Condotel tụt dốc, cơn ‘ác mộng’ tiền tỷ của đại gia Việt bắt đầu?
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong đó đặc biệt là dòng sản phẩm condotel có sự chững lại của cả nguồn cung và giao dịch. Đáng chú ý, đơn vị khuyến nghị đã đến thời điểm nên tạm dừng phát triển mới các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Chững lại cả nguồn cung và lượng giao dịch
Đánh giá về thị trường condotel (căn hộ khách sạn) trong quý III/2018, Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nhìn chung thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong đó đặc biệt là dòng sản phẩm condotel ghi nhận sự chững lại của cả nguồn cung và lượng giao dịch thành công.
Theo thống kê của đơn vị này, trong Quý III/2018 hầu hết ở các vùng phát triển mạnh về bất động sản nghỉ dưỡng đều không có nguồn cung mới chào hàng, ngoại trừ ở Nha Trang có 1 dự án mở bán lần đầu ra thị trường. Lượng giao dịch cả nước về sản phẩm condotel chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm.
Dẫn ra số liệu tại hai thị trường phát triển mạnh condotel thời gian trước là Đà Nẵng và Nha Trang cho thấy sự “tụt dốc” sau thời kỳ phát triển nóng. Ghi nhận tại Đà Nẵng, hiện tại số lượng sản phẩm đang chào bán ra thị trường là 8061 sản phẩm bao gồm cả các sản phẩm đã chào bán từ các quý trước và các năm trước. Tuy nhiên, tổng lượng sản phẩm condotel giao dịch trong quý III/2018 chỉ đạt 294 căn.
Tương tự, tại Nha Trang, tổng số nguồn hàng condotel Nha Trang đạt 12000 căn. Tỷ lệ hấp thụ từ các dự án mới được chào bán trong quý III/2018 chỉ đạt khoảng 20%. Lượng giao dịch của sản phẩm condotel tại Khánh Hòa đạt 789 sản phẩm, giảm mạnh so với quý I và quý II/2018.
Khuyến nghị tạm dừng phát triển mới dự án
Lý giải về thực tế này, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nguyên nhân là do hiện nhà nước đã siết chặt vốn nên dòng vốn đầu tư đặc biệt là dòng vốn về bất động sản nghỉ dưỡng bị siết chặt.
Cùng với đó, các chính sách của nhà nước về pháp lý cho các sản phẩm condotel vẫn chưa được tháo gỡ gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư.
Thêm nữa, giá bán của sản phẩm nghỉ dưỡng hiện đã được các chủ dự án đẩy lên ở mức cao, bình quân từ 35 – 50 tr/m2 thậm chí có những dự án có giá trên 70tr/m2. Ở mức giá cao này nhà đầu tư khó tạo thanh khoản khi có nhu cầu chuyển nhượng.
Hội Môi giới cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, năng lực phát triển dự án loại hình bất động sản nghỉ dưỡng còn hạn chế, đặc biệt là năng lực khai thác kinh doanh sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng của các chủ đầu tư Việt Nam còn yếu và hạn chế.
Dẫn đễn sự ngờ vực của các nhà đầu tư khi đầu tư vào loại hình này cảm nhận thấy không đảm bảo cho hiệu quả đầu tư của họ lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng: “Việc đổ tiền quá nhiều vào condotel trong khi số lượng condotel lớn sẽ dẫn tới bội thực, cạnh tranh và cuối cùng là bội thực”.
“Chủ đầu tư đã thu tiền một cụm, bản thân khách hàng cũng phải bỏ tiền vào đó một phần, tín dụng ngân hàng một phần. Đến khi chủ đầu tư “thất thủ”, nói không thể trả tiền được, ngân hàng siết tài sản này, khách hàng có thể mất trắng. Ngân hàng ôm vào một mớ condotel không bán được cho ai. Vì vậy cần khuyến nghị tạm dừng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng” – ông Đính nhấn mạnh.
Trước đó, nêu taị báo cáo về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của CBRE, đơn vị nghiên cứu này cũng cho rằng, một lượng lớn các sản phẩm condotel sẽ sớm được bàn giao và sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn với các nhà đầu tư cho thuê.
Theo ông Robert McIntosh – Giám đốc điều hành của CBRE Hotels Châu Á-Thái Bình Dương, một số tranh chấp đã xảy ra giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư về hiệu quả lợi nhuận của các chương trình cam kết lợi nhuận ở các thị trường phát triển hơn như ở Thái Lan và Australia. Theo ông, các dự án có chất lượng tốt, được xây tại vị trí phù hợp, có tiềm năng du lịch thì khả năng hút khách sẽ vẫn cao, kể cả khi không có các chương trình cam kết lợi nhuận.
Ghi nhận từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay các nhà đầu tư nhỏ lẻ rất thận trọng trong chọn lựa dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Hồng Khanh/Vietnamnet