24/12/2019

Chấn chỉnh tình trạng chậm cấp sổ đỏ, cương quyết xử lý vi phạm

Sau một thời gian đẩy nhanh việc cấp sổ đỏ lần đầu, đến nay cả nước đã cấp được 97,3% diện tích cần cấp sổ đỏ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm cần chấn chỉnh.

Nhằm thúc đẩy cấp sổ đỏ cho người dân, doanh nghiệp, cũng như đưa quyền sử dụng đất tham gia vào thị trường bất động sản một cách minh bạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 30/QH12, trong đó yêu cầu hoàn thành việc sổ đỏ lần đầu trong phạm vi cả nước…

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

97,3% diện tích đã được cấp sổ đỏ

Trên cơ sở Nghị quyết số 30 và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị của địa phương và phối hợp với các Bộ Xây dựng, Tài chính, Tư pháp làm việc, kiểm tra, rà soát tình hình cấp sổ đỏ, tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc còn tồn tại.

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thường xuyên kiểm tra các địa phương trong công tác cấp sổ đỏ, qua đó phát hiện những khó khăn, vướng mắc nhằm hoàn thiện pháp luật liên quan đến cấp sổ đỏ.

Bằng các nỗ lực nêu trên, các địa phương đã đẩy nhanh việc cấp sổ đỏ lần đầu. Đến nay, cả nước đã cấp được 97,3% diện tích cần cấp sổ đỏ.

Mặc dù vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều trường hợp do có vi phạm trong quản lý, sử dụng đất (đất lấn, chiếm, giao trái thẩm quyền, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang làm nhà ở). Đặc biệt, tại các dự án phát triển nhà ở còn tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất bằng giấy tờ viết tay từ ngày 1/1/2008 trở lại đây.

Tại các đô thị cũng tồn tại tình trạng cơ quan, tổ chức bán nhà ở cho cán bộ, công nhân viên nhưng đơn vị chủ quản đã giải thể mà chưa thực hiện bàn giao nhà ở về cơ quan Nhà nước để làm thủ tục bán nhà cho người sở hữu nhà gắn với quyền sử dụng đất. Một số trường hợp tự ý xây dựng trái quy hoạch, một số trường hợp hồ sơ quản lý nằm ở các cơ quan khác nhau do phân cấp quản lý trước đây.

Ngoài ra, một số tổ chức đã giao đất cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở, nhưng chưa thực hiện rà soát, bàn giao về địa phương; đối với các dự án phát triển nhà ở còn tình trạng chủ đầu tư vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở và pháp luật về xây dựng; việc tổ chức triển khai các quy định về cấp sổ đỏ ở một số nơi vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người sử dụng đất.

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Cương quyết xử lý vi phạm

Trước thực trạng nêu trên, Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường) kiến nghị cần giao trách nhiệm cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo hoàn thành việc cấp sổ đỏ cho các trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện cấp sổ đỏ theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc đăng ký đất đai theo quy định nhằm quản lý chặt chẽ tình trạng pháp lý đến từng thửa đất; chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật.

Các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng đất về công tác đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ; các địa phương bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cho công tác đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ…

Theo đại diện Cục Đăng ký đất đai, hiện nay, cả nước còn 2,7% diện tích cần cấp sổ đỏ chưa được cấp Giấy chứng nhận lần đầu. Nguyên nhân chủ yếu hầu hết là do người dân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai nhưng không có khả năng nộp hoặc không có nhu cầu ghi nợ nghĩa vụ tài chính trên Giấy chứng nhận.

Riêng với người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở chưa được cấp sổ đỏ còn tồn tại khá nhiều do chưa xử lý dứt điểm được các sai phạm pháp luật về đất đai, nhà ở, xây dựng của chủ đầu tư.

Về việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và giao cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các thành phố lớn tập trung thanh tra, kiểm tra, cương quyết xử lý vi phạm của chủ đầu tư; xử lý tổ chức, cá nhân trong việc buông lỏng quản lý về pháp luật xây dựng, nhà ở, đất đai tại các địa phương.

Đối với các tổ chức, chủ đầu tư vi phạm pháp luật, không thực hiện việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án theo quy định tại Điều 58 của Luật Đất đai.

Song song với quá trình xử lý vi phạm, cần cấp sổ đỏ cho người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư và đối với các dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai với Nhà nước./.

Hùng Võ/Vietnam+