15/05/2018

Cải cách chính sách tiền lương – bài học từ Singapore

Ngoài việc phụ thuộc vào hiệu quả công việc, mức lương công chức của Singapore còn phụ thuộc vào hiệu quả tổng thể của nền kinh tế. Họ sẽ nhận thưởng nếu kinh tế tăng trưởng tốt.

Mỗi đất nước có một nền tảng hành chính và kinh tế khác nhau dẫn đến chế độ lương công chức riêng biệt. Tuy nhiên, cải cách tiền lương thì luôn cần gắn với cải cách nền hành chính.

Bộ máy tinh gọn cung cấp dịch vụ công tốt nhất thế giới

Singapore là nước đi đầu thế giới trong việc trả lương cao cho công chức. Tổ chức của bộ máy công chức của Singapore liên tục được cải thiện hướng đến sự tinh gọn, linh hoạt và hiệu quả cao nhất. Trong đó, vai trò hoạch định chính sách và thực thi chính sách ngày càng tách biệt, mặc dù luôn có sự phối hợp chặt chẽ. Nhờ đó, dịch vụ công của Singapore luôn được đánh giá là một trong những dịch vụ công tốt nhất trên thế giới.

Công chức (civil servant) là người làm việc trong các bộ, thuộc thẩm quyền tuyển dụng, quản lý của Ban Công vụ (Public Service Commission). Số công chức hiện vào khoảng 85.000 người, chiếm 1,5% dân số.

Viên chức (public officer) là người làm việc trong các cục tác vụ, thuộc thẩm quyền quản lý, tuyển dụng tự chủ của các cục này, chiếm 2,6% dân số.

Tổng bộ máy này chiếm 6,3% của lực lượng lao động của nước này (3,7 triệu người)

Cai cach chinh sach tien luong - bai hoc tu Singapore hinh anh 1
Số lượng công nhân viên chức tại Singapore. Ảnh: ASEAN Today

Cứ 66,8 người Singapore thì có một công chức, nhiều hơn so với Anh (1/118) và Indonesia (1/110) nhưng ít hơn so với Malaysia (1/19,4) và Nhật Bản (1/28).

Dịch vụ dân sự ở Singapore được sắp xếp hợp lý hơn hệ thống cồng kềnh của Malaysia. Đồng thời, bộ máy cũng hiệu quả và chuyên nghiệp hơn do sử dụng số lượng người hợp lý và lựa chọn những người có trình độ và thái độ làm việc tốt.

Lương công chức không thua kém khu vực tư nhân

Chính phủ Singapore luôn đứng đầu danh sách về độ minh bạch và chống tham nhũng. Đây là hệ quả của một chính sách đãi ngộ công chức khôn ngoan và sáng suốt khi chọn vấn đề lương công chức là chìa khóa cho mọi cải cách.

Nước này có Bộ phận dịch vụ công (PSD) nhằm giám sát và quản lý công chức và viên chức. Công nhân viên chức đều được hưởng lương cao, bảo hộ lao động và nhiều quyền lợi. PSD đánh giá và sửa đổi mức lương thường xuyên nhằm đảm bảo tính cạnh tranh với khu vực tư nhân. Nó tạo sự thu hút về khu vực công đồng thời đảm bảo tiền lương ở cả 2 khu vực công và tư nhân đều ở mức cao.

Để thu hút được người tài hoạt động trong khu vực công, chính phủ thường căn cứ thu nhập của khối tư nhân để đưa ra mức lương cho công chức. Năm 2007, ngân sách phải chi thêm 214 triệu SGD và nâng tổng số quỹ tiền lương lên 4,7 tỷ SGD/năm.

Để duy trì tính cạnh tranh, việc đánh giá lương hàng năm của công chức rất được coi trọng, làm căn cứ để xem xét mức lương cần sửa đổi. Nhờ đó, mức lương đã gia tăng đáng kể với cả các công chức hành chính (khoảng 20%) và các công chức khác (từ 21 – 34%) vào cuối năm 1993 để phù hợp với thực tế tỷ lệ tuyển dụng thấp và thôi việc cao.

Đặc biệt, Singapore chú trọng việc đánh giá lương của các bộ trưởng và công chức cao cấp để điều chỉnh nhằm bảo đảm mức cạnh tranh với khu vực tư nhân. Từ chỗ cố định bằng 2/3  thu nhập của các vị trí tương đương trong khu vực tư nhân, mức lương của các bộ trưởng và các công chức cao cấp được điều chỉnh bằng lương trung bình của 8 người hưởng lương cao nhất trong sáu ngành, nghề của khu vực tư nhân.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận lương cao nhất trong các lãnh đạo trên thế giới với mức 2,2 triệu USD mỗi năm (147.000 USD mỗi tháng, 7.350 USD mỗi ngày). Singapore không quy định lương tối thiểu.

Cai cach chinh sach tien luong - bai hoc tu Singapore hinh anh 2
Mức thưởng công chức của Singapore từ 2006 đến 2016. Ảnh: Vulcan Post.

Cơ cấu tiền lương linh hoạt

Sau cuộc suy thoái kinh tế năm 1985, từ tháng 7/1988, Singapore bắt đầu áp dụng hệ thống lương linh hoạt. Theo đó, cơ cấu tiền lương công chức được tạo ra từ những thành phần có thể điều chỉnh dựa trên hiệu suất của nền kinh tế mà không ảnh hưởng xấu tới khoản thu nhập mang về gia đình.

Hình thức của hệ thống lương công vụ linh hoạt mới bao gồm: Lương cơ bản; thưởng hiệu suất (PB); khen thưởng tăng trưởng (MI); thưởng giữa năm hoặc cuối năm (AVC); và tiền thưởng hàng năm khác.

Chính phủ nước này luôn tuân thủ việc trả lương tương xứng với hiệu quả làm việc. Singapore trả mức lương và các khoản tiền thưởng tương xứng cho công chức căn cứ vào chất lượng dịch vụ đối với công dân.

Đơn cử, năm 1989, Singapore áp dụng chế độ tiền thưởng 3 tháng lương cho các quan chức cao cấp có thành tích công việc tốt, chiếm khoảng 1% tổng số công chức nhà nước.

Hơn nữa, ngoài việc phụ thuộc vào hiệu quả công việc, mức lương công chức của Singapore còn phụ thuộc vào hiệu quả tổng thể của nền kinh tế. Công chức sẽ nhận được tiền thưởng nếu nền kinh tế của đất nước hiệu quả.

Ví dụ, toàn bộ 84.000 công chức được nhận thêm tới 50% tiền lương của một tháng trong 2017 trong khi tiền thưởng của năm 2016 là 45%.

Bên cạnh đó, các phúc lợi mà công chức viên chức Singapore nhận được cũng không hề nhỏ. Họ được nghỉ phép, trợ cấp y tế, phúc lợi nha khoa, bảo hiểm, sử dụng các khu nghỉ mát và các câu lạc bộ riêng trong nước.

Triết lý 4 không

Kết hợp với trả lương cao, Singapore xây dựng một hệ thống luật giám sát rõ ràng và một hệ thống đánh giá công chức hiệu quả, thực chất nhằm quản lý và kiểm soát chặt chẽ thu nhập của đội ngũ công chức. Việc làm này đã khiến cho đội ngũ công chức thực hiện một cách tự giác và nghiêm túc “4 không”: “không được, không thể, không muốn và không dám tham nhũng”.

Ông Lý Quang Diệu – nguyên Thủ tướng Singapore, đã từng khẳng định: “Sự trả công thỏa đáng là nhân tố quan trọng đối với chuẩn mực liêm khiết của hàng ngũ những nhà lãnh đạo chính trị và viên chức cao cấp”.

Hơn nữa, công chức nhà nước bị kết án trước tòa về hành vi tham nhũng còn bị mất việc làm, và nếu họ là những quan chức đã nghỉ hưu thì sẽ bị cắt lương hưu và những lợi ích khác. Họ cũng sẽ không nhận được bất kỳ một sự bổ nhiệm nào ở khu vực công trong tương lai.

Người Singapore gọi công việc trong khu vực công này là “bát cơm sắt” (iron rice bowl) do sự ổn định mà nó mang lại. Tuy nhiên, chính phủ áp dụng những tiêu chuẩn cao trong tuyển dụng. Những người lạm dụng chức vụ lập tức bị đào thải.

Chính phủ Singapore đang thực sự bảo vệ công nhân viên chức. Từ đó, cán bộ, công chức, viên chức sẽ có động lực cống hiến trong công việc. Mọi nhà tuyển dụng đều cố gắng tạo ra một môi trường cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho nhân viên của mình. Tuy nhiên, về mặt này, khu vực tư nhân khó có thể bì được với khu vực công. Từ đó, nó trở thành một sự lựa chọn nghề nghiệp vô cùng hấp dẫn. Nhưng điều đó có nghĩa là chính phủ Singapore đang thu hút được những ứng cử viên tốt nhất hay chỉ là những người mong muốn có nhiều lợi ích và sự ổn định chứ không phải hiệu suất công việc? Đây chính là vấn đề mà PSD phải giải quyết trong quá trình cải cách dịch vụ công tiếp theo.

V.Thùy/Theo Zing