Chỉnh trang đô thị ở TP.Sóc Trăng: Bỏ quên dân nghèo?
Để thay đổi diện mạo đô thị, UBND TP.Sóc Trăng làm chủ đầu tư (CĐT) khu phố thương mại (KPTM). Tuy nhiên, do không thực hiện đúng chỉ đạo, hàng loạt người dân bị thu hồi đất không thể tái định cư, phải tìm nơi khác sinh sống.
Ngày 9-7-2008, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định (QĐ) 180 giao UBND TP.Sóc Trăng làm chủ dự án (DA) với tổng diện tích gần 10.000m² (ảnh hưởng đến 100 hộ dân). Chủ DA đã xây 96 căn hộ bề thế với gần 7.900m², mặt quay ra trục đường chính, kinh phí xây dựng hơn 66 tỷ đồng; trong đó, 5 căn sử dụng ngân sách, còn lại thực hiện bằng vốn của dân.
Theo UBND TP.Sóc Trăng, sau khi lấy ý kiến thăm dò, có 20 hộ không đăng ký ở lại với diện tích hiện trạng trên 1.069m². Thực tế xác minh nhiều hộ rời đi là do không đủ tiền mua nhà, đành phải bán đất. Tiếp xúc với chúng tôi, ông R. – một trong số vài chục trường hợp tương tự – tâm sự: “Lúc đó nếu muốn ở lại, dân nghèo tìm đâu ra bạc tỷ để nộp cho công ty, cất nhà? Còn vay ngân hàng thì không khéo bị mất luôn cái nhà đang cất bởi lãi suất cao quá”.
Hỏi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều người cho biết hầu hết đều đã làm đơn xin được hợp thức hóa nhưng đều bị từ chối. Khi bà con thắc mắc mình đã ở ổn định từ trước thời điểm 15-10-1993 thì địa phương trả lời khu vực này đang nằm trong quy hoạch.
Theo lời ông R., sau khi bán đất, nhiều người rơi vào cảnh khổ, giờ phải vất vả làm thuê kiếm sống. “Bảo chỉnh trang tưởng là được nâng cấp về điều kiện sống, mình sẽ được hưởng, dè đâu người có tiền mới hưởng cái phúc này, còn dân nghèo phải ra đi”, ông nghẹn ngào.
Khi được hỏi vì sao không thực hiện DA theo hướng thu hồi đất, bán đấu giá quyền sử dụng hoặc kêu gọi nhà đầu tư thuê đất thực hiện DA theo quy hoạch, bồi thường thỏa đáng cho người dân, quan tâm đến chính sách tái định cư, ông Lê Văn Cần – Bí thư Thành ủy Sóc Trăng – cho biết khi thực hiện KPTM, chính quyền địa phương chỉ giữ vai trò… trọng tài, định hướng, cầu nối, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người dân.
“Cái này là chỉnh trang đô thị, có phải… DA gì đâu! Mọi chuyện đều do người dân QĐ. Phần lớn người ta chuyển nhượng (giấy tay) rồi mình thừa nhận thôi. Cái nào bán không được thì bán lại cho… công ty!. Chúng tôi đâu có thu hồi đất, bồi hoàn, tái định cư gì đâu!” – ông Cần nói.
Thế nhưng xem lại QĐ 180 của UBND tỉnh thì TP.Sóc Trăng thực hiện không đúng, thiếu trách nhiệm đối với người dân trong vùng quy hoạch. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo CĐT thực hiện theo hướng nhà nước thu hồi đất, giao mặt bằng cho phía thầu xây nhà ở, các hộ hoàn trả chi phí đầu tư xây dựng nhà ở cho phía thầu…
Khi chúng tôi hỏi sao trước khi thực hiện DA, chính quyền không tạo điều kiện cho người dân được hợp thức hóa quyền sử dụng đất để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, lãnh đạo TP.Sóc Trăng giải thích không đúng thực tế: “Nếu hợp thức hóa thì nhiều người không đủ diện tích, còn số đủ liệu họ có xin hợp thức hóa không? Thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh thì người dân không đồng tình”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Thanh Nhàn – Chủ tịch UBND TP.Sóc Trăng – cho rằng: “Khu vực này từng là kinh Cô Bắc. Trước năm 1975 người dân sử dụng làm chỗ ở, mua bán. Theo Luật Đất đai, khi đã ở ổn định từ trước 15-10-1993, thì đương nhiên là đất của dân, nếu giải tỏa thì nhà nước phải đền bù một số tiền theo quy định. Tỉnh còn nghèo nên sẽ quy hoạch lại, giao thành phố phát động để dân tự chỉnh trang. Lúc đó họp, người dân có nêu ý kiến chỉnh trang kiểu này là đẩy người nghèo đi. Tụi tui chịu rất nhiều áp lực”.
Thực tế chủ trương chỉnh trang, xóa khu “ổ chuột” là đúng nhưng quá trình triển khai, thành phố chưa quan tâm đến thực tế: sau đó, đời sống nhiều người nghèo sẽ bị xáo trộn.
Người dân không được đăng ký quyền sử dụng đất nhưng khi sang bán cho công ty thực hiện KPTM thì lại được cấp? Những căn nhà hoàn thành xong bán từ 2 – 3 tỷ đồng và kết cục của việc chỉnh trang đô thị, dân nghèo chịu thiệt, doanh nghiệp thu lãi khủng.
Theo CATP