26/06/2018

Chuyên gia: Cần chấm dứt “đổi đất lấy hạ tầng” ở những nơi như Hà Nội

GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ở những nơi phát triển như Hà Nội và TPHCM nên chấm dứt việc đổi đất lấy hạ tầng, thay vào đó sử dụng cơ chế đấu giá đất, lấy tiền để xây dựng hạ tầng.

Chuyên gia cho rằng đất phải được đấu giá, còn hạ tầng thì lấy tiền đấu giá để xây.
Chuyên gia cho rằng đất phải được đấu giá, còn hạ tầng thì lấy tiền đấu giá để xây.

Thời gian vừa qua, Hà Nội tiếp tục triển khai khá nhiều dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Tuy nhiên, liên quan đến hình thức này, các báo cáo của cơ quan kiểm toán, thanh tra đã chỉ ra vô số bất cập, sai phạm tại nhiều dự án. Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại đối với hình thức này.

Trao đổi với phóng viên, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói:

Những nơi mà đã có mức độ phát triển tốt, giá đất cao như Hà Nội, TPHCM thì không nên dùng cơ chế “hàng đổi hàng”. Thực chất, đổi đất lấy hạ tầng chính là phương thức hàng đổi hàng, một hình thức thương mại rất sơ khai. Thay vào đó, nên sử dụng cơ chế “hàng – tiền – hàng”, tức là đấu giá đất và sử dụng tiền đó là hạ tầng.

Khi đấu giá đất lấy tiền cho phát triển hạ tầng, Nhà nước chủ động trong quy hoạch. Về mặt giá trị, đấu giá đất để lấy tiền đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ lợi hơn, minh bạch hơn đổi đất lấy hạ tầng.

Khi nhận thấy cơ chế đổi đất lấy hạ tầng bộc lộ nhiều bất cập, Chính phủ đã quyết định “khai tử” hình thức này năm 2004 bằng Nghị định 181. Nghị định này chính thức khai tử cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” bằng quy định thực hiện đấu giá đất sau khi phê duyệt quy hoạch hạ tầng để lấy tiền xây dựng hạ tầng hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Tuy nhiên, sau một thời gian lại xuất hiện hình thức BT – xây dựng và chuyển giao nhưng về bản chất các dự án BT hiện này thì chính là đổi đất lấy hạ tầng. Hình thức BT đã được chỉ ra những bất cập như chứa đựng rủi ro tham nhũng rất lớn.

Không chỉ ở Hà Nội hay TPHCM, tôi cho rằng bất kỳ địa phương nào khi có ý định đề xuất làm BT thì cần cân nhắc. Tuy pháp luật không có điều nào cấm BT cả nhưng với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cần cân nhắc tránh để xảy ra những bất cập, sau này gánh hệ luỵ.

Quả thực hình thức BT đã được chỉ ra rất nhiều bất cập. Tổng kiểm toán Nhà nước cũng từng khẳng định hình thức này rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương. Tuy nhiên thời gian qua Hà Nội vẫn tiếp tục triển khai nhiều dự án bằng cơ chế này, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đã vào cuộc và phát hiện nhiều sai phạm ở các dự án BT. Thậm chí dự án nào có kết luận cũng sai hàng loạt. Tại Hà Nội cũng đã từng phát hiện nhiều sai phạm tại các dự án BT sau thanh tra.

Do vậy, tôi cho rằng Hà Nội cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng khi thực hiện các dự án BT bởi hình thức này còn nhiều lỗ hổng, bất cập. Tránh xảy ra mọi sai lầm tại các dự án mới được quyết định.

Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra trong số 15 dự án đổi đất lấy hạ tầng tại Hà Nội có đến 14 dự án được chỉ định thầu. Việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức này khiến dư luận lo ngại về sự thiếu minh bạch. Ông nhận định sao về vấn đề này?

Hiện nay câu chuyện chọn nhà đầu tư nào, phương thức nào để chọn nhà đầu tư là vấn đề rất lớn được đặt ra. Về mặt quy định pháp luật thì đều khẳng định cần phải đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất. Không được chủ động giao đất giao dự án qua chỉ định thầu là một trong khuyến nghị phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm.

Thế nhưng thực tế tại nhiều dự án vẫn không thực hiện đấu thầu công khai mà mà chỉ định nhà đầu tư, thậm chí là những nhà đầu tư không đúng chuyên môn, không có kinh nghiệm về lĩnh vực dự án thực hiện dự, mà đặc biệt là dự án có yêu cầu cao thì rất dễ gây lo ngại. Điều này cũng thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong quản lý.

Nguyên nhân thường được đưa ra khi triển khai các dự án BT đó là do ngân sách khó khăn, khó cân đối nguồn vốn trong khi cần có nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng. Vậy ông có kiến nghị gì đối với cơ quan quản lý khi thực hiện các dự án theo hình thức BT này?

Tôi đã kiến nghị từ lâu rồi, không nên dùng BT nữa. Đặc biệt tại những nơi có mức phát triển hạ tầng đã cao, giá đất cao thì dứt khoát phải thực hiện đấu giá đất, lấy tiền đó làm hạ tầng.

Trong trường hợp hạn hữu nào đó chứng minh được đổi đất lấy hạ tầng có lợi hơn đấu giá lấy tiền xây dựng hạ tầng thì phải có đầy đủ chứng cứ, lý lẽ, chứng minh một cách rõ ràng bằng bài toán lợi ích, chi phí. Phải chứng minh chứ không định tính được.

BT “đổi đất lấy hạ tầng” là hình thức hàng đổi hàng, là hình thức thương mại rất sơ khai. Nó không phải là hình thức thương mại phát triển cho thời điểm hiện nay. Do vậy, trong trường hợp hạn hữu nào đó đủ lí do thuyết phục thì chúng ta mới áp dụng chứ không thể làm một cách tràn lan được.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Mạnh/Dân Trí