15/10/2015

Chú trọng giảm thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng

Ngày 14/10/2015, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy chủ trì hội thảo Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (viết tắt là NAMA) trong lĩnh vực sản xuất xi măng tại Việt Nam. Dự hội thảo có bà Martina Jargerhorn – Giám đốc khu vực, Quỹ Phát triển Bắc Âu (NDF), ông Morten Pedersen – Cố vấn trưởng Dự án Xây dựng năng lực và hỗ trợ xây dựng Kế hoạch hành động giảm nhẹ khí phát thải nhà kính trong lĩnh vực sản xuất xi măng tại Việt Nam, đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công thương, lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cùng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội thảo.

Dự án Xây dựng năng lực và hỗ trợ xây dựng Kế hoạch hành động giảm nhẹ khí phát thải nhà kính trong lĩnh vực sản xuất xi măng tại Việt Nam (viết tắt là Dự án) do NDF tài trợ, thực hiện trong thời gian 2 năm. Đến nay Dự án đã chuyển từ giai đoạn thiết kế sang giai đoạn tham vấn.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp sản xuất xi măng ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, đây là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải nhiều khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường. Ước tính, công nghiệp sản xuất xi măng ở Việt Nam phát thải khoảng 55,6 triệu tấn CO2 quy đổi vào năm 2014, con số này sẽ tăng lên thành 65 triệu tấn vào năm 2015.

Sản lượng xi măng tuy được sản xuất ở từng quốc gia, song lại có ảnh hưởng rất lớn đến toàn cầu tiêu tốn nhiều năng lượng cũng như phát thải nhiều khí nhà kính. Trong quá trình sản xuất xi măng, khí CO2 được tạo ra khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí ga cũng như khi nung đá vôi hay sử dụng điện năng từ lưới điện quốc gia. Do đó việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất xi măng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới.

Các đại biểu dự hội thảo.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết: Trong khuôn khổ Dự án, các chuyên gia đã tiến hành khảo sát thu thập dữ liệu, đánh giá tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính tại các nhà máy sản xuất xi măng, xây dựng đường phát thải cơ sở, xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (viết tắt là MRV) theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời đánh giá chi phí, rào cản và các giải pháp về chính sách để xây dựng Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (viết tắt là NAMA) trong lĩnh vực sản xuất xi măng tại Việt Nam.

Bà Martina Jargerhorn nhận định: Với việc thúc đẩy thực hiện Dự án, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ đóng vai trò hình mẫu điển hình về giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất xi măng để các nước trên thế giới học tập. Nhờ đó, Việt Nam sẽ tăng cường sức hút đầu tư từ nước ngoài vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Việt Nam là thành viên của Công ước khung về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, việc thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng sẽ góp phần thực hiện trách nhiệm của quốc gia trong nỗ lực chung chống hiện tượng nóng lên toàn cầu và gián tiếp giảm tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu tới Việt Nam.
Theo Moc.gov.vn