11/05/2021

Cải tạo chung cư cũ là ”rất quan trọng, cấp thiết”

Đó là khẳng định của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh – Trưởng ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ thành phố Hà Nội trong cuộc họp về triển khai công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố, diễn ra sáng nay, 11-5.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Bùi Huyền Mai, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Doãn Toản, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố; các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải và lãnh đạo một số sở, ngành; các quận, thị xã Sơn Tây có nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Quang cảnh cuộc họp

Quang cảnh cuộc họp

Tập trung xem xét vướng mắc

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết: Thực hiện Quyết định số 947-QĐ/TU (ngày 20-4-2021) của Thành ủy Hà Nội về thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, hôm nay, Ban Chỉ đạo tổ chức họp phiên đầu tiên, nghe báo cáo Dự thảo quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên của Ban Chỉ đạo; nội dung chính Tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND thành phố đề nghị Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, thông qua chủ trương “Đề án nghiên cứu, xây dựng khung cơ chế chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Đồng chí Chu Ngọc Anh khẳng định: Công tác cải tạo chung cư cũ là rất quan trọng, cấp thiết, được nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thành phố đã sát cánh cùng Bộ Xây dựng trong việc sửa đổi bổ sung Nghị định 101/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Ngoài ra, còn một số vướng mắc nằm ở Luật Nhà ở và tới đây tổng kết, sửa đổi Luật Thủ đô, cần sửa đổi, bổ sung các nội dung chính sách đặc thù. Trước mắt là tập trung xem xét những vướng mắc còn lại tại Luật Nhà ở, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có nghị quyết cho thành phố thực hiện một số nội dung chưa có trong quy định pháp luật…

Theo đó, đồng chí đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung: Quy chế và phân công nhiệm vụ; các khó khăn, vướng mắc, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, 4 đề xuất kiến nghị…

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo đã trình bày quy chế hoạt động của Ban; Dự thảo phân công nhiệm vụ cho các thành viên; Tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND thành phố đề nghị Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, thông qua chủ trương “Đề án nghiên cứu, xây dựng khung cơ chế chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Trong đó, đề cập thực trạng các chung cư cũ, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trong thời gian vừa qua, cũng như đề xuất 7 nhóm giải pháp trọng tâm để thúc đẩy công tác này…

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh - Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh – Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp

Tập trung hoàn thiện để Đề án thực sự khả thi

Cuộc họp đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo. Cụ thể, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản đồng tình về tỷ lệ 70% tổng số chủ sở hữu đồng thuận thống nhất phá dỡ, lựa chọn chủ đầu tư thì thực hiện theo quy định như đối với nhà nguy hiểm cấp D và nêu ý kiến cần nghiên cứu, xem xét thêm với các kiến nghị liên quan đến áp thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền sử dụng đất, thuê đất, thu hồi đất trong 4 kiến nghị đề xuất trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho rằng, cần rà soát lại các khu chung cư cũ đã thực hiện cải tạo, tổng kết các chính sách thời gian qua. Theo đồng chí, hiện tất cả chung cư cũ trên địa bàn thành phố đều đã hết niên hạn sử dụng nên cần tập trung bố trí ngân sách để lập quy hoạch, từ đó kêu gọi chủ đầu tư tham gia.

Trong khi đó, liên quan đến công tác bố trí nguồn vốn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho rằng, thành phố chủ trương xã hội hóa trong thực hiện cải tạo chung cư cũ. Do đó, với những nội dung khó thực hiện, đặc biệt là vấn đề hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân; nên chăng thành phố có thể lấy ngân sách bù trừ, để nhà đầu tư tham gia được.

Lãnh đạo các sở: Quy hoạch – Kiến trúc, Kế hoạch – Đầu tư, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đều cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo. Còn lãnh đạo các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hà Đông có những kiến nghị liên quan đến phân công, phân cấp; hệ số đền bù…

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đánh giá các ý kiến đóng góp rất xác đáng, có trách nhiệm và yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa, tập trung sửa Tờ trình, báo cáo Thường trực Thành ủy để tiếp tục hoàn thiện để Đề án thực sự khả thi, thuyết phục khi trình Quốc hội ban hành nghị quyết… Đặc biệt, Tờ trình cần nhấn mạnh thêm sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị; trách nhiệm của thành phố, phối hợp giữa các khâu, phân cấp trong các nội dung liên quan… Đồng chí Chu Ngọc Anh cũng cho rằng, cần thiết bổ sung thêm thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố.

Dạ Khánh/Hà Nội mới