20/04/2016

Cần hỗ trợ tín dụng cho phát triển nhà ở xã hội

Tiếp sau sự thành công của gói 30 nghìn tỷ đồng, thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội (NƠXH) đang chờ đợi thêm những gói hỗ trợ tín dụng nữa của Chính phủ, trong đó có nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội. Đây được cho là nguồn tín dụng rất cần thiết ngay lúc này đối với những người có thu nhập thấp, khi mà họ chưa kịp có cơ hội vay gói 30 nghìn tỷ đồng để mua nhà…


Khu nhà ở Rice City Linh Đàm – một trong những dự án NƠXH được vay gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2015, cả nước đã hoàn thành 13 dự án NƠXH cho người thu nhập thấp, với quy mô hơn 6.100 căn hộ. Đối với nhà ở dành cho công nhân, đã có 20 dự án được đưa vào khai thác với khoảng 8.200 căn hộ. Theo kế hoạch, trong năm 2016, 171 dự án NƠXH sẽ tiếp tục được triển khai để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là các đối tượng thuộc diện chính sách và người thu nhập thấp…

Chị Nguyễn Thị Mơ ở ngõ 178 Tây Sơn, quận Đống Đa là một trong số rất nhiều người không kịp làm thủ tục để vay vốn mua nhà từ gói 30 nghìn tỷ đồng cho biết, chị đang chờ đợi vào những chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ.

“Tôi cho rằng, giá của NƠXH bây giờ là hợp lý cho người thu nhập thấp. Nếu có hỗ trợ của Chính phủ thì chắc chắn tôi sẽ tham gia. Sự hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng vì nếu không có những nguồn vay ưu đãi như gói 30 nghìn tỷ đồng thì những người có thu nhập thấp như chúng tôi sẽ không thể mua nhà được. Dự án thì giờ cũng đã có nhưng nguồn vay mới quan trọng”. Chị Mơ chia sẻ.

Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý NƠXH được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ tháng 12/2015, trong đó nêu rõ, nguồn vốn cho vay đối với mua, thuê mua NƠXH được giao cho ngân hàng chính sách xã hội. Trên thực tế, ngân hàng chính sách xã hội cũng đã đề xuất lãi suất dành cho mua, thuê mua NƠXH ở mức 0,4%/ tháng, tức là chưa tới 5%/ năm. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, tình hình triển khai của chính sách này vẫn chỉ dừng ở chế độ khởi động

Một số chuyên gia cho rằng, phát triển NƠXH cần đi kèm với hỗ trợ tín dụng. Gói 30 nghìn tỷ đồng được coi là thành công khi đã giúp cho nhiều người nghèo, người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà, góp phần vực dậy thị trường BĐS thời gian qua. Tuy nhiên, quá trình triển khai và thực hiện lúc đầu chậm. Vậy, với nguồn vay từ ngân hàng chính sách xã hội tiếp sau đây thì sẽ thực hiện như thế nào cho hợp lý và kịp thời bởi khi mà các sản phẩm đưa ra nó phù hợp thì sẽ được người dân tiếp nhận, chương trình nhà ở phục vụ cho người nghèo mới có thể tiếp tục phát triển được. Nếu không có sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ, chi phí vốn đầu tư cao, thì các nhà đầu tư sẽ không hào hứng tham gia bởi họ cũng chỉ có khả năng nhất định.

Chưa kể, nếu đợi đến khi ra được thể chế, qua thông tư hướng dẫn thì cũng phải mất ít nhất khoảng 3, 4 tháng. Nếu bây giờ còn chưa làm là quá chậm và sẽ rất khó khăn.

Việc ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP cho thấy, chính sách phát triển NƠXH đã được Chính phủ xem là mục tiêu lâu dài và ổn định. Không chỉ những người có thu nhập thấp ngóng tin mà các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi vào việc ngân hàng chính sách xã hội triển khai các gói hỗ trợ mới để vừa tạo nguồn vốn cho người dân mua, thuê mua nhà ở, vừa có cơ chế hợp lý cho các chủ đầu tư tham gia xây dựng NƠXH…

Theo như GS Đặng Hùng Võ đã từng đề cập tới vấn đề này thì, điều quan trọng là giúp người nghèo có cơ hội cải tạo nhà đang ở bằng chính hoàn cảnh sống của họ. Vậy nên, cần có các gói sản phẩm tín dụng dài hạn với lãi suất phù hợp phục vụ hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà để ở…

Đặc biệt, cơ chế cho vay tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, người có thu nhập thấp cần được điều chỉnh lại trên nguyên tắc thực hiện các tín dụng nhỏ với sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội…

Linh Đan/Báo Xây dựng