12/10/2016

Cần tư duy mới trong chỉnh trang và phát triển đô thị

Tại Hội thảo “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP HCM” vừa diễn ra cuối tuần qua, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã có những ý kiến nhận xét, đánh giá góp ý cho chương trình đột phá của TP về công tác chỉnh trang và phát triển đô thị.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, trong những năm qua, công tác quản lý và phát triển đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đạt kết quả thiết thực. Năm 2016, ngành xây dựng địa phương đã và đang tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, trong đó có chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP HCM. Ảnh: Cao Cường

Thực trạng đô thị Sài gòn

Theo KTS Khương Văn Mười, hơn 40 năm qua, TP HCM đã từng bước thay đổi về phương diện xây dựng cơ bản. Từ sửa chữa nâng cấp công trình để hoạt động đến xây dựng các công trình đền ơn đáp nghĩa, cải tạo các khu nhà ở cho các đối tượng khó khăn và công tác quy hoạch để định hướng phát triển cho thành phố cũng được chính quyền quan tâm.

Diện mạo đô thị ngày càng khang trang hơn, được thể hiện qua các đồ án quy hoạch chi tiết 930ha khu trung tâm thành phố quận 1, quận 3, quận 4, một phần quận Bình Thạnh… kết nối hài hòa với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Quy hoạch cũng bổ sung các chức năng mà trung tâm cũ chưa đáp ứng được như quy hoạch bảo tồn khu phố cổ quận 5, không gian kiến trúc cổ tại trung tâm, thiết kế đô thị, tổ chức không gian kiến trúc kết hợp hài hòa giữa thành phố cũ và khu đô thị mới…

Đóng góp ý kiến, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cho biết hơn 20 năm qua, thành phố đã làm nên kỳ tích chỉnh trang lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tàu Hủ – Ruột Ngựa, kênh Tân Hóa – Lò Gốm. Từ đó, mang lại bộ mặt mới cho thành phố, nhiều vùng dân cư lụp xụp trên và ven kênh rạch đổi đời.

“Vào đầu những năm 2000, thành phố đã quy hoạch các hồ điều tiết nước lớn các khu vực; dành quỹ đất tự nhiên dự trữ cho nước chảy tràn; khu vực nội thành còn chưa bị bê tông hóa cao độ; thành phố cũng đã quy định bắt buộc doanh nghiệp phải đào lại hồ có diện tích bằng hoặc lớn hơn để trả lại diện tích mặt nước đã bị san lấp trong khu vực dự án và đã công bố quy định không được xây dựng công trình kiến trúc ven bờ các sông rạch như đối với sông Sài Gòn từ mép cao bờ sông vào đến 50m, các sông rạch khác từ 10m, 20m không được xây dựng công trình, để bảo vệ hành lang kênh rạch…”, ông Châu cho biết thêm.


Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được chỉnh trang hình thành 2 tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa tạo nên bộ mặt đô thị.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, TP HCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế chính trị văn hóa lớn của cả nước. Chính vì vậy, thành phố luôn đi đầu trong tiến trình đô thị hóa của đất nước trong những năm vừa qua. Công tác phát triển đô thị của thành phố luôn coi là hướng then chốt để phát triển và đạt được nhiều thành tựu gắn liền với những đột phá trong tư duy phát triển đô thị. Đã có nhiều công trình giao thông kiến trúc hiện đại được xây dựng, nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị được hình thành, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư nâng cấp, từng bước hiện đại như sự hồi sinh của các con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé – Lò Gốm. Sự hình thành của các tuyến đường Trường Sa – Hoàng Sa và kênh trên tuyến phố đi bộ đã làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hiện đại…

Cần tư duy mới trong chỉnh trang đô thị

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã thông qua Chương trình đột phá thứ 7 về “Chỉnh trang và phát triển đô thị”. Theo đó, một trong những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu phát triển TP đến năm 2020 là tập trung nguồn vốn đầu tư để chỉnh trang và phát triển đô thị, phấn đấu hoàn thành việc di dời toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, xây dựng mới các chung cư cũ, chỉnh trang các khu phố cũ, đồng thời thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới. Qua đó, tổng kết các vấn đề về lý luận và thực tiễn phát triển trong thời gian qua, định hướng công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị tại TP HCM hướng tới phát triển bền vững.

“Các vần đề chỉnh trang phát triển đô thị không phải là vần đề mới nhưng cần được nhìn nhận với tư duy mới, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng xã hội, người dân. Đồng thời, phải có lộ trình thực hiện rõ ràng phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng ban ngành để đảm bảo sự đồng bộ thống nhất về chủ trương chính sách và tổ chức triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.

Khẳng định chỉnh trang và phát triển đô thị là chủ trương đúng đắn, ông Nguyễn Thành Phong cho biết chủ trương này có tính kế thừa kinh nghiệm và kết quả thực hiện của các giai đoạn trước đây. Từ sự lãnh đạo kiên quyết của các cấp ủy đảng đến giải pháp tổ chức thực hiện đồng bộ và quyết liệt của chính quyền, phấn đấu đến năm 2020 sẽ di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 hộ dân đang sống ven kênh rạch. Đồng thời, cải tạo, xây dựng mới ít nhất 50% thay thế chung cư cũ hư hỏng xuống cấp được xây dựng trước năm 1975.

Một quan điểm khác của TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright là phát triển đô thị gắn liền với liên kết vùng, qua đó, mở rộng quy mô thị trường của TP HCM, tăng tính kết nối đồng bộ với mục tiêu là biến trung tâm hiện hữu thành trung tâm cung cấp dịch vụ cho vùng.

Cao Cường/Báo Xây dựng