18/09/2015

Chủ trương xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh Hà Tĩnh: Cần lấy ý kiến người dân

Hà Tĩnh với tiềm năng phát triển kinh tế hiện đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài. Sự phát triển về đời sống kinh tế – xã hội và thực trạng về những công sở xuống cấp đang đặt ra nhu cầu cần thiết về một Trung tâm hành chính (TTHC) để phục vụ các tổ chức và người dân. Tuy nhiên, việc xây dựng cần phải được tiến hành cẩn trọng tránh những sai sót không đáng có.

Xây dựng TTHC là cần thiết

Với những bước đi táo bạo trong việc thay đổi cách quản lý, cơ chế quản trị, những năm qua, Hà Tĩnh đã xây dựng được môi trường tốt, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo động lực phát triển, phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Một trong những yếu tố dẫn tới thành công đó là nhờ những đột phá mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính, cải cách thể chế của tỉnh.

Chủ trương xây dựng TTHC của tỉnh Hà Tĩnh là cần thiết trong giai đoạn tới. Bởi từ nhiều năm nay, UBND, HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vẫn sử dụng chung một trụ sở. Hiện khu vực này quá tải do hàng năm tại đây diễn ra nhiều cuộc họp của các cơ quan, ban, ngành. Ngôi nhà chung này, mặc dù đã qua nhiều lần cải tạo, sửa chữa nhưng hiện tại nhiều hạng mục đã bị hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng, không phù hợp với điều kiện phát triển hiện tại của tỉnh.

Bên cạnh đó, nhiều trụ sở của các sở, ngành nằm rải rác trong các phố cũ đông dân cư, hệ thống hạ tầng kỹ thuật yếu kém, không đồng bộ, giao thông đi lại không thuận tiện gây khó khăn trong giải quyết công việc, liên hệ giao dịch của các tổ chức, cá nhân. Ví như Sở LĐTB&XH, Sở GD&ĐT đã xuống cấp, cũ kỹ lại gần khu dân cư, gần nhà thờ thiên chúa giáo, gần di tích lịch sử đền Võ Miếu nên thường xuyên phải chịu cảnh ồn ào. Tòa nhà liên cơ (đường Nguyễn Thiếp và Phan Đình Phùng) 3 tầng xập xệ nhưng có đến 7 cơ quan hành chính đang “chia sẻ” với nhau từng phòng. Nhà liên cơ (đường Nguyễn Công Trứ và Phan Đình Phùng) tình trạng xuống cấp thấy rõ nhưng hiện vẫn là nơi làm việc của Hội Nhà báo và Hội Văn học nghệ thuật. Nhà liên cơ (số 98 Phan Đình Phùng) là trụ sở cũ của BCH Quân sự tỉnh bây giờ được tận dụng lại cho Tỉnh Đoàn và Hội LHPN và một số tổ chức xã hội khác…

Nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng không bảo đảm an toàn như Sở Xây dựng, Sở GTVT (đang sửa chữa, nâng cấp), Sở TT&TT… Phòng làm việc của cán bộ, công chức nhiều sở thiếu diện tích, không phù hợp với tiêu chuẩn quy định; hàng năm lại phải bố trí kinh phí để sửa chữa, cải tạo tốn kém ngân sách. Các sở, ngành ở khá xa nhau và tách biệt khiến việc giao dịch của các tổ chức, cá nhân gặp nhiều khó khăn…

Phải xuất phát từ nhu cầu phục vụ người dân

Dự án TTHC dự kiến thực hiện trên khu vực có diện tích 46ha, trong đó nhà TTHC là 10ha, 36ha còn lại quy hoạch các khu chức năng đô thị. Với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Trước mắt Hà Tĩnh muốn triển khai giai đoạn 1 gồm hạ tầng kỹ thuật và tòa nhà cao tầng thứ nhất bố trí chỗ làm việc cho 8 – 10 sở, ngành, với số vốn là 800 tỷ đồng (dự kiến hoàn thành công trình vào năm 2017). Nguồn vốn thực hiện dự án này sẽ từ ngân sách tỉnh, nguồn vốn từ bán đấu giá đất trong 36ha (phần ngoài 10ha xây dựng TTHC), nguồn vốn thu được từ việc bán các trụ sở sẽ chuyển đi và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tại cuộc họp ngày 09/8 nghe báo cáo Quy hoạch phân khu đô thị Hàm Nghi và TTHC tỉnh Hà Tĩnh tỷ lệ 1/2000, ông Lê Đình Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “TTHC là công trình quan trọng, là điểm nhấn kiến trúc, ảnh hưởng trực tiếp đến hình thái đô thị TP Hà Tĩnh. Vì vậy cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng từ khâu lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, lựa chọn đơn vị tư vấn, thi tuyển kiến trúc… đến việc lựa chọn mô hình quản lý, chủ đầu tư và triển khai thực hiện cụ thể; cần phân kỳ đầu tư bảo đảm phù hợp với nguồn lực tài chính của tỉnh, có tính chiến lược lâu dài, phù hợp với Quy hoạch phát triển chung đô thị TP Hà Tĩnh trong tương lai”.

Để đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc xây dựng TTHC, ngoài việc tỉnh cần có quy hoạch tổng thể, thì việc lấy ý kiến rộng rãi về định hướng đầu tư và quy hoạch của người dân là hoàn toàn cần thiết. Người dân chính là đối tượng sử dụng dịch vụ hành chính công. Bộ máy hành chính Nhà nước là để phục vụ nhân dân. Nếu người dân được tham gia ý kiến sẽ rất tốt, đảm bảo cơ sở về quy hoạch: Có cần xây dựng TTHC hay không? TTHC sẽ tập trung tất cả các sở, ban, ngành vào đó cho thuận tiện hay chỉ dành cho một số sở, ngành chính? Xử lý trụ sở cũ như thế nào?…

Xây dựng TTHC là rất cần thiết, bởi nó phù hợp với một nền hành chính hiện đại, dân chủ và cởi mở. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần nghiên cứu để tìm ra một mô hình TTHC phù hợp với khả năng và sự phát triển của đất nước và từng địa phương. Với Hà Tĩnh, cần đánh giá kỹ việc khai thác, sử dụng các công trình công sở hiện tại, nguồn kinh phí đầu tư phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh, “rút kinh nghiệm” để không vấp phải những nhược điểm mà các TTHC như các tỉnh thành khác đang gặp phải…

Theo Báo Xây dựng