Cần có cơ chế về cưỡng chế thi hành kết luận thanh tra
Tuy đã có luật và nghị định hướng dẫn theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra nhưng việc thu hồi kinh tế các công trình vi phạm còn chậm, việc kiểm điểm cá nhân, tập thể còn bị động.
Ngày 15/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM làm việc với Sở Xây dựng về công tác “Thực hiện Luật Thanh tra năm 2010 trên địa bàn Thành phố giai đoạn từ ngày 1/1/2018-30/6/2021.”
Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, từ ngày 1/1/2018 đến 30/6/2021, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiến hành 22 cuộc thanh tra trên địa bàn, phát hiện 40 vụ việc vi phạm. Khối lượng công việc của Sở Xây dựng rất lớn trong khi lực lượng thanh tra được biên chế công chức mỏng. Một số đối tượng không chấp hành quyết định thanh tra, cố tình không cung cấp hồ sơ hoặc cung cấp không đầy đủ, không hợp tác với Đoàn thanh tra… Tuy đã có luật và nghị định hướng dẫn theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra nhưng việc thu hồi kinh tế còn chậm, việc kiểm điểm cá nhân, tập thể còn bị động, khó theo dõi.
Ông Lê Trần Kiên cho biết thêm, hiện nay vi phạm trật tự xây dựng tại chung cư không nhiều do hồ sơ thiết kế được duyệt ngay từ đầu. Trên địa bàn thành phố không có chung cư nào vượt tầng, Thanh tra Sở Xây dựng tiến hành giám sát, kiểm tra thường xuyên tại công trình lớn.
Vướng mắc lớn hiện nay là việc chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên phải đình chỉ công trình xây dựng trên đất.
Trong khi đó, đối với dự án phân lô bán nền trước đây do vướng mắc việc thanh toán nghĩa vụ tài chính, chuyển mục đích sử dụng đất nên không được hoặc chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thậm chí có trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng, dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, chưa được nghiệm thu.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thanh tra, ông Lê Trần Kiên kiến nghị cần có một chế tài mang tính cưỡng chế, bắt buộc đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện các yêu cầu từ phía Đoàn thanh tra.
Đối với việc thực hiện kết luận thanh tra, đại diện Sở Xây dựng TPHCM đề xuất chế tài xử lý mạnh việc không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ kết luận thanh tra như cưỡng chế thi hành, phong tỏa tài khoản, cấm tham gia hoạt động xây dựng đối với các doanh nghiệp vi phạm; đồng thời cần có quy định cụ thể việc ngân hàng cung cấp tài khoản ngân hàng có xác nhận số dư của các đơn vị vi phạm.
Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Phong, trong 3 năm 2018-2021, Thanh tra Sở Xây dựng thành phố chỉ tiến hành hai cuộc thanh tra đột xuất là quá ít, trong khi các công trình xây dựng vi phạm rất nhiều.
Người dân chỉ cần đổ xe cát là bị thanh tra xây dựng phát hiện ngay nhưng thực tế lại có những công trình xây dựng rất đồ sộ nhưng sai phép, không phép, thanh tra xây dựng không phát hiện.
Ghi nhận nỗ lực của lực lượng thanh tra Sở Xây dựng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, Sở Xây dựng cần chú ý công tác phòng, chống tham nhũng trong quá trình thực hiện công vụ, có nhiều đơn thư, ý kiến của cử tri phản ánh đến Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố về tình trạng nhiều công trình xây dựng vi phạm hoàn thành nhưng không bị xử lý, chậm xử lý.
Thậm chí có cử tri phản ánh việc người dân đi xin giấy phép xây dựng mất 3-5 tháng là bình thường nhưng chỉ cần chung chi cho “cò” 50 triệu đồng là có giấy phép ngay.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cần sớm phản hồi các văn bản của Ủy ban Nhân dân thành phố chuyển xuống; trong quá trình thanh tra công vụ, chuyên ngành cần làm rõ tính chất, sự tuân thủ các quy định pháp luật của quận huyện trong lĩnh vực xây dựng và kiến nghị, tham mưu các giải pháp phòng ngừa sai phạm nếu có./.