16/07/2024

Chưa đủ cơ sở quyết toán chi phí phá dỡ công trình 8B Lê Trực

Dù Công ty Cổ phần May Lê Trực đã phong tỏa 23 tỷ đồng tại ngân hàng để chi trả tiền phá dỡ công trình 8B Lê Trực (nay là 67 Trần Phú), tuy nhiên việc chi trả chưa thể thực hiện, do chưa có đủ hồ sơ chứng từ gốc liên quan đến phương án phá dỡ kèm dự toán được đơn vị tư vấn có năng lực lập, thẩm tra và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Công trình 8B Lê Trực (nay là 67 Trần Phú). (Ảnh: TL)

Sở Xây dựng hướng dẫn chi tiết việc lập phương án phá dỡ

Việc xử lý vi phạm Công trình số 8B Lê Trực được thực hiện xong từ năm 2020, tuy nhiên theo Công ty Cổ phần May Lê Trực (Công ty Lê Trực), đến nay việc thanh quyết toán cho ngân sách Nhà nước vẫn chưa thể thực hiện do chưa có đủ hồ sơ chứng từ gốc.

Theo hồ sơ tài liệu tìm hiểu được biết, việc xử lý vi phạm công trình số 8B Lê Trực được thực hiện từ năm 2016 theo Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 9/1/2016 của UBND quận Ba Đình về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng công trình.

Để hướng dẫn lập phương án phá dỡ phần công trình sai phạm, ngày 9/11/2015, Sở Xây dựng Hà Nội có Văn bản số 11579/SXD-GĐCL hướng dẫn UBND quận Ba Đình lập phương án, giải pháp thẩm tra, thẩm duyệt phương án, giải pháp phá dỡ phần thi công sai nội dung giấy phép được cấp tại công trình 8B Lê Trực.

Cũng sau gần 5 tháng phá dỡ công trình 8B Lê Trực nhưng chưa có phương án phá dỡ, đến ngày 03/8/2016, UBND Thành phố Hà Nội có Văn bản (hỏa tốc) số 6672/VP-ĐT và Văn bản số 6925/VP-ĐT ngày 10/08/2016 gửi Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND quận Ba Đình, Công ty Cổ phần Hạ tầng Phương Bắc về việc khẩn trương hoàn chỉnh phương án phá dỡ, dự toán chi phí phá dỡ và hướng dẫn tổ chức lựa chọn nhà thầu thi theo quy định của pháp luật. Tiếp đó, ngày 30/12/2016, Sở Xây dựng Hà Nội có Văn bản số 12141/SXD-QLXD về việc góp ý hoàn chỉnh dự toán chi phí phá dỡ công trình 8B Lê Trực.

Ngày 10/3/2017, tại Công văn số 1728/SXD-QLXD của Sở Xây dựng về việc hướng dẫn hoàn chỉnh dự toán chi phí phá dỡ công trình 8B Lê Trực. Nội dung công văn nêu rõ: “Sở Xây dựng Hà Nội đã có nhiều văn bản hướng dẫn UBND quận Ba Đình trong việc chỉ đạo UBND phường Điện Biên phối hợp với Công ty CP Bắc Nam hoàn thiện dự toán chi phí phá dỡ…Tuy nhiên đến nay, dự toán chi phí phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực nêu trên vẫn chưa phù hợp với quy định của pháp luật”.

Văn bản này cũng cho biết: “Khối lượng dự toán chưa phù hợp; Định mức, đơn giá xây dựng công trình áp dụng lập dự toán chưa phù hợp. Công ty Cổ phần Tư vấn và Chuyển giao công nghệ xây dựng VICET (đơn vị tư vấn thẩm tra dự toán) đã kết luận: Gía trị dự toán chi phí phá dỡ phần đủ cơ sở là 1.847.269.000 đồng; Giá trị dự toán phần chưa đủ cơ sở là 11.309.094.748 đồng”.

Sở Xây dựng cũng lưu ý một số vấn đề đối với UBND phường Điện Biên khi thuê đơn vị tư vấn độc lập dự toán chi phí phá dỡ công trình bởi: “…Biện pháp thi công phá dỡ kết cấu bê tông cốt thép cột, dầm, sàn sử dụng máy cắt bê tông dây kim cương chưa được áp dụng cho công trình sử dụng vốn ngân sách nên không có cơ sở định mức, đơn giá được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố áp dụng cho công việc này…”.

Đối với việc thanh quyết toán chi phí phá dỡ giai đoạn 1, phía Công ty Lê Trực xác nhận đã thanh toán số tiền trên 1 tỷ đồng đối với phần giá trị dự toán chi phí phá dỡ đủ cơ sở như Thông báo số 1728 của Sở Xây dựng.

Thanh quyết toán có cần hồ sơ chứng từ gốc?

Theo thông tin từ phía UBND quận Ba Đình, quận vừa có văn bản đề nghị Công ty Lê Trực thanh toán kinh phí phá dỡ phần vi phạm công trình số 8B Lê Trực. Tổng số tiền cần thanh toán (theo hồ sơ quyết toán) là hơn 26,2 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Đỗ Hà Thanh, Trưởng Phòng Quản lý Đô thị UBND quận Ba Đình cho biết: Dự toán phá dỡ đã được lập trên cơ sở lấy ý kiến của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) và có giá trị rồi, quận Ba Đình đã ứng tiền ngân sách ra trả cho đơn vị thi công phá dỡ nên hiện nay, quận yêu cầu Công ty Lê Trực phải trả số tiền này.

Về hồ sơ hoàn công của đơn vị phá dỡ, ông Đỗ Hà Thanh cũng cho biết, đơn vị phá dỡ đã lập để đưa cho Công ty Lê Trực thẩm tra, nhưng hiện Công ty Lê Trực không tổ chức thẩm tra để thống nhất xác định giá trị trả tiền.

Trả lời việc chủ đầu tư mong muốn được cung cấp hồ sơ gốc để thanh toán, ông Đỗ Hà Thanh cho rằng: “Về mặt nguyên tắc thanh toán, không phải gửi hồ sơ gốc cho đơn vị thanh toán mà chỉ cần gửi cho Kho bạc…”.

“Về ý kiến của Sở Xây dựng tại Văn bản số 1728, quận sau đó đã có văn bản, có dự toán được phê duyệt trên cơ sở tham vấn ý kiến của Viện Kinh tế xây dựng và có khái toán để xác định chi phí phá dỡ, vì phải có chi phí phá dỡ đó trình HĐND quận để HĐND thông qua”, ông Đỗ Hà Thanh cho hay.

Để đảm bảo tính xác thực, trước đề nghị quận cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan đến phương án phá dỡ kèm dự toán được đơn vị tư vấn có năng lực lập, thẩm tra và các hồ sơ tài liệu liên quan để nắm rõ, ông Đỗ Hà Thanh cho biết, sẽ giao cán bộ chuyên môn cung cấp hồ sơ. Tuy nhiên, dù đã liên hệ lại nhiều lần, nhưng hiện phóng viên vẫn chưa nhận được hồ sơ tài liệu liên quan từ phía UBND quận Ba Đình.

Công ty Lê Trực phong tỏa 23 tỷ đồng tại Ngân hàng để phục vụ việc chi trả tiền chi phí phá dỡ công trình 8B Lê Trực

Về phía Công ty Lê Trực, đại diện phía Công ty cho biết: Trong suốt quá trình thực hiện phá dỡ giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Công ty đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về việc dừng phá dỡ để lập phương án phá dỡ, dự toán chi tiết, làm cơ sở cho việc thanh toán chi phí phá dỡ sau này.

Theo ông Lê Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lê Trực: “Việc quyết toán chưa thể thực hiện là do phía UBND quận Ba Đình chưa cung cấp được hồ sơ chứng từ gốc liên quan đến phương án phá dỡ kèm dự toán chi tiết và các tài liệu liên quan”.

“Hiện Công ty Lê Trực đã phong tỏa 23 tỷ đồng vào tài khoản Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán chi phí phá dỡ giai đoạn 1 và giai đoạn 2, nhưng do UBND quận Ba Đình chưa cung cấp được đầy đủ hồ sơ nên công ty chưa thể thanh quyết toán”, ông Lê Văn Hùng cho hay.

Ông Lê Văn Hùng cũng cho biết, trước đó, để đảm bảo hoàn trả kịp thời tiền chi phí phá dỡ cho ngân sách, ngày 19/4/2019, Công ty may Lê Trực đã phong tỏa 5.252.731.000 đồng để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán chi phí phá dỡ giai đoạn 1; Ngày 06/11/2020, Công ty đã phong tỏa 15.000.000.000 đồng đảm bảo cho giai đoạn 2; Ngày 18/11/2020, Công ty Lê Trực đã phong tỏa 5.252.731.000 đồng đảm bảo cho giai đoạn 2.

Cần đảm bảo thượng tôn pháp luật

Nhận diện từ góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay: Điều 7, Luật Kế toán số 88/2015/QH13, ngày 20/11/2015 quy định: “Chuẩn mực kế toán gồm những quy định và phương pháp kế toán cơ bản để lập báo cáo tài chính”, tức là khi hạch toán một khoản chi phí phải tuân thủ theo chuẩn mực kế toán tương ứng mà ở đây chi phí được ghi nhận theo Mục 36, 37, 38 của chuẩn mực kế toán số 01. Đối với trường hợp xử lý phần vi phạm công trình 8B Lê Trực, ở đây những chứng từ kế toán gốc làm cơ sở thanh toán là: Quyết định phá dỡ; phương án phá dỡ đính kèm dự toán phá dỡ đã được thẩm tra và cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; hồ sơ nghiệm thu và bảng xác định quyết toán giá trị phá dỡ hoàn thành.

Từ những vấn đề nêu trên, tôi cho rằng, việc thực hiện và thi hành pháp luật là bình đẳng, đối với bất cứ cơ quan tổ chức cá nhân nào đều phải tuân thủ, đặc biệt là cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp càng cần thiết phải nêu gương. Trong vụ việc này tôi cho rằng, UBND quận Ba Đình cũng cần phải thượng tôn pháp luật, làm các trình tự thủ tục theo đúng quy định pháp luật.

“Ở đây không phải chủ đầu tư chây ì, mà họ cần cơ sở pháp lý để thực hiện. Việc này chưa đáp ứng được nên họ yêu cầu cung cấp hồ sơ gốc là chính đáng. Để giải quyết, các bên có thể mời kiểm toán vào hỗ trợ để hoàn thiện các trình tự thủ tục”, luật sư Vi Văn Diện cho hay.

Báo cáo thẩm tra hồ sơ quyết toán chi phí phá dỡ công trình

Cũng theo Luật sư Vi Văn Diện, trình tự thủ tục lập phương án, giải pháp thẩm tra, thẩm duyệt phương án, giải pháp phá dỡ đối với phần vi phạm công trình 8B Lê Trực đã được Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội nêu cụ thể tại Văn bản số 11579/SXD-GĐCL ngày 09/11/2015, các đơn vị liên quan cần thực hiện đúng nội dung hướng dẫn này.

Theo tìm hiểu được biết, mới đây ngày 19/6/2024, Công ty Lê Trực đã có Văn bản số 156 gửi UBND quận Ba Đình và phường Điện Biên báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ quyết toán chi phí phá dỡ công trình số 8B Lê Trực. Trong Văn bản Công ty nêu các tồn tại về hồ sơ quyết toán không hợp lệ và kiến nghị một số nội dung để giải quyết dứt điểm việc thanh toán, quyết toán chi phí phá dỡ để hoàn trả tiền cho ngân sách.

Trong Văn bản số 175 mới đây, Công ty Lê Trực cũng đề nghị UBND quận Ba Đình, phường Điện Biên bàn giao bản gốc hồ sơ quyết toán chi phí phá dỡ giai đoạn 1 và giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực, qua đó Công ty đề nghị các đơn vị khẩn trương cung cấp 13 danh mục hồ sơ, tài liệu để Công ty thẩm tra và thanh toán các chi phí hợp lệ, có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Minh Châu/BXD