08/05/2019

Chồng chéo vai trò giữa nhiều bộ, ngành trong quản lý chất thải rắn

Tại hội thảo quản lý nhà nước về chất thải rắn do Bộ TN-MT tổ chức ngày 8/5, nhiều bất cập trong quản lý chất thải rắn được chỉ ra, đáng chú ý là sự chồng chéo vai trò giữa các bộ, ngành. 
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) Võ Tuấn Nhân cho biết, quản lý chất thải rắn là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Mặc dù tỷ lệ thu gom chất thải rắn vẫn tăng hàng năm, nhưng do lượng chất thải rắn phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao, nên tỷ lệ thu gom vẫn chưa đạt yêu cầu. Công tác quản lý chất thải rắn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên nhiều địa phương.
Nhiều bất cập trong quản lý chất thải rắn được nêu ra tại hội thảo ẢNH LÊ QUÂN

Nhiều bất cập trong quản lý chất thải rắn được nêu ra tại hội thảo
ẢNH LÊ QUÂN

Theo Thứ trưởng Nhân, cần xây dựng được mô hình quản lý thống nhất về chất thải rắn, cũng như các giải pháp quản lý, công nghệ xử lý chất thải rắn, nhằm kiểm soát, giải quyết có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn được nhiều tổ chức, cá nhân và xã hội mong đợi.
Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 09 ngày 3.2.2019 giao Bộ TN-MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; giao chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), hiện nay trách nhiệm quản lý nhà nước về chất thải nguy hại đã được giao thống nhất một đầu mối quản lý là Bộ TN-MT, tạo nhiều thuận lợi, nhưng với các loại chất thải rắn khác, đang có sự tham gia quản lý của nhiều bộ, cơ quan liên quan, chưa thống nhất được cơ chế quản lý.
Hiện còn chồng chéo vai trò quản lý giữa các bộ, ngành đối với chất thải rắn, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt ẢNH LÊ QUÂN

Hiện còn chồng chéo vai trò quản lý giữa các bộ, ngành đối với chất thải rắn, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt
ẢNH LÊ QUÂN

Dù nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý về chất thải rắn, nhưng thực tế, vẫn thiếu các quy định về cơ chế phối hợp với Bộ TN-MT trong việc ban hành các quy định này để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về quản lý chất thải rắn, đặc biệt sau khi luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định hình thức thông tư liên tịch.
Ngoài ra, theo ông Thịnh, các quy định của pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch về quản lý chất thải rắn đối với các bộ liên quan như Y tế, NN-PTNT, KH-CN, GTVT, Công thương, mà chủ yếu các bộ, ngành thực hiện các hoạt động này căn cứ theo phạm vi, lĩnh vực quản lý của ngành…
Đáng chú ý, tại điều 159 luật Bảo vệ môi trường quy định, Bộ trưởng Bộ TN-MT tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với cơ sở, dự án, công trình thuộc phạm vi bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn…
Tuy nhiên, trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đều quy định các bộ quản lý ngành có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra về các nội dung thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực. Vì vậy, theo ông Thịnh, cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ trong quản lý chất thải rắn, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về quản lý chất thải rắn.
Hiện, Bộ TN-MT đã rà soát các văn bản quy định pháp luật liên quan đến quản lý chất thải rắn, để trình Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án tổng thể về quản lý về loại chất thải này.
Lê Quân/Báo Thanh niên