16/10/2020

Chuỗi sự kiện “Mẹ và Trái tim người lính”

Sáng ngày 16/10, Bảo tàng Phụ nữ VN, CLB Trái tim người lính và Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức sự kiện với chủ đề “Mẹ và Trái tim người lính”.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB Trái tim người lính và Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức sự kiện với chủ đề “Mẹ và Trái tim người lính”.

Bà Hoàng Thị Ái Nhiên - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát biểu

Bà Hoàng Thị Ái Nhiên – Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát biểu

Tới tham dự có Bà Hoàng Thị Ái Nhiên – Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc; Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng ban Liên lạc toàn quốc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên; Thiếu tướng, AHLLVT Đào Trọng Hùng, nguyên Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Bộ Công an; Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch; Bà Nguyễn Hải Vân – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ nhiệm CLB “Trái tim người lính”; Đại tá, Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng; TS.Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.

Chuỗi sự kiện bao gồm 3 hoạt động chính: Triển lãm “Mẹ” giới thiệu các bức ảnh của Đại tá, Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng; Lễ trao tặng hiện vật của những người lính năm xưa và Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và CLB Trái tim người lính.

Chuỗi hoạt động là kết quả của sáng kiến kết nối và xây dựng mạng lưới sưu tầm cho công tác chuyên môn mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện và tổ chức trong suốt thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho đến nay.

Triển lãm “Mẹ” của Đại tá, Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng

Đại tá, Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng từng là một người lính bước ra từ chiến trường. Như một cái duyên, ngay từ khi vào nghề, ông đã viết và chụp ảnh về các bà mẹ. Trong “gia tài” nghề nghiệp của ông có rất nhiều những bức ảnh về đề tài này. Dù là một bà mẹ bình thường, một vị giáo sư, một nữ anh hùng hay các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đều được ông trân trọng và chụp lại những khoảnh khắc trong cuộc sống với một tình yêu từ trái tim của người lính.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng ban Liên lạc toàn quốc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên phát biểu trong lễ trao hiện vật cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng ban Liên lạc toàn quốc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên phát biểu trong lễ trao hiện vật cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Triển lãm “Mẹ” với 3 nội dung chính: Mẹ – hằn sâu nỗi nhớ, Mẹ – khoảnh khắc đời thường, và Tự hào những người Mẹ Việt Nam giới thiệu 90 bức ảnh gắn với nhiều miền ký ức, cảm xúc của tác giả về những người Mẹ Việt Nam với sự bình dị, chân thật và đầy rung cảm. Không chỉ là các mẹ Việt Nam anh hùng, tác giả còn tôn vinh hình ảnh của những người Mẹ với nỗ lực vươn lên để thành công, hay đơn giản là sự bình dị với thiên chức cao quý của một người vợ, người mẹ. Tiêu đề của Triển lãm – “Mẹ” chính là mẫu số chung giúp tác giả lột tả những mảnh ghép đa sắc về các Mẹ, tạo nên bức chân dung về người Phụ nữ Việt Nam với đầy sự tự hào và tình yêu thương.

Chắc hẳn mỗi chúng ta khi ngắm nhìn những bức ảnh trong Triển lãm đâu đó sẽ thấy bóng dáng của chính những người mẹ, người bà của mình. Thông qua Triển lãm, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và tác giả Trần Hồng mong muốn dành sự tri ân đến các thế hệ phụ nữ Việt Nam – những con người với tình yêu thương vô bờ, tấm lòng vị tha, đức hy sinh cao cả và trái tim nhân hậu để chúng ta – những người con, người cháu thêm tự hào, yêu thương và trân trọng họ. Đó cũng là lý do tác giả trao tặng 90 bức ảnh của Triển lãm cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để vẻ đẹp, cùng hình ảnh của các Mẹ sẽ còn được lưu giữ mãi và giới thiệu tới nhiều thế hệ sau.

Lễ tiếp nhận hiện vật

Trong khuôn khổ sự kiện, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn tổ chức Lễ tiếp nhận hàng trăm kỷ vật của các cá nhân là những người lính năm xưa nơi chiến trường bao gồm: nhật ký, ảnh, bưu thiếp, đồ dùng cá nhân… cùng với rất nhiều những lá thư tay về tình yêu do chính họ hoặc người thân lưu giữ lại.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Những kỷ vật ấy không chỉ mang dấu ấn cá nhân, mà còn giúp khắc họa và gợi nhớ về một thời kỳ thanh xuân của những con người với lý tưởng cách mạng và lòng yêu nước, gắn với những câu chuyện về tình yêu gia đình, tình đồng đội và tình cảm đôi lứa trong thời kỳ tuy khó khăn, gian khổ nhưng vẫn chan chứa sự gắn kết và đầy ắp tình yêu thương. Hiện vật của những người lính còn sống, hay đã khuất sẽ được gửi tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, giúp làm dày dặn thêm kho tư liệu về thời kỳ kháng chiến mà Bảo tàng đã dày công sưu tầm từ nhiều năm qua. Đồng thời đây sẽ là nguyên liệu để Bảo tàng khai thác cho các triển lãm, trưng bày và hoạt động giáo dục hướng tới các hoạt động tuyên truyền và giới thiệu đến công chúng trong thời gian tới. Đây là một phần kết quả trong việc mở rộng hợp tác, chuyển hướng sưu tầm phù hợp với thời cuộc và đạt hiệu quả cao của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn dịch Covid 19.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với CLB Trái tim người lính

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với CLB Trái tim người lính thể hiện mục tiêu chung trong công tác gìn giữ những giá trị nhân văn, giá trị lịch sử liên quan đến mọi mặt đời sống tinh thần của người lính cùng hậu phương của họ. Qua những buổi làm việc với CLB Trái tim người lính, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam có cơ hội được tiếp cận với những khối tài liệu, hiện vật thú vị về nhiều câu chuyện cảm động, mối tình tươi đẹp, tình đồng đội trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Việc kết nối sưu tầm giữa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với các cựu chiến binh, các nhân chứng lịch sử thông qua diễn đàn CLB “Trái tim Người lính” để phát động cuộc thi viết và sưu tầm kỷ vật mang tên “Tình yêu đi qua chiến tranh” là một ý tưởng hay, một sáng kiến mới rất ý nghĩa và nhân văn. Hoạt động này đã góp phần rất tích cực, hiệu quả không chỉ trong công tác chuyên môn của Bảo tàng mà còn giúp kêu gọi sự chung tay của nhiều cựu chiến binh và nhân chứng lịch sử trong việc gìn giữ và bảo tồn các kỷ vật quý giá về một thời đạn bom.

Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng, Phó Tổng biên tập TC Môi trường và Đô thị Việt Nam đại diện cho CLB Trái tim người lính cùng bà Nguyễn Hải Vân - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ký kết chương trình hợp tác

Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng, Phó Tổng biên tập TC Môi trường và Đô thị Việt Nam đại diện cho CLB Trái tim người lính cùng bà Nguyễn Hải Vân – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ký kết chương trình hợp tác

Việc hợp tác với CLB “Trái tim người lính” hứa hẹn nhiều cơ hội trong hành trình sưu tầm, thu thập các câu chuyện, tài liệu hiện vật ý nghĩa, có giá trị của những năm tháng chiến tranh hay thời bình. Từ đó, hai bên sẽ cùng tổ chức thêm các chương trình, hoạt động thu hút công chúng tham gia, như cuộc thi viết với chủ đề “Tình yêu trong chiến tranh”, chuẩn bị cho việc xuất bản những cuốn sách cùng tên “Trái tim Người lính” và tổ chức các sự kiện “Gặp mặt đồng đội”. Tuy mới bước đầu hợp tác nhưng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và CLB Trái tim người lính đã thu hút sự tham gia của các nhân chứng lịch sử trên khắp mọi miền đất nước và lan tỏa giá trị chân – thiện – mỹ của người lính cụ Hồ trong sưu tầm các tư liệu, hiện vật trên mọi mặt đời sống của người lính trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Thông tin về CLB Trái tim người lính

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số thời đại 4.0, hàng trăm ngàn Cựu chiến binh Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc đang sử dụng mạng xã hội. Câu lạc bộ “Trái tim Người lính” (Soldier’s Heart Club) là một diễn đàn trên Facebook, do Đại tá, Nhà văn, Cựu chiến binh Đặng Vương Hưng mới sáng lập chưa lâu, nhưng đã có trên 6.000 thành viên, hầu hết là các Cựu chiến binh tham gia. Trong đó, có nhiều người là Tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên cán bộ cao cấp cao cấp, văn nghệ sĩ và trí thức. Mục đích của “Trái tim Người lính” không chỉ để kết nối các cựu chiến binh từ nhiều phía; mà đặc biệt, hướng tới đối tượng là những người trẻ, nhưng đã, đang, hoặc sẽ mặc áo lính; những người thân của lính, cùng những người yêu hòa bình trên khắp thế giới; góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết cộng đồng và Ngoại giao nhân dân… Trong thời gian qua, CLB đã có nhiều hoạt động thiết thực, ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng và đời sống xã hội, được dư luận báo chí đánh giá cao.

Một số thông tin về Triển lãm Mẹ:

1602817988-ttnl-1

Đại tá, Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng sinh năm 1949 ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Năm 1968, ông nhập ngũ trở thành lính thông tin thuộc Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn. Năm 1973, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Nhiếp ảnh của Trường Đại học Báo chí, ông về công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Hơn 40 năm trong nghề, ngoài đề tài người lính, ông dành tài năng, đam mê cho chủ đề người Mẹ, người phụ nữ Việt Nam. Bởi với ông, người Mẹ nào dù trong chiến tranh hay ở thời bình đều vĩ đại và đáng được tôn vinh.

Một số câu chuyện về các Mẹ qua lời tự sự của tác giả

1602818029-ttnl-2

Đợi con: Mẹ Nguyễn Thị Thứ, xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam. Mẹ có chồng, chín người con ruột, một con rể và hai cháu ngoại là liệt sĩ. Một mình Mẹ ngồi lặng lẽ, khuôn mặt kiên định vẫn ánh lên những tia hy vọng cuối cùng. Mẹ bảo: “Tôi vẫn đợi nó về, chín thằng chắc chắn có một thằng nó về với tôi. Chắc chắn thế!”.

1602818052-ttnl-3

Hậu phương của Đại tướng: Tôi vê ống kính lấy thật nét chiếc ghế bỏ không mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường ngồi mà nay Đại tướng phải nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Với 1559 ngày nằm trong viện vợ ông, bà Bích Hà đã thay Đại tướng nhận và sắp xếp tài liệu, thư từ khắp nơi gửi về để ngày ngày thông báo cho ông. Tay bấm máy mà mắt tôi cứ rưng rưng rơi lệ!

1602818072-ttnl-4

“Gia đình Giáo sư”: Từ lâu tôi vẫn ao ước chụp bức ảnh đầy đủ năm chị em gái đều là Giáo sư, Tiến sỹ của gia đình cố GS. Đặng Thai Mai, nhưng rồi chỉ chụp được tấm ảnh có ba người. Từ trái sang là PGS. TS Văn học Đặng Thị Hạnh (vợ Trung tướng Hồng Cư); PGS.TS. Văn học Đặng Anh Đào (vợ Trung tướng Hồng Sơn); PGS.TS Sinh học Đặng Xuyến Như. Còn 2 người không chụp được trong ảnh là GS.TS Sử học Đặng Bích Hà (phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp) tuổi cao sức yếu và GS.TS Văn học Đặng Thành Lê vừa mới qua đời. Khi còn trẻ các bà vừa công tác, vừa nuôi con để chồng yên tâm phục vụ trong quân ngũ.

1602818096-ttnl-5

Niềm vui mỗi ngày: Đứng ở tầng 3 nhà số 8 Lý Nam Đế – Báo Quân đội nhân dân đã bao lần tôi thấy hình ảnh bà cháu ở tầng 1. Mỗi lần như thế tôi nhớ Mẹ lắm. Một sáng chủ nhật năm 1974, cơ quan vắng vẻ vì ai cũng về nhà nghỉ. Quê xa, không được về thăm Mẹ tôi cầm máy chực sẵn tầng 1 và đã ghi lại được khoảnh khắc này. Cụ Ba là Mẹ vợ của NSNA Vũ Ba – người thầy, đồng nghiệp của tôi đang đón cháu Hòa (con gái của Vũ Ba).

Một số hiện vật trong Buổi lễ trao tặng

Những lá thư của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Chính và bà Lê Hồng Nga từ năm 1982-1985

Những lá thư của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Chính và bà Lê Hồng Nga từ năm 1982-1985

Bức thư của liệt sỹ Nguyễn Văn Bảo viết gửi cho bố mẹ và vợ con

Bức thư của liệt sỹ Nguyễn Văn Bảo viết gửi cho bố mẹ và vợ con

Sổ ghi chép mật và nhật ký của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng sử dụng năm 1981

Sổ ghi chép mật và nhật ký của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng sử dụng năm 1981

Hồng Anh/Môi trường và Đô thị