Có nên dùng ngân sách để bảo tồn tràn lan biệt thự cũ?
Theo thông tin trên báo Kinh tế & Đô thị, trong Danh mục biệt thự Pháp có giá trị của Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội (căn cứ theo Quyết định số 7177/QĐ – UBND ngày 28/11/2013) thì trong khu vực phố cũ Hà Nội có tổng cộng 1.253 biệt thự nằm trong danh mục biệt thự Pháp có giá trị. Biệt thự 107 Trần Hưng Đạo vừa bị sập hôm 22/9 cũng chỉ thuộc nhóm 2 (biệt thự có giá trị).
Từ sự cố này, đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý đối với các biệt thự cũ thời Pháp, liệu có nên giữ quan điểm Nhà nước quản lý, dùng ngân sách duy tu, bảo dưỡng khi hầu hết đều quá niên hạn sử dụng?
Cũng theo phụ lục trên, biệt thự xếp nhóm 1 (giá trị đặc biệt) có 225 biệt thự; nhóm 2 có 382 biệt thự; nhóm 3 (giá trị trung bình) có 646 biệt thự. Điều đó cho thấy, nếu duy tu bảo dưỡng, nội những biệt thự do Nhà nước quản lý, ngân sách Nhà nước sẽ không có cách nào gánh nổi. Theo tôi được biết, số biệt thự từng được Hà Nội thanh lý một thời rồi sau đó bị phản ứng, đã phải dừng lại cũng mới chỉ có 1/3 trong tổng số 1.540 biệt thự (cả có giá trị lẫn bình thường). Nếu Nhà nước không có nguồn kinh phí lớn để đổ vào trong một vài chục năm nữa, sự cố sập nhà không chỉ ở Hà Nội mà rất nhiều nơi khác nữa trên cả nước sẽ còn tiếp diễn.
Sau ngày miền Nam được giải phóng, với một địa phương nghèo như Lâm Đồng, việc dùng ngân sách để bảo trì nhà biệt thự của TP Đà Lạt dần trở nên nan giải. Trong khi Đà Lạt là một đô thị du lịch hấp dẫn, song do cơ chế lúc đó không cho phép dùng ngân sách chi sửa chữa dù chỉ mức vừa phải, trong khi đó, như mọi địa phương khác, tỉnh cũng cho thuê nhưng giá cả thì cực rẻ. Cũng may là sau ngày giải phóng một hai chục năm, việc duy tu, bảo dưỡng xem ra chưa đến nỗi nào. Nhưng khoảng 15 năm trước, nó đã trở nên khó khăn vì kinh phí tỉnh nghèo, không lấy đâu bù đắp nổi. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã tính đủ cách để có điều kiện dùng “mỡ nó rán nó” sao cho không dùng đến ngân sách. Nhưng rồi cũng không thành công.
Chỉ đến khi 178 biệt thự này xuống cấp trầm trọng, Lâm Đồng mới tìm ra giải pháp cứu nguy hữu hiệu. Thực ra, nó cũng chẳng hề mới mẻ gì. Đó là cách cởi trói, cho DN đấu thầu tham gia cải tạo 178 biệt thự trên và khai thác phục vụ du lịch theo hướng thuê hoặc mua (nếu biệt thự quá nát, buộc phải phá dỡ, xây lại bằng những cam kết nhất định với cơ quan quản lý Nhà nước). Tỉnh đã phải di dời hàng ngàn gia đình được TP cho nhập tịch vào sinh sống từ sau 1975, vô tình đã biến những giá trị kiến trúc Pháp đẹp mê hồn đó thành những chung cư nhếch nhác bởi sự xuống cấp. Có nhiều biệt thự trước đây tư gia họ chỉ có chục người ở, nay có đến 30 hộ sinh sống khiến nó quá tải và nhanh chóng xuống cấp.
Tôi đã từng nhiều lần vào công tác, ở tại ngôi biệt thự rộng hơn 3.000m2 trên đường Hùng Vương, Đà Lạt vốn là trụ sở của báo Lâm Đồng. Sau đó, biệt thự này được UBND tỉnh giao cho báo Thanh Niên thuê lại nhiều năm. Mỗi lần vào là mỗi lần thấy xót xa bởi sự tàn tạ của nó. Tiền thuê nhà thu được chẳng đáng là bao, trong khi ngôi biệt thự thì xuống cấp, kinh phí sửa chữa của ngành nhà đất đâu có mấy.
Việc làm hợp lý gần đây của chính quyền tỉnh Lâm Đồng có lẽ là một giải pháp hay mà Hà Nội nên tham khảo. Nên nhớ, để có được sự “thoát hiểm” của 178 biệt thự trên cao nguyên Đà Lạt khỏi tàn tạ, nhếch nhác, nó hoàn toàn không hề dễ dàng khi tư duy của những người lãnh đạo nhiều năm chưa được đồng thuận. “Cái khó ló cái khôn”. Phải chăng ở thế cùng đường, không có ngân sách nào hỗ trợ nổi, biệt thự cổ ở Đà Lạt hôm nay mới có được bộ mặt như một hai năm gần đây. Nếu không sẽ thật tai hại khi chúng ta “cầm vàng mà để vàng… rơi”!
Đà Lạt mới chỉ có 178 biệt thự mà không ngân sách nào gánh nổi thì Hà Nội với hơn một ngàn biệt thự còn do Nhà nước quản lý, cho thuê, liệu ngân sách làm sao chịu thấu?
Vì thế, liệu chúng ta có nên duy trì cách quản lý như vậy nữa không? Nên chăng, chúng ta sẽ tổ chức bán đấu giá công khai, chỉ giữ lại một số ít dùng làm nhà công vụ. Nguồn tiền thu được sẽ dành một phần đền bù thỏa đáng cho người đang ở hợp pháp (phải là thỏa đáng trong mức nào đó, nhưng không nên lấy mức hiện hành còn chênh nhau quá để khuyến khích người dân vui vẻ chấp nhận). Tôi tin với cách làm này, Nhà nước vẫn thu được lượng tiền lớn cho ngân sách mà không cần quản lý trực tiếp như bây giờ. Đồng thời, người mua cũng phải ký cam kết sửa chữa cho khang trang hơn, bền vững hơn và sẽ không cải tạo, cơi nới nhếch nhác. Đến một năm nào đó, nếu quá hạn sử dụng thì được phép phá dỡ xây lại, nhưng hình thức bên ngoài vẫn mang dáng dấp của kiến trúc Pháp ở thế kỷ trước. Tôi tin rằng sẽ có nhiều người có tiền sẵn sàng bỏ ra đầu tư để trở thành chủ nhân của một tài sản quý ở một Thủ đô đã ngàn năm tuổi.
Theo Quốc Phong/Kinh tế & Đô thị