Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.500 tòa chung cư cũ được xây dựng trong giai đoạn 1960 – 1980. Ðến nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức kiểm định được 344 nhà chung cư, trong đó có 200 nhà cấp C, 137 nhà cấp B và bảy nhà cấp D, thuộc diện nguy hiểm. Ðến cuối năm 2019, thành phố Hà Nội đã giao cho 19 chủ đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai nghiên cứu, lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 28 khu chung cư cũ trên địa bàn; đồng thời có giao bổ sung hai khu, nâng tổng số lên 30 khu. Nhưng việc triển khai cải tạo, xây lại chung cư, tập thể cũ vẫn đang vướng mắc do những quy định của luật.
Dự án xây dựng lại Khu tập thể 30A phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm (tên thương mại: Tòa nhà T-Place) vừa hoàn thành và bàn giao nhà cho các hộ dân vào tháng 7-2020, phải trải qua hơn 10 năm giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng. Dự án do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu làm chủ đầu tư, với mục tiêu khai thác quỹ đất có hiệu quả; xây dựng công trình nhà ở, chung cư và văn phòng làm việc theo quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thiết kế được cấp có thẩm quyền chấp thuận, nhằm cải thiện điều kiện về chỗ ở cho người dân đang sinh sống và điều kiện làm việc cho một số cơ quan tại khu vực nhà 30A phố Lý Thường Kiệt và số 33 phố Hàng Bài… Ðây cũng là dự án cải tạo lại chung cư cũ đầu tiên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thực hiện thành công theo chủ trương xã hội hóa tại Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP ngày 3-7-2007 của Chính phủ; Quyết định số 48/2008/QÐ-UBND ngày 28-7-2008 của UBND thành phố Hà Nội.
Sự chậm trễ trong cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ xuống cấp có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu xuất phát từ việc bố trí tái định cư tại chỗ cho người dân. Phần lớn chung cư cũ nằm tại các quận trung tâm có vị trí đất “vàng”, cho nên người dân đòi hỏi cơ chế bồi thường lớn, hệ số bồi thường cao; trong khi việc cải tạo vướng quy định chiều cao công trình, tạo rào cản trong quá trình cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ.
Trước sự ỳ ạch trong quá trình cải tạo chung cư cũ, năm 2019, UBND thành phố Hà Nội thành lập một tổ công tác để hoàn thiện đề án về cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư trên địa bàn. Vừa qua, đề án này đã được hoàn thiện, trình Bộ Xây dựng cho ý kiến.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, từ nay đến cuối năm 2020, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ tháo gỡ ngay những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách; xây dựng dự thảo sửa đổi một số quy định tại Nghị định 101/2015/NÐ-CP để phù hợp với điều kiện thực tế. Từ đó giúp các địa phương, nhất là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ trên địa bàn.