25/03/2016

Chọn hình thái đô thị nào cho Cần Thơ?

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Trong kế hoạch phát triển đô thị Cần Thơ bền vững và bản sắc, biến đổi khí hậu (BĐKH) cần được tính đến như là một nhân tố chính có tác động nhiều mặt đến hiệu quả trong chương trình hành động và công tác quy hoạch phát triển đô thị chung. Bên cạnh các giải pháp đồng bộ, thực tiễn, Cần Thơ liệu có nên phát triển theo hình thái “đô thị nén” hay không?

1_428188

Hiện trạng tác động BĐKH với các đô thị ở nước ta
Trong những năm gần đây, BĐKH đang trở thành một vấn đề mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải nhìn nhận và đề xuất các chiến lược hành động để ứng phó theo các kịch bản và kế hoạch cả ngắn và dài hạn. Là một trong các quốc gia có vị trí địa lý, đặc điểm địa hình đặc thù, đường bờ biển chạy dài nên Việt Nam và vùng ĐBSCL là một trong những địa điểm sẽ chịu nhiều tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Nằm trong chương trình hành động quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, ngày 20/3/2014, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã đề xuất 3 kịch bản diễn biến tác động của BĐKH cho Việt Nam vào cuối thế kỷ 21, trong đó ưu tiên chọn lựa kịch bản trung bình. Theo đó, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam sẽ tăng từ 2 – 3 độ C, trong khi lượng mưa sẽ tăng từ 5 – 10%, mực nước biển sẽ tăng thêm 75cm so với trung bình của giai đoạn 1989 -1990. Cũng cần tính đến tình trạng khí hậu cực đoan (mưa bão, lũ lụt, hạn hán, nắng nóng v.v…) sẽ xuất hiện với tần xuất nhiều và phạm vi vùng ảnh hưởng rộng.
Đối với các đô thị Việt Nam tác động của BĐKH làm tăng thêm mức độ gây tổn thương của các thiên tai có tính thường xuyên như mưa bão, lũ lụt, hạn hán. Nước biển dâng ngoài việc gây ra tình trạng ngập lụt còn làm nhiễm mặn nguồn nước ở các đô thị ven biển hay chịu ảnh hướng của biển, làm trầm trọng thêm chế độ thủy triều gây nhập úng tại một số đô thị có cao trình thấp (như Hải Phòng, TP.HCM, Cà Mau, Cần Thơ v.v…) gây khó khăn cho việc việc vận hành hệ thống thoát nước và tiêu úng của nhiều đô thị.
Là khu vực lãnh thổ có điều kiện vị trí và địa hình rất đặc thù khu vực châu thổ sông Mê Kông, trong đó có ĐBSCL ở nước ta, khi mực nước biển dâng bị bao phủ hơn 1m nước mặn, có tới 20.000km2 của lưu vực ĐBSCL sẽ ngập chìm trong nước biển, các đô thị nằm trong khu vực đồng bằng châu thổ có nguy cơ bị đe dọa trực tiếp lớn nhất và thường xuyên nhất là triều cường và lụt ngập. Nếu nước biển dâng từ 73cm – 100cm vào năm 2100 (năm cuối thế kỷ 21) sẽ có 39% diện tích đất đai ngập lụt, 35% dân số chịu ảnh hưởng xấu do thời tiết phức tạp, ngày một cực đoan hơn, không theo qui luật thông thường.
Với riêng đô thị Cần Thơ, có 2 yếu tố tác động chính của biến đổi khí hậu tới đô thị là: phòng tránh lũ vào mùa mưa và cung cấp nước ngọt cùng với phòng chống xâm nhập mặn vào mùa khô. Việc chống lại tác động của biến đổi khí hậu càng khó khăn phức tạp hơn khi mạch nước ngầm của khu vực ĐBSCL nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng đang ngày càng bị cạn kiệt. Hàng năm mực nước ngầm tiếp tục suy giảm do lưu lượng sử dụng nhiều hơn lưu lượng được bổ cập, điều này đòi hỏi chiến lược sử dụng và bổ sung nước ngầm cũng như việc dự trữ nước ngọt trở thành chìa khóa cho sự phát triển của Cần Thơ. Mặt khác, chính sự khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức là một trong những nguyên nhân gây lún tự nhiên của toàn bộ ĐBSCL nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng làm cho thành phố có nguy cơ ngày càng bị ngập sâu hơn.
Để phòng chống lũ và xâm nhập mặn, có ý tưởng cho rằng có thể sống chung với lũ như hàng trăm năm nay. Nhưng như vậy là quên rằng lũ trước nay, hay còn gọi là nước nổi chỉ xuất hiện theo mùa, kéo dài chỉ 3 tháng và là nước ngọt đem phù sa và màu mỡ cho khu vực. Còn nước lũ do biến đổi khí hậu thì sẽ ngày càng kéo dài hơn và càng cao lên vào mùa mưa và mùa khô có khả năng là nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền. Điều đó cho thấy vào cả mùa khô và mùa mưa tác động của BĐKH đều gây khó khăn trầm trọng trong sản xuất và sinh hoạt. Như vậy, ngay bây giờ chúng ta cần có giải pháp rõ ràng và hiệu quả hơn trong việc ứng phó các tác hại của BĐKH.
Ngoài ra thành phố còn phải chịu áp lực di cư lớn của người “tị nạn khí hậu” từ các khu vực xung quanh, đồng thời ngập lụt cũng hạn chế dần quỹ đất cho sự tăng dân số đó. Do vậy cần có cấu trúc đô thị phù hợp và lồng ghép ngay vấn đề BĐKH đặc biệt là vấn đề ngập lụt vào các quy hoạch, kế hoạch đầu tư trong cả khu vực công và tư, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Phát triển bền vững là điểm kết thúc của quy hoạch và quản lý đơn ngành và mở đường cho cách quy hoạch và quản lý nghiên cứu đa ngành, thậm chí xuyên ngành và quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng là để thích ứng với quá trình BĐKH.
Xây dựng tầm nhìn quy hoạch dài hạn

Địa danh Cần Thơ có xuất xứ từ cái tên “Cầm thi giang” (sông, thơ, đàn) cho thấy đây là vùng “văn hóa sông nước”. Nét độc đáo tự nhiên và kiến trúc đô thị Cần Thơ là mạng lưới kênh rạch. Kênh rạch cũng là “đường phố”, mang vẻ đẹp của một đô thị lớn đã từng được mệnh danh là Tây Đô. Cần Thơ ngày nay với vị trí là thành phố cửa ngõ hạ lưu sông Mekong, hiện là đô thị loại 1, giữ vai trò là trung tâm và động lực của ĐBSCL. Trải dài 65km bên bờ sông Mekong huyền thoại, Cần Thơ được ví như “đô thị miền sông nước” với hệ thống sông ngòi chằng chịt, các cù lao ăn trái bạt ngàn, đồng ruộng mênh mông cũng có thể gọi là “đô thị miệt vườn xanh”.
Thành phố Cần Thơ là đô thị trung tâm cấp quốc gia ở ĐBSCL. Theo tổng kết của Ủy ban kinh tế xã hội châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP), đây là trung tâm vùng đô thị lớn, bán kính ảnh hưởng tới 50km bao gồm cả An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang. Về tiềm năng phát triển, Cần Thơ còn là trung tâm vùng đô thị cực lớn với bán kính khoảng 150km của ĐBSCL bao gồm 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, là đô thị đầu mối giao thông đối ngoại đường thủy (sông Hậu, sông Cần Thơ), đường bộ (quốc lộ 1, quốc lộ 9 đi PhnomPheng, đường xuyên Á), đường hàng không quốc nội và quốc tế sân bay Cần Thơ (phát triền từ sân bay Trà Nóc trước đây), có cảng lớn nhất đồng bằng Sông Cửu Long và là cửa ngõ trên vùng sông MeKong hướng ra biển Đông.
Với các tiềm năng và thế mạnh, đô thị Cần Thơ là một trung tâm và động lực của đồng bằng sông Cửu Long về kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản) tài chính thương mại – dịch vụ, văn hóa, y tế (bệnh viện chuyên khoa), thể dục thể thao (các trung tâm huấn luyện, thi đấu), giáo dục (các trường đại học cao đẳng và dạy nghề ,đào tạo cấp quốc gia) và khoa học – công nghệ (công nghệ sinh học, công nghệ cao phục vụ phát triển nông nghiệp). Thành phố cần tạo ra một trung tâm lực hút về các mặt, giảm sức ép dân số, giảm bớt sự tập trung quá cao, không hợp lý, không kinh tế vào TP. HCM.
Cần xây dựng kịch bản (scenario) và tầm nhìn (vision) quy hoạch dài hạn để thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển đô thị Cần Thơ trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đã xác định để “Cần Thơ là thành phố giàu tiềm năng, có lịch sử hình thành khá lâu đời, giữ vai trò quan trọng cả về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh là động lực phát triển đồng bằng sông Cửu Long”, thích ứng BĐKH.
Nếu như “kịch bản” cho phép, chúng ta nhận biết được bối cảnh mà trong đó quy hoạch được thiết lập và thực thi thì “tầm nhìn” là những mong ước mà chúng ta muốn đạt được thông qua quy hoạch và quá trình thực hiện quy hoạch, “tầm nhìn” mang tính khái quát hơn.
Quy hoạch đô thị chống ngập lụt
Có thể nói, tác động của BĐKH bao gồm đặc biệt là lượng mưa bình quân cao, mực nước biển dâng… thường gây ra tình trạng ngập lụt đô thị. Do vậy, đòi hỏi trước tiên phải có “Quy hoạch đô thị chống nhập lụt thích ứng với BĐKH” và coi đó là trọng tâm. Quy hoạch đô thị chống ngập lụt thích ứng với BĐKH là sự “tích hợp” giữa “quy hoạch đô thị” và “các chiến lược chống gập lụt thích ứng với BĐKH”. Đây là một “giải pháp phi công trình” quan trọng cần được quan tâm.
Chiến lược thích ứng với BĐKH là chiến lược quản lý rủi ro thảm họa do BĐKH gây ra, trong đó, đặc biệt là chiến lược chống ngập lụt đô thị. Chiến lược chống ngập lụt đô thị thích ứng với BĐKH bao gồm cả “giải pháp phi công trình” và “giải pháp công trình”, trong đó cần tập trung vào những giải pháp phi công trình.
Quy hoạch “tích tụ dân cư” theo “mô hình đô thị phân tán” và “hình thái đô thị nén”. Quy hoạch đô thị về bản chất là “quy hoạch phân bố dân cư”, do vậy “quy hoạch đô thị chống ngập lụt để thích ứng với BĐKH” nên “quy hoạch tích tụ dân cư ” theo “mô hình đô thị phân tán” với “hình thái đô thị nén” vào những “khu đất ít bị tổn hại”, gắn với đầu mối giao thông công cộng theo phương pháp “quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng” TOD (Transit Oriented Develoment) để vừa giảm ùn tắc giao thông vừa “dành không gian cho nước”.
Theo các nghiên cứu và đề xuất của tổ chức Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, với nguy cơ BĐKH thì Việt Nam nên chuyển hướng phát triển thành phố nhỏ gọn, mật độ cao, tiết kiệm năng lượng mà vẫn đảm bảo nhu cầu ở và việc làm cho mọi người. Hình thái “đô thị nén”,“thành phố nhỏ gọn”, “tăng trưởng thông minh” (compact city, urban intensification, smart growth) là mật độ cao, sử dụng hỗn hợp đất đai, khuyến khích người đi bộ và xe đạp, chú trọng giao thông công cộng. Đó là phương pháp tiếp cận đương đại đang phát triển trên thế giới theo hướng xây dựng không gian sống tốt thân thiện với người dân, đó là phương pháp tiếp cận 3Ds: Mật độ – Đa dạng – Thiết kế (Density- Diversity – Design) trong quy hoạch đô thị.
Từ chính các kinh nghiệm và bài học thực tiễn, quy hoạch chung xây dựng TP.Cần Thơ thay vì tập trung một đô thị trung tâm như hiện nay nằm ở quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy, Cần Thơ sẽ theo mô hình đô thị “đa trung tâm”. Ngoài trung tâm hiện nay, sẽ có thêm 5 đô thị khu vực gồm: khu đô thị công nghiệp Cái Răng, khu đô thị công nghiệp Trà Nóc, khu đô thị sinh thái Phong Điền, khu đô thị mới Ô Môn.
Quy hoạch “dành không gian cho nước”
Quy hoạch “dành không gian cho nước” đã rất có hiệu quả tại nhiều nước như Ấn Độ, Hoa Kỳ, New Zealand, Nhật Bản và đặc biệt là Hà Lan. Thay vì xây dựng các rào cản kỹ thuật để chống chọi với nước lũ, họ có các giải pháp tạo nhiều không gian cho nước, để nước xâm nhập vào các đô thị theo cách có thể kiểm soát được, qua đó giúp cải thiện khí hậu, cảnh quan, chất lượng nước, và đặc biệt là giảm được chi phí xây dựng các công trình ngăn lũ và thoát nước.
Quy hoạch “dành không gian cho nước” không cho phép chúng ta can thiệp một cách thô bạo vào quy luật tự nhiên, phải dành không gian cho nước “sống” và có sự kiểm soát chủ động của con người. Quy hoạch dành không gian cho nước đòi hỏi có tính khoa học và sự phối hợp đa ngành. “Quy hoạch đô thị phải dựa trên quy hoạch nước”, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch lưu lượng các dòng chảy, thoát lũ, chỗ lên xuống của thủy triều. Ngoài các khu vực chứa thoát nước tự nhiên thì ở một số đô thị cũng cần có hồ nhân tạo làm túi chứa nước khi triều cường mưa to hay lũ. Hồ này cần có đủ năng lực dung nạp nước để chúng không làm ảnh hưởng đến đô thị. Khi đến mùa khô hạn thì chính các hồ này sẽ cung cấp nước ngược trở lại cho môi trường sinh thái luôn ổn định.
Quy hoạch “dành không gian cho nước” là giải pháp “phi công trình”. Việt Nam còn có nhiều khó khăn về các nguồn lực, vì vậy cần tập trung nhiều hơn vào các giải pháp phi công trình.
TP.Cần Thơ đã quy hoạch theo hướng bảo tồn cấu trúc hệ thống mặt nước, không gian mở có khả năng chứa nước, thoát lũ theo tiêu chí thích ứng với BĐKH và nước biển dâng. Các thành phần trong cấu trúc đô thị này là tập hợp khu đô thị, dịch vụ, thương mại du lịch sinh thái xen cài với các khu vực cảnh quan sông nước tự nhiên, vùng chức năng, thoát nước tự nhiên và vùng nông nghiệp kỹ thuật cao.
Quy hoạch đô thị chứa đựng nhu cầu không gian của giải pháp công trình
Để ứng phó với BĐKH không phải là trường hợp nào cũng sử dụng giải pháp phi công trình, có một số trường hợp vẫn phải sử dụng giải pháp công trình, trong trường hợp này cần đi tìm những lựa chọn “ít hối tiếc”. Thành phố Cần Thơ đang có kế hoạch xây dựng hệ thống đê quanh thành phố vì nếu không xây, tình trạng ngập lụt sẽ còn tệ hơn bây giờ rất nhiều. Chính quyền đã đưa ra kế hoạch độ cao nhất định là 2,4m cao hơn mực nước biển. Mặt khác, theo Ngân hàng Thế giới WB thì độ cao đê phải ở mức 2,7m. 2,4m và 2,7m không khác nhau mấy nhưng về mặt chi phí thì rất nhiều. Thiết kế của WB dù đắt hơn nhưng nó có thể duy trì lâu hơn, có thể 20 – 30 năm mà không có vấn đề gì khi BĐKH xảy ra theo kịch bản dự đóan hiện nay. Nên thay vì chọn một trong hai dự án, có thể xây 2,5m hay 2,6m, xây theo kiểu 15 – 20 năm nữa nếu BĐKH khắc nghiệt hơn dự đoán, chúng ta có thể xây nâng cấp. Đây là cách thích ứng theo kiều “ít hối tiếc”.
Quy hoạch nâng cấp đô thị để công bằng về không gian cho người nghèo đô thị
Theo Willian S.W Lim: “Sự công bằng về không gian có nghĩa là tiếp tục nâng cao môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cà các công dân bao gồm cả hàng triệu người nông thôn di cư vào thành phố. Điều đó bao gồm việc cung cấp cho tất cả có nhà có thể ở được, và hệ thống giao thông, công viên công cộng, không gian cây xanh, chỗ nghỉ ngơi – giải trí và các phương tiện y tế giáo dục”. Có thể nói, đi đôi với công bằng xã hội còn có công bằng về không gian và môi trường.
Thành phố Cần Thơ đang có dự án “Nâng cấp đô thị” các khu đô thị nghèo để có được sự công bằng về không gian do Ngân hàng Thế giới WB tài trợ. Sự công bằng về không gian có nghĩa là tiếp tục nâng cấp môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo đô thị. Điều dó bao gồm việc nâng cấp nhà ở, hệ thống giao thông, công viên công cộng, không gian cây xanh, chỗ nghỉ ngơi giải trí, các phương tiện y tế giáo dục, an toàn và quyền đại diện của người nghèo. Hướng đến đáp ứng chỉ số nghèo đa chiều (MPI) không đơn thuần chỉ có chỉ tiêu thu nhập tính trên đầu người. Theo Chương trình liên hợp quốc về phát triển (UNDP) giảm đói nghèo cũng là cách ứng phó với BĐKH và đây là cách tiếp cận “không hối tiếc”, nhất là đối với người “tỵ nạn khí hậu” trong tương lai.
Quy hoạch thành phố “sông nước – miệt vườn xanh” để giữ gìn bản sắc
Thành phố Cần Thơ nằm bên dòng sông Hậu, từ đây tỏa vào thành phố nhiều sông rạch như: sông Cần Thơ, rạch Cái Khế, rạch Bình Thủy, rạch Trà Nóc v.v..
Quy hoạch Cần Thơ ngoài các miệt vườn xanh, dự kiến xây dựng hành lang xanh kết hợp với mặt nước, ven sông Hậu nối với trung tâm thành phố tới Ô Môn và Thốt Nốt. Tuy nhiên, cũng không nên qúa liên tục để phải giải tỏa nhiều nhà dân, mặt khác cần trồng cây xanh dọc theo các sông rạch trong thành phố, các nêm cây xanh trong các khu dân cư và các khu đô thị mới, đồng thời lập các vành đai xanh ở ven đô, TP. Cần Thơ sẽ là thành phố sông nước, miệt vườn xanh, để thành phố khắc phục được “hiệu ứng đảo nhiệt độ thị” (UHI) nhất là trong giai đọan biến đổi khí hậu (BĐKH) nhiệt độ tăng hiện nay.
Bài toán của Cần Thơ là vừa giữ gìn bản sắc đồng thời thích ứng với BĐKH và nước biển dâng, đó là các giải pháp quy hoạch: Diện mạo của một đô thị sông nước, lịch sử của Cần Thơ và nhiều thành phố khác trong vùng ĐBSCL, cơ bàn là một đô thị sông nước. Ngay trong quá trình hiện đại hóa đô thị, TP.Cần Thơ vẫn được nhận diện nhờ mối quan hệ đặc trưng với sông Hậu với vô số kênh rạch thủy lợi và các cù lao trên sông. Thách thức hiện nay chính là quy hoạch định hướng quá trình đô thị hóa để gắn kết sự phát triển với nền cảnh quan hiện có. Điều quan trọng là các khu đô thị dự kiến không được lan tỏa tự phát để nhập thành một khu đô thị quá lớn và lộn xộn bên sông thiếu bản sắc. TP.Cần Thơ cần có các không gian đô thị nén quy mô nhỏ đan xen với mặt nước và những dải cây xanh. Cần Thơ phải là một đô thị sông nước nhằm cấu trúc lại mối quan hệ của nó với mặt nước để chuyển từ quan điểm thành phố chỉ “nằm trên sông Cần Thơ” thành “thành phố ven sông Hậu”.
Diện mạo một đô thị miệt vườn xanh, miệt vườn cây trái là tài sản lớn cả về bản sắc sinh thái và kinh tế của TP. Cần Thơ, là vườn cây ăn trái gắn liền với mạng lưới đường thủy. Đó chính là những gì đóng vai trò then chốt trong chiến lược xây dựng và bảo tồn cảnh quan của thành phố, góp phần định hình các khu vực cây xanh mặt nước của khu vực. Bố trí lại khu vực Ô Môn để tạo ra các cơ hội cho một vùng cảnh quan vườn cây ăn trái mới dọc sông Hậu. Quy hoạch cũng điều chỉnh hướng tuyến trục đường cao tốc, đường sắt chạy vòng quanh mảng xanh lớn của vườn cây ăn trái ở phía Đông Nam trung tâm thành phố (huyện Phong Điền). Các vườn cây ăn trái ở đây vừa là lá phổi xanh cho Cần Thơ, vừa là mảng xanh bổ sung cho không gian đô thị tại các quận trung tâm thành phố, tạo nên tạo nên một hệ thống “đô thị – thiên nhiên” phong phú.
Quy hoạch phát triển nông nghiệp đô thị
Quan hệ giữa đô thị và nông thôn ngoại thành, quy hoạch nên theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, phát triển nông nghiệp – đô thị, phát triển theo mô hình xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.
Nông nghiệp đô thị là ngành kinh tế trong và ven đô thị, sản xuất, chế biến và cung ứng cho người dân đô thị lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa, sinh vật và thực vật cảnh, dùng phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị, tăng thêm không gian xanh và cơ hội thư dãn cho người dân đô thị. Nông nghiệp đô thị có khả năng cung cấp thực phẩm đảm bảo cho đời sống cư dân đô thị. Nông nghiệp đô thị (urban farming) nếu được hiểu là việc sản xuất trồng trọt chăn nuôi được thực hiện trong phạm vi thành phố; cả nội thành và vùng ven đô (peri-urban farming), từ cách tiếp cận kinh tế và môi trường thì đó là lý do quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp đô thị nhằm góp phần bảo vệ môi trường và thiên nhiên, cung cấp nông nghiệp hữu cơ đối với thị trường thành phố, giảm đường vận chuyển và chi phí vận chuyển. Ngoài ra còn có cả nông nghiệp chiều thắng đứng (vertical farming) là mảng xanh nông nghiệp trên tường nhà và mái nhà. Hiện nay ở phương Tây đã xuất hiện cách tiếp cận nông nghiệp đô thị còn để làm xanh thành phố. Nếu theo chiều hướng này thì TP.Cần Thơ sẽ trở thành ‘thành phố miệt vườn xanh” và mang lại “hiệu quả kinh tế” thiết thực.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn biến phức tạp với cường độ và quy mô rộng khắp. Ảnh hưởng của nó ngày càng rõ rệt và trở thành nhân tố lớn, không thể bỏ qua trong tiến trình phát triển đô thị vùng ĐBSC, nhất là với Cần Thơ – Một đô thị trẻ đang trên đà phát triển./.

Nguyễn Đăng Sơn
Phó Viện trưởng – Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM