Cầu bị sập sau 2 tuần: Không khoan thăm dò địa chất
Cây cầu dân sinh ở xã vĩnh Bình (huyện Vĩnh Hưng, Long An) bị sập là do không có kinh phí để khoan địa chất.
Nếu nhà thầu làm sai thì sẽ…cấm cửa?
Sau 2 tháng cây cầu Vĩnh Bình bắc qua kênh 28 theo đường tỉnh lộ 831, thuộc địa phận xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An bất ngờ bị sập một nửa, mố cầu trượt khỏi vị trí ban đầu, các cơ quan chức năng vẫn đang tìm kiếm nguyên nhân.
Trao đổi với PV, ngày 13/7, ông Nguyễn Văn Chỉnh – Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang họp bàn, để xác định rõ nguyên nhân ban đầu gây ra hiện tượng mố cầu trượt, nắm rõ trách nhiệm là của đơn vị, cá nhân nào.
Còn hiện nay các giải pháp khắc phục chúng tôi đã triển khai rồi, UBND huyện Vĩnh Hưng cũng đang thi công khắc phục sự cố”.
Bên cạnh đó, ông Chỉnh cho hay: “Cây cầu có sự đóng góp về tài chính của nhân dân khoảng 500 triệu đồng, nên người dân cũng vô cùng bức xúc. Vì vậy, nên chúng tôi phải sớm khắc phục và xác định nguyên nhân, đơn vị nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm”.
Theo ông Chỉnh cho biết thì nhà thầu thi công là Doanh nghiệp tư nhân Hiệp Lực của tỉnh Long An.
Bây giờ nhà thầu thi công đang tiến hành sửa chữa theo phương án đã được các đơn vị chuyên môn xem xét, để tránh gặp sự cố đáng tiếc tiếp theo.
Còn về mặt kinh phí sẽ yêu cầu đơn vị, cá nhân nào để xảy ra sai sót thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm về kinh phí. Nói chung cơ bản Sở đã xác định được nguyên nhân, nhưng sở vẫn thành lập một tổ điều tra nguyên nhân rõ ràng rồi công bố công khai vì trong quá trình thi công sẽ có hồ sơ.
Hiện trường vụ sập cầu
Về phía người dân, sau khi cây cầu gặp sự cố thì đã chuyển sang di chuyển bằng phà như trước đây.
“Tất nhiên chúng tôi cũng phải nói với nhân dân thông cảm vì sự cố. Đồng thời, cũng yêu cầu phải triển khai khắc phục sớm cây cầu để dân đi lại, sau đó báo cáo sở về tình hình thi công, giám sát chặt chẽ”, ông Chỉnh nói.
Về phía nhà thầu, ông Chỉnh nhấn mạnh: “Tùy theo mức độ sai phạm, nếu cần thiết thì chúng tôi sẽ cấm cửa nhà thầu, không cho thi công các công trình khác”.
Hạn chế kinh phí nên khâu khảo sát kém
Trong khi đó, theo ông Chỉnh, một nửa kia qua khảo sát, đánh giá thì vấn sử dụng được.
Nhưng địa chất chung ở khu vực xây cây cầu khá phức tạp, điều đáng nói, địa chất bên cầu bị gẫy thì quá yếu, còn bên kia bờ không bị sập thì ổn định hơn. Việc sập cầu cũng tại vì khâu khảo sát thiết kế không được chặt chẽ.
Ông Chỉnh cho hay: “Công trình này dưới 5 tỷ đồng nên tỉnh giao cho địa phương quản lý, nhưng xảy ra sự cố thì chúng tôi cũng có trách nhiệm, Sở đã thành lập tổ xem xét, xử lý sự cố này”.
Điểm quan trọng nhất, khoan địa chất thì thấy do địa chất yếu nên mới xảy ra mố cầu trượt.
“Trong hồ sơ thiết kế, công trình kinh phí không nhiều, nên chủ đầu tư là UBND huyện Vĩnh Hưng cũng yêu cầu nhà thầu phải làm sao cho kinh phí nằm trong khả năng tài chính của địa phương, nên phần tiến hành thăm dò khoan địa chất không có, nên mới xảy ra việc sập nửa cầu”, ông Chỉnh khẳng định.
Trước đó, về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Mến, phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng, cũng cho biết đang phối hợp với Sở GTVT làm rõ nguyên nhân của sự cố và tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm chính.
Cũng theo ông Mến, vì đây là công trình có sự đóng góp vốn của nhân dân nên chắc chắn sẽ xây dựng lại để phục vụ nhân dân. Về chi phí xây dựng lại, Sở GTVT và UBND huyện Vĩnh Hưng thống nhất sẽ buộc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính trong vụ việc đền bù.
Cây cầu do UBND xã Vĩnh Bình làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 2,5 tỉ đồng (2,488 tỉ), ngân sách được huy động theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm (trong đó người dân địa phương đóng góp 500 triệu).
Theo Đất Việt