Cam kết lợi nhuận cao khi mua condotel có đáng tin?
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, lợi nhuận thường hấp dẫn khách hàng, nhưng việc đặt cam kết lợi nhuận quá cao, lên tới 12 – 15% là quá khó khăn, không phải nơi nào cũng đạt hiệu quả đặt phòng cao.
Lợi nhuận từ condotel từ khách thuê phòng
Trong hơn 2 năm trở lại đây, việc đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng condotel đang tạo ra một làn sóng lớn đến từ các nhà đầu tư ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Những thành phố biển như Đà Nẵng, Nha Trang… đang là những thị trường sôi động nhất của loại hình này.
Rất nhiều “ông lớn” đã tham gia vào lĩnh vực này, tạo nên sự cạnh tranh rất gay gắt, do đó đòi hỏi chủ đầu tư phải đưa ra nhiều chương trình nhằm thúc đẩy hoạt động bán trước, mà phổ biến hiện nay là cam kết cho thuê trả lợi nhuận cho khách hàng.
Bất động sản nghỉ dưỡng phát triển mạnh ở các thành phố ven biển.
Hầu hết các dự án condotel hiện nay đều sở hữu chính sách cam kết lợi nhuận khá hấp dẫn ở mức quanh 8% đến 12%/năm. Theo tính toán, chỉ cần tỷ lệ lấp đầy 40% sẽ đảm bảo được mức lợi nhuận 10% cho nhà đầu tư. Cam kết lợi nhuận cao đã khiến “chiêu” kinh doanh này thực sự hấp dẫn, và thu hút được rất đông nhà đầu tư xuống tiền, cho dù trên thực địa dự án, tất cả mới chỉ bắt đầu.
Tại Diễn đàn bất động sản du lịch biển Việt Nam 2018 tổ chức tại Hà Nội sáng 4.8, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng: “Thật ra không phải bây giờ chúng ta mới đặt vấn đề về cam kết lợi nhuận. Đã có một số chủ đầu tư không thể thực hiện được lời hứa về lợi nhuận cho nhà đầu tư”.
Theo ông Hà, lợi nhuận hấp dẫn khách hàng, nhưng việc đặt cam kết lợi nhuận quá cao, lên tới 12 – 15% là quá khó khăn. Không phải nơi nào cũng đạt hiệu quả đặt phòng cao. Trong khi đó, lợi nhuận của condotel và du lịch biển chủ yếu từ khách thuê phòng.
“Chúng ta nên đưa ra cảnh báo. Thứ nhất là quy định pháp luật, để bảo vệ quyền lợi khách hàng. Nhưng tham gia đầu tư cũng là quyền lợi của khách hàng, đồng nghĩa phải chấp nhận rủi ro. Lợi nhuận càng nhiều thì rủi ro càng lớn”, ông Hà nhận định.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn bất động sản du lịch biển Việt Nam 2018.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, hiện nay, một số chủ đầu tư bắt đầu không đi vào hướng cam kết lợi nhuận cao, mà đi sâu vào chất lượng quản lý và chất lượng dự án để thu hút khách hàng. Đây là một trong những phương án mà chúng tôi cho rằng hợp lý.
“Thị trường bất động sản biển đang ngày càng phát triển mạnh hơn, đòi hỏi các nhà phát triển dự án cũng như nhà đầu tư nhỏ lẻ phải có sự chuyên nghiệp hơn. Họ phải hiểu họ đang đầu tư vào một mô hình thế nào, hiệu quả ra sao, từ đó mới có quyết định thông minh được, chứ đầu tư theo phong trào như thời gian vừa qua thì khó có thể mong đạt được kết quả tốt”, ông Hà Nói.
Đưa ra định hướng để có một thị trường phát triển bất động sản du lịch biển bền vững hơn, ông Hà cho rằng, chúng ta nên có những phân tích, nhìn nhận từ hiệp hội, cơ quan quản lý Nhà nước.
Condotel đang chờ pháp lý
Cũng tại Diễn đàn Bất động sản du lịch biển 2018, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho biết, thị trường bất động sản phát triển rất mạnh, rất nhanh, nhiều phân khúc. Nó cho thấy nhu cầu cao. Hình thức kinh doanh bất động sản cũng rất đa dạng.
Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, phân khúc bất động sản du lịch tỏ ra nổi trội hơn. Lợi nhuận kinh doanh đầu tư mới với bất động sản du lịch nhiều hơn, cơ hội lớn hơn nên nhà đầu tư có dấu hiệu chuyển hướng.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản- Bộ Xây dựng. (ảnh Theleader)
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Khởi cho rằng, thị trường nào cũng tuân thủ theo quy luật cung cầu. Thị trường chậm lại do cần có sự thanh lọc, điều chỉnh. Tuy nhiên, việc thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nở rộ nhanh nhưng lắng xuống cũng rất nhanh là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư nên cẩn trọng.
“Lý do dẫn tới hiện tượng này, tôi cho rằng nguyên nhân không phải ở pháp lý, mà là ở đặc điểm du lịch. Chúng ta đang dồn nguồn lực quá nhiều vào một nơi.
Về chính sách, Nhà nước đã có công cụ điều tiết về thuế, về tín dụng, về luật pháp, để tránh tình trạng bong bóng như những năm trước. Khi thị trường có biểu hiện, Nhà nước đã có công cụ”, ông Khởi nói.
Cũng theo ông Khởi thông tin, tới đây, cơ chế chính sách và pháp lý cho đầu tư bất động sản du lịch biển sẽ rất rõ ràng, tạo cơ chế để thu hút các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư hiện cũng rất quan tâm tới động thái từ phía cơ quan quản lý. Hiện nay địa phương đã tạm dừng cho đầu tư vào condotel để chờ cơ sở pháp lý.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ sớm trình các quy định để đầu tư vào bất động sản du lịch rõ ràng hơn. Cá nhân tôi cho rằng, thị trường này vẫn còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn”, ông Khởi nhấn mạnh./.
Trần Kháng/Dân Việt