Chuyển đổi số ngành Xây dựng: Kết quả bước đầu và những khó khăn đặt ra
Ngày 31/7/2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 1004/QĐ-BXD về việc phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Sau hai năm triển khai, đã có một số nhiệm vụ được hoàn thành và đang được ứng dụng mang lại nhiều lợi ích thiết thực phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ngày 31/7/2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 1004/QĐ-BXD về việc phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Xây dựng bao gồm 6 mục tiêu rất cụ thể, như: Thứ nhất là hoàn thiện thể chế để phục vụ chuyển đổi số của Bộ Xây dựng. Thứ 2 là hoàn thành việc xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử của Bộ Xây dựng, hướng tới chính phủ số vào năm 2025. Thứ 3 là hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu số phục vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng và các địa phương (như văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tiêu chuẩn, quy chuẩn; định mức và giá xây dựng; nhà ở, thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; đồ án quy hoạch; cá nhân và tổ chức được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; đề tài dự án sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khoa học công nghệ). Thứ 4 là phối hợp cùng các địa phương (trọng tâm là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) chuyển đổi số ở các lĩnh vực cụ thể như: quản lý quy hoạch xây dựng; quản lý cấp phép xây dựng; quản lý hoạt động xây dựng. Thứ 5 là ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy chuyển đổi số ở một số lĩnh vực cụ thể như: ứng dụng GIS trong công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng; ứng dụng BIM trong hoạt động đầu tư xây dựng; ứng dụng công nghệ số (DT), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) trong quản lý vận hành tòa nhà, hệ thống hạ tầng đô thị, doanh nghiệp xây dựng, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Thứ 6 là nhân lực ngành Xây dựng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Để tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ chuyển đổi số, Bộ Xây dựng đã ưu tiên 6 nhóm lĩnh vực để tập trung triển khai. Bao gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL), số hóa các văn bản, chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá… phục vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng cũng như các cơ quan quản lý về xây dựng ở địa phương; Xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng; Các hoạt động liên quan đến công tác tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, thẩm định, thi công xây lắp, nghiệm thu công trình; Sản xuất vật liệu xây dựng; Phát triển đô thị, quy hoạch đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị; Quản lý nhà ở, công sở và thị trường bất động sản.
Với 6 nhóm nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra 32 nhiệm vụ cụ thể được triển khai từ năm 2020 đến năm 2025 và 6 nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn 2026-2030. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã phỏng vấn PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng về một số nội dung liên quan đến kế hoạch chuyển đổi số, những thuận lợi cũng như khó khăn khi thực hiện kế hoạch.
PV: Thưa ông, sau hai năm thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của Ngành theo Quyết định 1004/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng thì chúng ta đã đạt được những mục tiêu gì?
PGS.TS Vũ Ngọc Anh: Hai năm vừa qua, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng lãnh đạo Bộ Xây dựng vẫn quyết liệt chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ. Bộ Xây dựng đã và đang triển khai 21/32 nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025. Ví dụ, nhiệm vụ “Xây dựng Danh mục văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm kỹ thuật, định danh, định dạng mã cho các hồ sơ, tài liệu để phục vụ chuyển đổi số” đây thuộc nhóm nhiệm vụ Hoàn thiện thể chế để phục vụ công tác chuyển đổi số của Ngành đã được giao cho Vụ Pháp chế thực hiện. Kết quả bước đầu là tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá các vướng mắc trong thể chế và đề xuất các nội dung mới để trình lãnh đạo Bộ sửa đổi bổ sung trong các văn bản quy phạm pháp luật của Ngành và các lĩnh vực có liên quan nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, kinh tế số. Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và Nghị định 15/2021/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã có nội dung khuyến khích ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng là một ví dụ.
Hoặc nhóm nhiệm vụ xây dựng và vận hành hiệu quả Chính phủ điện tử của Bộ Xây dựng đã thực hiện trong hai năm 2020-2021, với nhiệm vụ là: nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (mạng LAN, máy chủ, phòng họp trực tuyến); nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành Bộ Xây dựng kết nối liên thông với các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước; nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ. Đến nay, Bộ Xây dựng đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của 28 TTHC trên tổng số 36 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, đạt tỷ lệ 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
PV: Thưa ông, việc xây dựng cơ sở dữ liệu là một hoạt động quan trọng trong việc chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số, xin ông cho biết việc xây dựng cơ sở dữ liệu của Bộ Xây dựng đang triển khai như thế nào?
PGS.TS Vũ Ngọc Anh: Đúng vậy, chuyển đổi số không thể tách rời việc xây dựng cơ sở dữ liệu số, đây là nhóm nhiệm vụ thứ 3 trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Nhóm nhiệm vụ này bao gồm 15 nhiệm vụ cụ thể, với mục tiêu số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu gồm: văn bản quy phạm pháp luật; văn bản quy phạm kỹ thuật (quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật…); các đồ án quy hoạch; nâng cấp đô thị; hồ sơ thẩm định dự án xây dựng; hồ sơ nghiệm thu các công trình trước khi đưa vào sử dụng; hồ sơ thanh tra; hồ sơ cán bộ công chức của Bộ; hồ sơ cấp chứng chỉ năng lực các tổ chức/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng… để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của Bộ.
Đến nay, 13/15 nhiệm vụ đã thực hiện, trong đó có 7 nhiệm vụ đã triển khai xong và đưa vào khai thác xử dụng là: cơ sở dữ liệu về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành Xây dựng; hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng; cơ sở dữ liệu về các dự án nhà ở xã hội, nhà thương mại, công sở…; cơ sở dữ liệu về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho các tổ chức, cá nhân; cơ sở dữ liệu về các công trình đã nghiệm thu đưa vào sử dụng; cơ sở dữ liệu về các đồ án quy hoạch xây dựng. Các nhiệm vụ còn lại sẽ kết thúc vào năm 2025 như dự kiến.
PV: Trong quán trình thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số của Ngành, ông thấy những thuận lợi, khó khăn gì trong quá trình triển khai? Và một số đề xuất của ông?
PGS.TS Vũ Ngọc Anh: Sau hai năm thực hiện Kế hoạch, có những nhiệm vụ tiến hành thuận lợi, kết quả đưa vào khai thác, ứng dụng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên có những nhiệm vụ khi triển khai còn gặp khó khăn, cần phải được các Bộ/ngành cùng Chính phủ tập trung giải quyết thì kế hoạch chuyển đổi quốc gia mới thành công. Tôi tạm chia các khó khăn gặp phải khi tiến hành chuyển đổi số ở Bộ Xây dựng thành 3 nhóm:
Nhóm thứ nhất, là nhận thức về chuyển đổi số của một số lãnh đạo (Cục, Vụ, Sở chuyên viên chuyên trách về chuyển đổi số) còn mơ hồ, coi chuyển đổi số không phải nhiệm vụ cấp bách, làm cũng được không làm cũng không sao. Chính vì vậy đã không đầu tư đủ thời gian, công sức cho chuyển đổi số dẫn đến chậm triển khai kế hoạch.
Nhóm thứ hai là thiếu nhân lực và vật lực. Công việc chuyển đổi số tuy không phải mới nhưng thực sự chúng ta còn thiếu đội ngũ chuyên gia và người thực hiện hiểu biết về chuyển đổi số, đây phải là người am hiểu về hệ thống pháp luật của Ngành, hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn, hệ thống định mức đơn giá, các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ, hiểu biết về thủ tục hành chính… Để hướng dẫn cho chúng ta chuyển đổi cái gì trước, cái gì sau, tuần tự như thế nào. Yêu cầu liên thông từ trên xuống, từ dưới lên, liên thông ngang như thế nào. Bên cạnh đó, kinh phí để phục vụ cho chuyển đổi số chưa có, chúng ta chủ yếu lấy ở các nguồn chi sự nghiệp khoa học, sự nghiệp kinh tế hoặc nguồn khác. Tôi kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội sớm bố trí mục chi thường xuyên cho chuyển đổi số để các Bộ/ngành và địa phương có nguồn chi ổn định và đúng quy định.
Nhóm thứ ba, chuyển đổi số để xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, mà nền tảng của Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số là cơ sở dữ liệu số. Tuy nhiên cho đến nay chúng ta chưa có quy định thống nhất để xác định việc cấp mã số, mã vạch, mã định danh, định dạng cho các cơ sở dữ liệu số một cách thống nhất giữa các bộ/ngành và địa phương, lĩnh vực… Mã số, mã định danh, định dạng của một cơ sở dữ liệu số cho phép chúng ta nhận biết được nguồn gốc của thông tin, nội dung thông tin, cho phép các cơ sở dữ liệu được lắp ghép vào một hệ thống hoàn chỉnh, liên thông từ trên xuống, từ dưới lên, và liên thông ngang. Ví dụ, năm 2020 chúng tôi làm việc với các cơ quan giúp việc của Bộ Khoa học và Công nghệ để thống nhất mã số các tiêu chuẩn quốc gia mà Bộ Xây dựng sẽ biên soạn và cũng để phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu số về lĩnh vực tiêu chuẩn quy chuẩn ngành Xây dựng (Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan được Chính phủ giao quản lý thống nhất về hệ thống tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng), cụ thể là mã số các TCVN lĩnh vực xây dựng sẽ là TCVN 90.xxx -yyyy đến 99.xxx -yyyy; hai số đầu (90, 91 đến 99) phù hợp với phân loại theo quốc tế về tiêu chuẩn (ICS), ba số sau (xxx) là số tự nhiên do các bộ/ngành quản lý lĩnh vực đề xuất; bốn số sau (yyyy) là năm công bố tiêu chuẩn. Căn cứ vào quy định này, các tiêu chuẩn có sở (TCCS) cũng phải được thống nhất quy định quản lý về số hiệu, có như vậy thì chúng ta mới có căn cứ khoa học để xây dựng cơ sở dữ liệu số được thuận lợi.
Khi nào các khó khăn bất cập trên được giải quyết, tôi tin là Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Xây dựng cũng như của quốc gia sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ hơn và hướng tới thành công.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Đặng Ngân/BXD