Chủ tịch VNREA kiến nghị hoàn thiện 6 chính sách phát triển Condotel tại Việt Nam
Tại Hội thảo “Condotel – Thực tế, triển vọng và giải pháp” diễn ra chiều ngày 16/3 tại FLC Quy Nhơn với sự tham gia lần đầu tiên của bốn bộ, ngành cùng các chuyên gia kinh tế và đại diện lãnh đạo gần một nghìn doanh nghiệp xây dựng, BĐS. Ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam đã kiến nghị 6 chinh sách về chính sách đầu tư kinh doanh BĐS du lịch đặc biệt là phân khúc căn hộ khách sạn Condotel.
Ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị 6 chính sách để phát triển condotel tại Việt Nam
Theo ông Nguyễn Trần Nam, một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017 chính là du lịch. Một trong những cú hích lớn cho du lịch Việt Nam là vào đầu tháng 01/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; …có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; thu hút được 17 – 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm…
Tiếp đó vào giữa tháng 6, Luật Du lịch 2017 đã được Quốc hội thông qua và gần đây nhất, ngày 06/10/2017, Chính phủ đã có Nghị quyết số 103/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, đề ra các giải pháp, nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết 08-NQ/TW.
Theo số liệu của Tổng Cục du lịch, đến cuối năm 2016, mới có 420.000 buồng phòng tại các cơ sở lưu trú. Từ các số liệu của ngành du lịch Việt Nam năm 2017 và các mục tiêu theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2013 có thể nói, thực tế hoạt động du lịch của cả nước chỉ tính đến năm 2017 đã đạt xấp xỉ, thậm chí có những con số như số du khách nội địa đã vượt qua mốc năm 2025. Bên cạnh đó, hệ số sử dụng phòng khách sạn tại Hà Nội, TP.HCM và các khu du lịch nghỉ dưỡng đạt mức cao (trên 90%), việc đặt phòng vào các dịp nghỉ lễ rất khó khăn. Như vậy, cần phải tập trung thu hút đầu tư, xây dựng hàng trăm ngàn buồng phòng nữa để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong thời gian tới.
Condotel (căn hộ du lịch), vila resort (biệt thự du lịch) là loại hình BĐS mới xuất hiện tại Việt Nam vài năm gần đây. Sự xuất hiện của mô hình condotel/resort tại Việt Nam đã tạo nên một xu hướng đầu tư mới. Thực tế thời gian qua đã chứng kiến điều đó: năm 2017 thị trường BĐS nghỉ dưỡng chỉ riêng tại một số thị trường chủ đạo Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Thuận, Quảng Ninh… đã có tới hơn 22.800 căn hộ du lịch được chào bán, với số giao dịch thành công là hơn 12.500.
Luật Du lịch 2017 đã quy định Căn hộ du lịch/Biệt thự du lịch là cơ sở lưu trú du lịch (Điều 48), như vậy có thể khẳng định Căn hộ du lịch /Biệt thự du lịch đã được pháp luật thừa nhận và được điều tiết bởi Luật Du lịch. Tuy nhiên, do đây là loại hình bất động sản mới, chưa được điều chỉnh tại các pháp luật có liên quan, vì vậy gây nhiều khó khăn trong việc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân cũng như doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội bất động sản Việt Nam kiến nghị các nội dung chính, cần phải giải quyết sớm trong thời gian tới, cụ thể là những vấn đề sau: Thứ nhất, về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn hộ/biệt thự du lịch cho khách hàng.
Về nguyên tắc, bên mua nhà, công trình xây dựng, các căn hộ, phần diện tích trong nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (khoản 3 Điều 19 Luật Kinh doanh BĐS). Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết người mua condotel đều gặp khó khăn trong việc xin cấp Giấy chứng nhận vì pháp luật chưa có cơ chế rõ ràng cho vấn đề này. Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người có tài sản, giúp chủ sở hữu căn hộ tiếp cận được dễ dàng hơn với các nguồn tín dụng khi đầu tư căn hộ trong Dự án cũng như làm tăng tính thanh khoản của sản phẩm vì chỉ khi có Giấy chứng nhận chủ sở hữu căn hộ mới có thể thế chấp chính căn hộ tài sản hợp pháp của mình, để vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các Bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn cụ thể về việc cấp Giấy chứng nhận cho loại hình BĐS này theo hướng cá nhân, tổ chức có thể mua căn hộ condotel (không phải dưới dạng chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án) và được cấp Giấy chứng nhận, dù Dự án Condotel đó được xây dựng trên đất thương mại dịch vụ hay đất ở không hình thành đơn vị ở.
Thứ hai, về thời hạn sở hữu: Thực tế, đa số khách hàng khi mua BĐS nói chung và BĐS nghỉ dưỡng nói riêng đều có mong muốn được sở hữu lâu dài, vừa cho mục đích kinh doanh khai thác hiện tại, vừa là một tài sản để lại cho con cháu sau này. Về mặt chính sách, pháp luật, một số các địa phương có dự án BĐS nghỉ dưỡng phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua là Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ thành đất ở không hình thành đơn vị ở (áp dụng đối với các biệt thự nghỉ dưỡng), qua đó tạo cơ sở để người mua BĐS nghỉ dưỡng tại các trọng điểm du lịch này được sở hữu lâu dài.
Đề nghị sửa đổi bổ sung Luật đất đai theo hướng: Đối với các loại bất động sản du lịch được đầu tư xây dựng trên đất ở, thì Chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người nhận quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lâu dài.
Đối với các loại bất động sản du lịch được đầu tư xây dựng trên đất thương mại dịch vụ: Thời hạn sử dụng đất của dự án là 50-70 năm theo quy định, Chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong thời hạn dự án. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung thêm nội dung theo hướng khi hết thời hạn sử dụng đất của dự án, nếu có nhu cầu thì được xem xét, gia hạn.
Thứ ba, về chuyển nhượng Hợp đồng mua bán: Pháp luật kinh doanh BĐS mới chỉ quy định chi tiết đối với trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà mà chưa có quy định về việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán công trình xây dựng (không phải nhà ở) hình thành trong tương lai.
Đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp các cơ quan liên quan trình cấp thẩm quyền quy định chi tiết về việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán công trình (không phải là nhà ở) hình thành trong tương lai, nhằm tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và khách hàng khi có nhu cầu.
Dự án Condotel Arena đang được phát triển tại Nha Trang
Thứ tư, về Hợp đồng Mẫu (hợp tác kinh doanh) và chế tài: Đối với các bất động sản du lịch, thường người dân sau khi mua sẽ ký hợp đồng hợp tác kinh doanh theo hình thức time-share với Chủ đầu tư. Việc này dẫn đến nhu cầu cần phải có Hợp đồng Mẫu cho các bên tham khảo, đồng thời bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia, đặc biệt là người dân. Ngoài ra cũng cần phải quy định các chế tài cụ thể trong việc thực hiện các quy định của Hợp đồng này, ví dụ như việc hiện nay rất nhiều Chủ đầu tư cam kết lợi nhuận cho các nhà đầu tư là 10-15%/năm sẽ đặt ra vấn đề nếu Chủ đầu tư không thực hiện được cam kết này, thì chế tài xử lý là thế nào?
Thứ năm, về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng: Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch đã quy định Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với căn hộ du lịch và biệt thự du lịch. Tuy nhiên đây mới là những quy định tối thiểu về tiện nghi.
Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị: Đối với các bất động sản du lịch nằm trong tòa nhà hỗn hợp, trong dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới thì phải đáp ứng quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như đối với nhà ở; Đối với các bất động sản du lịch nằm trong các dự án khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng thì không được sử dụng và mục đích ở lâu dài và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về hạ tầng chung như đối với công trình khách sạn.
Thứ sáu, về vấn đề sở hữu Condotel của cá nhân nước ngoài: Khoản 2 Điều 14 Luật Kinh doanh BĐS quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng để sử dụng làm văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo đúng công năng sử dụng của nhà, công trình xây dựng đó”. Trong khi đó, Luật nhà ở cho phép cá nhân người nước ngoài được mua căn hộ nhà ở và đất nền trong dự án có thời hạn 50 năm và có thể được gia hạn. Như vậy, trường hợp đối với loại hình BĐS Condotel vừa là căn hộ, vừa là khách sạn, việc áp dụng các quy định của pháp luật về BĐS cho loại hình này đối với cá nhân là người nước ngoài không rõ.
Đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp các cơ quan liên quan trình cấp thẩm quyền sửa đổi quy định này theo hướng cho phép cá nhân nước ngoài được mua Condotel để đầu tư kinh doanh và, vì mục đích quản lý, có thể quy định các hạn chế đối với cá nhân nước ngoài khi sở hữu Condotel tương tự như đối với nhà ở như: hạn chế số căn được sở hữu trong một khu vực, hạn chế về thời hạn sở hữu nhằm mở ra cơ hội thu hút dòng tiền đầu tư rất tiềm năng về cho đất nước…
Ninh Nhi/BXD