04/01/2017

“Chơi chợ” – nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt của người dân Hà Thành

“Chơi chợ” là một nét đẹp trong sinh hoạt ở các khu chợ xưa. Không gian ấy không đơn thuần chỉ là “chợ”, đó còn là nơi “chơi”, nơi giao lưu của mọi tầng lớp nhân dân trong làng, xã. Với sự phát triển ồ ạt của các trung tâm thương mại, siêu thị và thực trạng thu hẹp, xuống cấp dần của các khu chợ truyền thống, văn hóa “chơi chợ” có còn được duy trì và nắm giữ một giá trị sâu sắc? Với đồ án “Chơi chợ”, nhóm sinh viên trường đại học Kiến trúc Hà Nội đã lựa chọn địa điểm thiết kế tại chợ Thành Công (Hà Nội) với mong muốn đưa ra một hình thức chợ mới, phù hợp cách sinh hoạt và lối sống của người dân, duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống.

Ở Kẻ Chợ xưa – Thăng Long, Hà Nội nay chợ luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người dân. Người Hà Nội sẽ chẳng bao giờ quên thú vui chơi chợ hoa ngày Tết, tuổi thơ của những cô cậu bé con cũng sẽ mãi mơ về chợ Trung thu huyền ảo.

Chợ là nơi người ta đến mà có lúc chẳng cần phải mua bán gì, những lúc ấy, chợ chính là nơi gặp gỡ, giao lưu, là nơi giải trí, là một nét văn hóa trong sinh hoạt của người dân Hà Thành.

“Chơi chợ” trong quá khứ

Quá trình nghiên cứu:

Chợ Thành Công nhìn từ trên cao

Khu vực chợ Thành Công nằm trong khu tập thể Thành Công – một khu tập thể lâu đời của Hà Nội. Qua thời gian, cơ sở hạ tầng chung của khu vực bị biến đổi và xuống cấp nghiêm trọng khiến chất lượng cuộc sống của người dân theo đó cũng bị giảm sút. Việc cơi nới các khối nhà kiên cố vào các diện tích công cộng đã làm giảm diện tích các khu vui chơi và cây xanh.

Cơ sở hạ tầng của chợ xuống cấp

Qua khảo sát, nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Hiện trạng xuống cấp như thế nào? Có cải tạo được không? Tương lai của các khu tập thể và công trình xung quanh? Kinh nghiệm từ các đồ án đi trước? Mong muốn của người dân ra sao?

Sinh hoạt của người dân trong chợ

Từ năm 2007, nhiều chợ truyền thống đã nằm trong quá trình chuyển đổi thành mô hình chợ + TTTM. Nhiều khu chợ sầm uất sau khi chuyển đổi nâng cấp thành mô hình mới như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Mơ hay Ô Chợ Dừa đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành, cho thấy sự không phù hợp của mô hình này.

Khu vực chợ truyền thống bị đẩy xuống tầng hầm hoặc bán hầm, không phù hợp với thói quen mua sắm lâu nay. Ngoài ra việc kết hợp khu TTTM và nhà ở phía trên khiến thời gian thi công kéo dài, quy mô lớn, các chi phí cho gian hàng tăng cao tăng thêm gánh nặng cho tiểu thương.

Theo quy chế mới, khu tập thể Thành Công có thể được xây dựng với chiều cao công trình có thể lên tới 24 tầng. Vì vậy công trình xây dựng mới tại đây phải đảm bảo sự hiện đại, hài hòa, mang tính đương đại và định hướng sử dụng trong tương lai.

Người dân mong muốn một ngôi chợ khang trang, sạch sẽ hơn

Qua thăm dò ý kiến người dân khu tập thể xung quanh, mọi người đều có mong muốn khu vực có một không gian công cộng. Các tiểu thương trong chợ mong muốn chợ sẽ được cải tạo, để đảm bảo chất lượng sống cho cả người bán và người mua, đồng thời phải tối giản thời gian xây dựng.

    Kết luận:

  • Công trình theo hướng xây mới, thay hoàn toàn hệ thống nhà mái tôn đã xuống cấp.
  • Mô hình phải phù hợp với lối sống, cách sinh hoạt của người dân.
  • Quy mô vừa phải, kết cấu cơ động, giảm thời gian và chi phí.

    Quá trình thiết kế:

    Vị trí nghiên cứu

    Qua quá trình nghiên cứu, đồ án đề xuất mô hình chợ mới theo hướng chợ+không gian công cộng, cụ thể ở khu vực Thành Công là chợ+không gian công cộng+công viên trên mái.

    Tại sao mô hình mới sẽ phát huy được hiệu quả so với mô hình cải tạo chợ hiện hành?

    Các không gian trong chợ sẽ cộng sinh và hỗ trợ lẫn nhau, việc bổ sung thêm công viên và không gian công cộng vào chính địa điểm của chợ sẽ tận dụng được vị trí trung tâm của chợ trong cộng đồng dân cư.

    Sơ đồ ý tưởng

    Ngoài ra công viên và không gian công cộng sẽ thu hút một lượng lớn người tiếp cận vào công trình. Đối tượng tiếp cận của mô hình mới chủ yếu là những người có thời gian rảnh rỗi, không có một mục đích cụ thể, nên dễ bị lôi kéo thu hút vào những hành động mua bán phía trong khu chợ.

     Vì vậy, cộng sinh ở đây là: chợ cung cấp một địa điểm tốt, còn không gian công cộng và công viên cung cấp khách hàng.

    Về kiến trúc và kết cấu:

    Quy mô công trình vừa phải (3 tầng) hòa hợp với cảnh quan các khu tập thể cao tầng xung quanh, đồng thời khiến giao thông đứng được dễ dàng nhanh chóng.

    Kết cấu chính là thép, lắp ghép cơ động trong thời gian ngắn, giúp sớm ổn định được hoạt động buôn bán của tiểu thương, dễ cải tạo nâng cấp nếu như có sự chuyển đổi chức năng sử dụng trong tương lai.

    Ngoài ra, đồ án còn ứng dụng nhiều công nghệ trong việc giải quyết các vấn đề về xây dựng, môi trường và trải nghiệm người sử dụng. Một số không gian công cộng treo để giảm sử dụng cột.

    Hệ thống thu nước tưới cây và hệ thống hầm biogas tái chế lượng rác hữu cơ lớn của chợ, cung cấp phân bón và năng lượng  ngược lại cho khu công cộng và công viên.

    Việc sử dụng màu sắc cho các không gian trong chợ có tác dụng như một công cụ dẫn hướng, một bản đồ chỉ dẫn tới các gian hàng.

    Đồ án được thực hiện bởi nhóm sinh viên trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội: Nguyễn Văn Dũng, Đinh Công Đạt, Cao Duy Khánh. 

Hà Giang/Kienviet.net