đô thị” ở bờ Tây con sông Hàn. Một nửa Đà Nẵng, mà lại là nửa quan trọng nhất của một TP biển nằm ở bờ Đông sông Hàn vô cùng nhếch nhác, xập xệ. Nhìn toàn cục, nếu gọi là “điểm nhấn đô thị” lúc bấy giờ, thì chỉ có thể kể đến hai tòa nhà gọi là cao nhất Đà Nẵng, có từ hồi trước giải phóng đó là 2 khách sạn Thái Bình Dương và Phương Đông. Ngoài ra, trong bức tranh chung về không gian đô thị của TP không có công trình nào có thể gọi là “ấn tượng” cả về quy mô cũng như dáng vẻ. Nếu xét “rộng lượng” hơn một chút, có thể kể thêm một Đài tưởng niệm của TP tại Quảng trường 29 tháng 3 mà người dân thường gọi là “Khu Tượng đài”, và tượng đài Mẹ dũng sĩ Thanh Khê ở khu cửa ngõ phía Bắc…
Về hạ tầng đô thị, ngoài những con đường xưa cũ như Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Trần Phú, Lê Duẩn, thì sau năm 1975, có thể xem con đường Điện Biên Phủ là “to rộng” nhất của Đà Nẵng, nhưng khi trực thuộc Trung ương, nó đã xuống cấp nghiêm trọng. Đối với một TP có con sông chảy ngang qua, cầu có vai trò rất quan trọng thế nhưng từ trước năm 1975, bắc qua sông Hàn có 2 chiếc cầu mang tên Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý, 2 cây cầu trên chủ yếu là để phục vụ chiến tranh, mang tính tạm thời. Vì vậy, ngay đến một cây cầu gọi là đàng hoàng bắc qua sông Hàn ở phần trung tâm TP cũng không được những kẻ chiếm giữ tính đến vì lợi ích quân sự.
Ảnh: Tư liệu
Sau 3 năm trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng quyết định xây dựng một cây cầu quay nối đôi bờ Đông – Tây sông Hàn. Quyết định đầy quyết đoán và sáng tạo nằm trong chủ trương lớn của khâu đột phá cơ bản đầu tiên: “Mở rộng không gian đô thị”. Quanh chuyện xây cầu biết bao bàn cãi – giai thoại: Đúng có! Sai có! Đã có cuộc tranh cãi rất căng thẳng bàn thảo. Để rồi có một “Công trình thế kỷ” được hình thành trong thiên niên kỷ mới, là “cú hích” tạo đà cho Đà Nẵng vươn mình. Ý nghĩa của cây cầu đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và cảnh quan kiến trúc của TP, có lẽ không có gì phải bàn cãi nữa. Nó là “phát pháo đầu” mở màn cho sự chuyển mình về diện mạo mới của Đà Nẵng sau khi “ra riêng”.
Cầu quay Sông Hàn là một biểu trưng cho ý chí quyết tâm thay đổi đời sống kinh tế của người dân Đà Nẵng. Nó cũng chính thức trở thành biểu tượng mới cho hình ảnh một Đà Nẵng với sức bật mới, xóa đi sự cách biệt giữa hai bờ Đông và Tây sông Hàn. Hình ảnh của những xóm nhà chồ xập xệ ven biển, những gia đình sống chen chúc trên những con thuyền nhỏ từ bao đời nay dần lùi vào dĩ vãng. Chấm dứt một thời gian khó lênh đênh trên những chuyến phà và chuyến đò ngang dọc ngang con sông Hàn. Sự đổi thay kỳ diệu này không chỉ làm cho nhiều người dân nơi đây mà cả nước cũng ngỡ ngàng trước sự thức tỉnh của cả một vùng phố Đông đã ngủ yên bao đời.
Càng phát triển, Đà Nẵng càng có thêm nhiều chiếc cầu bắc ngang sông Hàn. Sau cầu sông Hàn là cầu Thuận Phước, chiếc cầu dây võng dài nhất Việt Nam, được đưa vào sử dụng cuối năm 2009. Cầu Tuyên Sơn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và nhiều cây cầu khác nữa được ra đời. Kiểu dáng của mỗi chiếc cầu đã làm cho Đà Nẵng nói chung, sông Hàn nói riêng ngày càng đẹp hơn lên. Mỗi cây cầu là một công trình kiến trúc độc đáo, có những nét riêng không trùng lắp. Chính vì vậy mà Đà Nẵng nổi tiếng trong cả nước là “TP của những cây cầu”, những ai đến Đà Nẵng cũng phải một lần dạo qua những cây cầu lung linh và đặc sắc này.
Một Đà Nẵng đã được thay đổi, TP bên bờ sông Hàn.
20 năm qua, nhiều công trình trọng điểm về kinh tế – xã hội phục vụ dân sinh đã được đầu tư và đưa vào sử dụng, trong đó các khu công nghiệp tập trung được hình thành một cách đồng bộ, nhiều khu du lịch, đô thị mới đã và đang được khẩn trương xây dựng và đưa vào sử dụng… góp phần tạo nên diện mạo đô thị mới. Đà Nẵng đổi thịt, thay da từng ngày với nhiều “điểm nhấn đô thị”. Những công trình bề thế, nguy nga đã, đang dần ló dạng. Đó là con đường Bạch Đằng mới, đường ven biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, Nguyễn Tất Thành… Cầu vượt Hòa Cầm và đặc biệt là nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế. Những siêu thị mới, các công trình đồ sộ quy mô hiện đại xuất hiện ở mọi nơi.
Để Đà Nẵng tiếp tục khẳng định mình trong vai trò là đô thị trung tâm, trong đó vấn đề quy hoạch giữ một vai trò quan trọng, TP đã tổ chức thi tuyển nhiều phương án kiến trúc trước khi đi đến quyết định đầu tư xây dựng nhiều công trình mang tính điểm nhấn, huyết mạch của đô thị, tạo điểm nhấn hoành tráng cụm đô thị trung tâm TP cũng như hình thành chuỗi công trình thương mại – dịch vụ, mua sắm, cao ốc văn phòng, khách sạn cao trên 20 tầng, tạo diện mạo điểm nhấn kiến trúc đô thị ven sông Hàn, thu hút đầu tư, du khách tham quan.
Là một TP trẻ, có những bước đi mang tính đột phá, đi tắt, đón đầu, qua 20 năm kể từ khi trở thành TP trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng không ngừng phát triển và đã trở thành một trong những đô thị có sức hấp dẫn tại Việt Nam. Sức hấp dẫn đó đến từ hình ảnh đô thị khang trang, sạch đẹp và thân thiện. Các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Khu vực đô thị cũ không ngừng được đầu tư nâng cấp. Một đô thị hiện đại, văn minh đang dần dần hiện hữu từng ngày với những công trình mới nối tiếp nhau ra đời, tạo ra những nét chấm phá ngoạn mục cho một TP trẻ hướng sông, hướng biển với một diện mạo mới đầy quyến rũ.
Nhìn lại chặng đường đã qua, để thấy rằng “con tàu Đà Nẵng” đang tăng tốc tới bến bờ mới với sức mạnh được hun đúc của 20 năm phấn đấu và trăn trở của lãnh đạo và nhân dân TP bên sông Hàn.
Dân Hùng/Báo Xây dựng