Chuyện bản đồ: từ Thủ Thiêm tới thủ đô
Đầu 2000, Hà Nội trưng bày các tư liệu liên quan đến lịch sử đô thị hóa thủ đô từ các cơ quan lưu trữ của Pháp giai đoạn 1873-1954 với các bản thuyết minh bằng tiếng Việt, Hoa và Pháp. Đó là một cơ may lớn để hiểu Hà Nội cho những người muốn nghiên cứu đô thị.
Bản đồ lên tiếng trong yên lặng
Hệ thống bản đồ đó có nhiều thông tin địa lý, địa danh cũ nhất ghi năm 1873, được thực hiện với sự hỗ trợ của giới quân sự Pháp. Trong hồ sơ của Phủ Thống sứ Bắc kỳ (Fond de la Résidence Supérieure au Tonkin) có mục “Đo vẽ bản đồ” cho biết từ năm 1886 đã giao cho kỹ sư trưởng Sở Công chính đo vẽ bản đồ Hà Nội (trước khi thành lập Phủ Thống sứ Bắc kỳ 1889).
Điều đó cho thấy để chuẩn bị cho một chế độ thống trị toàn diện, việc đầu tiên phải xây dựng hệ thống tư liệu quản lý khoa học và chính xác, đó là lập bản đồ hiện trạng theo kỹ thuật hiện đại.
Thoạt đầu không quân Pháp bay chụp địa hình, tiếp theo Sở Địa chính Bắc kỳ lập bản đồ hiện trạng Hà Nội trên bản đồ không ảnh và công tác đo đạc mặt đất. Từ đó kiến trúc sư Louis-Georges Pineau (Phó giám đốc Sở Kiến trúc và Quy hoạch đô thị) đã dựa vào bản sơ đồ do kiến trúc sư Hesbrard lập năm 1923 để xây dựng quy hoạch chi tiết từng đường phố trên nền bản đồ địa chính trong 12 năm (1931 – 1943) rồi chuyển họa vào bản đồ Quy hoạch Hà Nội mở rộng công bố năm 1943.
Chính bản quy hoạch này đã hiện thực hóa phần lớn khu trung tâm Hà Nội cũ và có ảnh hưởng tới khu này sau 50 năm (1943 – 1993) và cho dù sau 1954, các khu vực bên ngoài nội thành cũ rơi vào phát triển tự phát, nhưng nó vẫn quẩn quanh trong khung bản đồ với những biến thể phi hình học.
Tóm lại hệ thống bản đồ này đã được lập từ tham chiếu không ảnh, đo vẽ mặt đất, khảo sát địa hình, địa dư rất tỉ mỉ để định danh địa hình, đặc biệt là tên các làng xóm. Và không chỉ cho riêng Hà Nội, các thông tin tư liệu bản đồ là cơ sở để các chuyên gia địa lý, thủy lợi lập nên sơ đồ địa hình cao thấp, xác định vùng ngập nước và phương án đắp đê để dân an toàn trong mùa lũ, có không gian trữ nước mùa cạn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, giao thông… cho các vùng kề cận Hà Nội nữa, đặc biệt là tỉnh Hà Tây cũ.
Bằng chứng là khi phóng to bản đồ Hà Nội mở rộng sang Hà Tây cũ cho thấy các vùng thoát lũ sông Hồng sang lưu vực sông Đáy, sông Nhuệ… để xây dựng các kênh dẫn nước từ sông Hồng vào, đập tràn, đập thoát lũ, trạm bơm phần lớn nằm ở Hà Tây cũ. Hệ thống này được duy trì, vận hành trong các trận lũ lớn cũng như quản lý đất đai trong suốt thế kỷ XX.
Bằng chứng đó cũng cho thấy đến cuối thế kỷ XX, hơn 1.500 ngôi làng thuộc Hà Tây cũ (hay cụ thể hơn gần 200 ngôi làng thuộc 28 xã, thị trấn của huyện Ứng Hòa) vẫn còn đó cấu trúc xã hội, văn hóa, tín ngưỡng, không gian sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp quy mô nhỏ…
Lưu ý họ không cần những khoản đầu tư nào từ bên ngoài, mà các làng tự sống, đóng góp nghĩa vụ với xã hội và hoàn thành các nghĩa vụ với đất nước qua tất cả các cuộc chiến tranh bảo vệ quê hương, Tổ quốc.
Lời giải mới từ bản đồ cũ
Nhưng mọi việc đã thay đổi từ sau năm 2005 với hàng loạt các dự án đô thị được lãnh đạo tỉnh Hà Tây (cũ) cấp phép triển khai vào hành lang thoát lũ, mà những người thực hiện phần lớn là những cán bộ quản lý địa phương vốn trưởng thành từ môi trường nông thôn, làm nông, hoặc chỉ học trung cấp thủy lợi… đã không thể đánh giá hết hậu quả của việc làm này của chính họ.
Và thế là hàng ngàn ha đất nông nghiệp màu mỡ, được bồi đắp phù sa từ các dòng sông, lập tức được họ định vị là các khu đô thị mới.
Riêng huyện Chương Mỹ có ba khu đô thị rộng tới 5.746ha (lớn hơn 10 lần diện tích quận Hoàn Kiếm, tương đương với diện tích toàn bộ nội thành Hà Nội sau 100 năm đô thị hóa, từ 1900-2000) được cấp phép xây dựng. Chỉ tính riêng một vùng trũng ngập Mỹ Đức cũng có khu đô thị sinh thái rộng tới 1.460ha… Bản đồ vẽ những dự án xây đô thị mới vào vùng có hàng ngàn ngôi làng, mỗi làng có hàng ngàn gia đình với hàng trăm ngàn số phận người dân mà còn “quên viết tên các làng” trong đó?
Tại huyện Hoài Đức, họ còn vẽ ra loại dự án rộng tới mức… không biết để làm gì với các nội dung “bảo tàng phụ nữ, bảo tàng nông thôn”… Trong khi chính các nữ nông dân và cả gia đình họ đang sinh sống tại đây lại chẳng biết sau khi mất ruộng sẽ mưu sinh ra sao?
Năm 2005, cũng trên vùng thoát lũ này, tại cánh đồng mà trâu bò còn gặm cỏ Đồng Trúc Ngọc Liếp, người ta vẽ ra “Khu đô thị tầm cỡ thế giới”. Khi trả lời ai sẽ là chủ nhân của cái thành phố xa hoa ấy, tác giả bảo “nó được dựng cho tương lai 100 – 150 năm nữa cơ”.
Ai sẽ biết 100 năm sau Hà Nội ra sao, chỉ biết năm ngoái hơn 4.600 hộ (hơn 22.400 người dân các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức…) nằm trong vùng thoát lũ của thủ đô chìm trong biển nước cả tháng trời (chỉ riêng huyện Chương Mỹ ước tính tổng thiệt hại đã hơn 264 tỷ đồng).
Nếu chồng lớp các bản đồ địa hình sẽ thấy toàn bộ khu đô thị Giáo dục Y tế huyện Ứng Hòa, Trung tâm thương mại Phú Xuyên, Khu đô thị số 4, Khu công nghiệp Khu Cháy, Chợ Cháy… quy mô tới 20.000ha (lớn hơn diện tích lãnh thổ huyện Ứng Hòa, lớn hơn cả diện tích nội thành Hà Nội) là hoàn toàn nằm trong vùng đất trũng thuộc loại sâu nhất đồng bằng Bắc bộ (đến +3m), thấp hơn hoặc ngang với đáy sông Hồng (+2,5m).
Và nếu chúng ta đối chiếu các quy hoạch tùy tiện hôm nay với hệ thống bản đồ cũ được thực hiện công phu do người Pháp để lại cho Hà Nội, sẽ thấy việc cấp đất xây khu công nghiệp, khu đô thị vào vùng hành lang thoát lũ (lưu ý các khu mênh mông này còn thường bị các chủ đầu tư vì bảo vệ công trình của họ, đã thay đổi địa hình bằng cách đổ cốt liệu cao hơn các thổ cư, thổ canh xung quanh tới 2 – 4m, thậm chí hơn thế) và chia cắt nát hệ thống thủy lợi… là nguyên nhân trực tiếp của thảm cảnh lụt lội đó.
Thay lời tạm kết
Ông Trần Trung Chính (Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng) trong một tiểu luận về định cư con người, cho rằng: “Nếu chưa thể nói chúng ta có di sản quy hoạch, thì chắc chắn vẫn có di sản định cư. Mà các loại bản đồ hay sơ đồ cư trú xưa nay đã thể hiện nó với ít nhất hai thành tố là địa lý và nhân văn, chúng là kết quả lịch sử của quá trình định cư con người. Việc lập dự án khu công nghiệp, khu đô thị mới theo lối “san phẳng, như xây trên sa mạc” là chà đạp lên mọi thành quả kiến tạo của thiên nhiên và con người”.
Những người dân Thủ Thiêm TP.HCM mang theo bản đồ chất vấn chính quyền bởi có nhà cửa đất đai của họ trong đó. Liệu tới lúc nào những người dân Ứng Hòa, Hoài Đức, Chương Mỹ… của Hà Nội, cũng sẽ dùng những tấm bản đồ để hỏi các nhà quản lý lối thoát cho thảm cảnh ngập lụt, ô nhiễm dài dặc mà họ phải chịu đựng?
Mùa mưa đang đến, trên các báo chí lại đăng dày tin ngập lụt với hình ảnh mấy nhà quản lý mặc áo mưa trả lời phỏng vấn qua quýt, sao không thấy mấy ai nhắc đến những nghiên cứu thủy lợi công phu đã có hơn 100 năm trước, tìm lời giải cho những cam go hôm nay từ những tấm bản đồ cũ lặng im trong các kho lưu trữ?
KTS. Trần Huy Ánh – Ảnh tư liệu của Hanoidata/Người đô thị