14/12/2016

Chàng kiến trúc sư “xây hi vọng ở Ấn Độ”

Kiến trúc sư Alok Shetty từng được tạp chí Time của Mỹ vinh danh là một trong số sáu “nhà lãnh đạo thế hệ tương lai của thế giới” vì những thiết kế tiên phong trong việc làm nhà chống lũ có giá phải chăng cho cư dân ở khu ổ chuột.

Chàng kiến trúc sư “xây hi vọng ở Ấn Độ”
Kiến trúc sư Alok Shetty

Cái “duyên” với nghề kiến trúc bắt đầu từ khá sớm với chàng trai năm nay mới 30 tuổi. Chính mẹ của Alok là người đầu tiên khuyên con nên cân nhắc theo nghề kiến trúc. Hiện tại anh làm việc 16-17 tiếng mỗi ngày và đi công tác 15-20 ngày mỗi tháng để đeo đuổi đam mê của mình.

Trong những chuyến đi khảo sát tại các vùng xa xôi, hẻo lánh của nông thôn Ấn Độ, chàng kiến trúc sư trẻ đã băn khoăn rất nhiều khi ở những nơi đó cơ sở hạ tầng cho giáo dục cũng như chăm sóc sức khỏe của người dân đều ở tình trạng rất tệ.

Anh cho biết: “Việc xây dựng cơ sở vật chất tại các khu vực này không phải là không thể, nhưng mất rất nhiều thời gian”. Phối hợp với Tổ chức phi lợi nhuận Parinaam Foundation có trụ sở tại Bangalore, kiến trúc sư Alok Shetty đã kiến tạo nên các ngôi nhà ở được nâng cấp cho khu nhà ổ chuột LRDE ở Bangalore có khoảng 2.000 dân cư trú.

Mô hình nhà ở giá rẻ này là giải pháp đáp ứng mong muốn của người dân khi phải đối diện với những thách thức của điều kiện sống hết sức nghèo nàn. Đó cũng là khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, bệnh dịch và không gian sống chật chội, bí bách.

Mẫu nhà thiết kế của kiến trúc sư từng học tại Đại học Columbia này được chủ động tính toán sao cho có khả năng chống chọi được những cơn nước lũ dâng lên trong mùa mưa hằng năm.

Theo đó, các ngôi nhà được nâng cột chống trên một khung cấu trúc cao hơn mặt đất hơn 30cm, có mái nhà dốc để dẫn nước mưa chảy xuống theo lối thoát riêng, giúp người dân có thể tích trữ, sử dụng nước mưa trong các sinh hoạt gia đình.

Để giải quyết tình trạng thiếu không gian sống của các gia đình, anh Alok chia mỗi căn nhà gần 10m2 thành hai gian ngăn cách với nhau bằng một hành lang.

Hành lang này tạo không gian mở cho việc nấu nướng nhằm giảm bớt khói và khí CO tràn vào khu vực sinh hoạt của các gia đình. Để giúp không khí lưu thông tốt hơn, các ngôi nhà trong thiết kế của Alok còn có một cửa sổ và mái nhà được nâng cao.

Với cách tiếp cận bền vững về nhà giá rẻ, theo anh Alok, chỉ cần khai thác các vật liệu xây dựng cũ từ một công trình xây dựng đang phá dỡ cũng đã đủ xây được khoảng 150 ngôi nhà mới cho người dân ở khu ổ chuột.

Ngay trong thiết kế, anh Alok cũng chọn cách làm sao cho việc lắp đặt và tháo dỡ chỉ mất khoảng bốn tiếng. Việc lắp đặt nhanh chóng và khả năng di dời tiện lợi của các ngôi nhà là điều rất quan trọng với những cư dân ở khu nhà ổ chuột, vì họ thường xuyên phải di chuyển tới những nơi có thể tìm được việc làm.

Hiện tại, những ngôi nhà có khả năng chống lũ lụt này có chi phí xây dựng khoảng 300 USD, nhưng anh Alok hi vọng các chương trình trợ giá của chính phủ sẽ giúp giảm bớt chi phí xây dựng này trong thời gian tới.

Trong lần vinh danh chàng kỹ sư trẻ này cách đây hai năm, tạp chí Time đã mô tả kiến trúc sư Alok là người “xây hi vọng ở Ấn Độ” và là người đang “tìm những giải pháp đơn giản cho các vấn đề phức tạp” để giúp đỡ cộng đồng.

Raghava KK – nghệ sĩ kiêm nhà tư tưởng, công nghệ sống tại New York – nói: “Điều kỳ diệu trong tác phẩm của Alok là khả năng ẩn giấu được tư duy lớn lao, kỹ thuật và công phu thiết kế của anh khiến công trình có vẻ đơn giản một cách kỳ diệu.

Sự đơn giản mà phức tạp này cũng được phản ánh trong cá tính của anh ấy. Đó là dấu hiệu của sự chuyên nghiệp và trưởng thành”.

D.Kim Thoa/Tuổi trẻ online