20/05/2016

Chuyện “đồng phục” biển hiệu

Trong thời trang, đồng phục có vẻ đẹp riêng mà không mấy ai bàn ra tán vào. Nhưng việc “đồng phục” biển hiệu ở đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội) lại nảy ra nhiều ý kiến trái chiều. Vậy là lại có chuyện để bàn luận.


Thật lòng mà nói, Thủ đô của chúng ta còn nhiều vấn đề cần bàn về quản lý đô thị chứ không riêng gì chuyện biển hiệu hay biển quảng cáo. Ngay khi con đường Kim Liên kéo dài hình thành, nhiều người đã mong muốn các nhà quản lý đô thị của Hà Nội ra tay chỉnh trang về quy hoạch, kiến trúc thành một con phố văn minh, kiểu mẫu. Thế nhưng đến nay, tất cả các thứ, từ nhà cửa, kiến trúc, biển hiệu, biển quảng cáo… đều ở tình trạng “cái to cái bé, cái mẹ cái con, cái đỏ như son, cái vàng như nghệ…”.

Nay đường Lê Trọng Tấn mới được mở rộng và được thành phố có ý định xây dựng thành tuyến đường kiểu mẫu, ấy là một bước tiến đáng ghi nhận và có thể rút ra bài học cho những bước tiếp theo. Chỉ riêng chuyện “đồng phục” biển hiệu là dư luận còn hơi lăn tăn một chút.

Lý lẽ cũng rất đơn giản bởi trong kinh doanh, có hẳn một bộ môn marketing, mà trong đó, màu sắc đặc trưng của logo, nhãn hiệu của mỗi loại hàng hóa, dịch vụ được định vị khá quan trọng và được pháp luật bảo hộ. Nay ở đường Lê Trọng Tấn lại quy định “cứng” vào 2 màu chủ đạo xanh và đỏ thì quả là cần có sự xem xét lại.

Một ý kiến đáng quan tâm của PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh – Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu, Trường ĐH Thương Mại Hà Nội nhận xét trên báo Dân Trí: “Thực tế, việc quy định đồng bộ biển quảng cáo nhiều nước trên thế giới cũng đã thực hiện, nhưng họ không làm như chúng ta. Tôi lấy ví dụ như ở Mỹ hoặc Trung Quốc, họ chỉ quy định tiêu chuẩn về kích cỡ biển, hoặc đường viền bao quanh biển để tạo nét đặc trưng, dấu ấn riêng. Còn bên trong biển, họ để màu trắng cho phép doanh nghiệp tự thể hiện sự sáng tạo, đặc trưng của mình. Tôi thấy điều này hợp lý hơn”.

Nghe nói, Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị hai bên tuyến phố Thái Thịnh, trong đó có việc chỉ định màu sắc chủ đạo trên tuyến phố phù hợp với tập quán, văn hóa.

Có ý kiến cho rằng, không nên “đồng phục” đại trà ra quá nhiều tuyến phố, bởi nền kinh tế hàng hóa có những quy luật và yêu cầu tất yếu về sự đa dạng và phong phú. Mọi sự quy định cứng nhắc, duy ý chí đều có thể là lực cản cho sự phát triển của một nền kinh tế thị trường.

Nguyễn Hoàng Linh/Báo Xây dựng