31/05/2018

Chỉ thẳng lỗi quản lý quy hoạch, vỉa hè

Trong khi quy hoạch thiếu đồng bộ, quản lý còn nhiều bất cập thì vỉa hè, lòng đường TP HCM bị tái chiếm có thể do bao che, dung túng của chính quyền địa phương

Sáng 30-5, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp tình hình kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng 5 tháng đầu năm trên địa bàn. Tại cuộc họp, người đứng đầu chính quyền TP đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập.

Mạnh ai nấy làm

Chủ tịch UBND TP cho rằng hạn chế lớn nhất là công tác lập và thực hiện quy hoạch của TP chưa mang tính tính hệ thống và đồng bộ. Ông thẳng thắn chỉ ra sự bất cập và không đồng bộ trong các quy hoạch hiện nay của TP. Ví dụ như quy hoạch thủy lợi, cấp thoát nước không gắn kết với nhau.

“Tôi đã đề nghị Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP xem lại vấn đề này, phải nhìn với một tư duy hết sức hệ thống mới giải quyết được” – ông Phong nói. Hay như việc xác định cốt nền xây dựng của TP, phải xem và xác định lại chứ không thể mọi nơi đều có cốt nền như nhau. Do đó, ông yêu cầu Sở Quy hoạch kiến trúc và Sở Xây dựng phải tính toán lại chuyện này.

Chỉ thẳng lỗi quản lý quy hoạch, vỉa hè - Ảnh 1.

Ban đêm, đoạn vỉa hè đường Phạm Văn Đồng (thuộc địa bàn quận Gò Vấp) là của… quán nhậu! Ảnh: SỸ ĐÔNG

Theo ông Phong, quy hoạch chung phải trên cơ sở quy hoạch kinh tế – xã hội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013. Tuy nhiên, khi đó TP chưa có đề án xây dựng đô thị thông minh, chưa có đô thị sáng tạo phía Đông, chưa có tính toán không gian ngầm… Do đó, giờ muốn điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung thì trước hết TP phải điều chỉnh quy hoạch kinh tế – xã hội, sau đó mới điều chỉnh các quy hoạch ngành. “Tôi đã đề nghị giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP có tờ trình về điều chỉnh quy hoạch để ngày 10-6 báo cáo Thường trực UBND TP” – ông Phong nói.

Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Quy hoạch mà mạnh ai nấy làm, thiếu người điều hành chung thì sẽ dẫn đến không đồng bộ. Đây là vấn đề phải tập trung xử lý trong thời gian tới”. Ông lưu ý các sở, ngành khi điều chỉnh quy hoạch TP phải phù hợp với quy hoạch vùng.

Trước đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Sử Ngọc Anh cho biết công tác rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch đã xác định một số khu vực thiếu tính khả thi, kéo dài thời gian thực hiện làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Có khu vực quy hoạch không còn phù hợp với thực tế và tình hình phát triển kinh tế – xã hội. TP đang xem xét chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể 115 đồ án quy hoạch; điều chỉnh cục bộ 402 khu vực quy hoạch, tuyến đường giao thông thuộc 573 đồ án.

Bao che, dung túng

Câu chuyện vỉa hè, lòng đường bị tái lấn chiếm nhiều lần cũng được đề cập tại cuộc họp. Phó Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Nguyễn Ngọc Tường nhấn mạnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn tiếp tục tái diễn mặc dù vấn đề này được lãnh đạo TP rất quan tâm.

“Hôm 28-5, Báo Người Lao Động có bài phản ánh vỉa hè, lòng đường tiếp tục bị tái chiếm. Qua phản ánh của báo, đích thân tôi đã đi thực tế cả ngày lẫn đêm. Đúng như Báo Người Lao Động nêu, tình trạng buôn bán lấn chiếm hết vỉa hè, không còn lối đi cho người đi bộ. Những điểm vỉa hè bị lấn chiếm như phường 13, quận Bình Thạnh; phường 1, phường 3, quận Gò Vấp; đường Nguyễn Thị Thập, quận 7… mà Báo Người Lao Động đưa ra hoàn toàn chính xác” – ông Tường nhấn mạnh.

Theo ông Tường, đáng lý khi Báo Người Lao Động phản ánh như vậy, chủ tịch các địa phương phải có chuyển biến. “Anh phải ra hiện trường để xác định báo chí đưa vậy đã đúng chưa. Nếu thật sự đúng thế thì anh phải có động thái khắc phục trước. Chứ đằng này, địa phương không chủ động làm mà cứ chờ lãnh đạo UBND TP nhắc nhở” – ông Tường ngán ngẩm.

Ông Tường không ngần ngại chỉ ra nguyên nhân để vỉa hè, lòng đường bị tái chiếm đó có thể là do “chúng ta bảo kê, bao che và dung túng; buông lỏng địa bàn, thiếu trách nhiệm, không quan tâm; năng lực quản lý yếu kém”. Ông đề nghị người đứng đầu địa phương báo cáo trực tiếp với chủ tịch UBND TP tại sao để tồn tại tình trạng như vậy. Từ đó có hướng giải quyết, đề xuất giải pháp cụ thể lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè chứ không nói chung chung, báo đài đưa ra rồi im lìm là không được.

Ngoài ra, ông Tường cũng báo động tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tăng rất cao trong 5 tháng đầu năm. Số vụ TNGT tập trung ở 8 cửa ngõ của TP, trong đó riêng quận Bình Tân và huyện Bình Chánh chiếm tới 30% số vụ. Không có quận, huyện nào mỗi năm số người chết vì TNGT hơn 100 người nhưng Bình Chánh lại có. Do đó, ông Tường đề nghị cần tập trung kéo giảm TNGT ở hai địa phương này. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu Công an TP hỗ trợ các quận, huyện bảo đảm an toàn giao thông, phải xem công an quận, huyện đang thiếu gì, cần gì để đề xuất mua trang bị cho các cơ sở.

Phê bình trưởng BQL Khu Nông nghiệp công nghệ cao

Tại cuộc họp tình hình kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng 5 tháng đầu năm trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã phê bình trưởng Ban Quản lý (BQL) Khu Nông nghiệp công nghệ cao vì không trực tiếp đi họp, chỉ cử cấp dưới đi thay. Theo ông Phong đây là việc làm thiếu trách nhiệm.

Ông Phong nói: “Không bao giờ thấy ông trưởng BQL Khu Nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện, chỉ thấy cấp phó đi họp. Chuyện này xảy ra từ khi tôi làm chủ tịch đến giờ. Vậy thì lấy gì mà chỉ đạo, lấy gì nói về chính sách cho nông dân”.

Theo PHAN ANH/NLĐ