Cách chống thấm nhà vệ sinh
Trong lĩnh vực xây dựng hiện đại, chống thấm nói chung và chống thấm nhà vệ sinh nói riêng đang dần trở nên quan trọng và cấp thiết. Vì vậy, xin chia sẻ đến bạn đọc tầm quan trọng của công tác chống thấm nhà vệ sinh cũng như 2 phương án chống thấm nhà vệ sinh đang rất phổ biến hiện nay.
Tầm quan trọng của chống thấm nhà vệ sinh
Nhiều người bỏ qua công tác chống thấm nhà vệ sinh bởi không nhận biết tầm quan trọng của việc làm này. Nên nhớ, chống thấm nhà vệ sinh là một khâu rất quan trọng, quyết định đến tính thẩm mỹ, chất lượng cũng như độ bền vững của công trình.
Trước hết, đặc trưng của nhà vệ sinh là môi trường độ ẩm cao, thường xuyên tiếp xúc với nước và hóa chất nên nếu không được chống thấm ngay từ đầu thì trong quá trình sử dụng, nhà vệ sinh sẽ nhanh chóng bị thấm nước, nấm mốc và rạn nứt. Về lâu dài, tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như thấm trần nhà, thấm tường, thấm sàn… Lúc này, toàn bộ kết cấu ngôi nhà đều bị ảnh hưởng và xuống cấp nhanh chóng.
Để khắc phục và cải thiện tình trạng thấm dột này, bạn phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ. Đó là chưa kể quá trình sửa chữa rất phức tạp, phải tháo dỡ toàn bộ thiết bị nhà vệ sinh, bồn tắm, bồn rửa, đục nền, đục tườn,… gây mất thời gian, công sức và phiền toái cho sinh hoạt của các thành viên trong gia đình.
Do đó, ngay từ khi mới xây, vấn đề chống thấm cho nhà vệ sinh nên được coi trọng và đưa lên hàng đầu để đảm bảo độ bền cho công trình cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí sửa chữa về sau.
2 phương pháp chống thấm nhà vệ sinh phổ biến
Có 2 dạng cấu tạo nhà vệ sinh là dạng sàn âm và dạng sàn dương. Dạng sàn âm có đường ống đi nổi trên mặt sàn và xuyên vào hộp kỹ thuật, còn dạng sàn dương thì các đường ống chỉ đi xuyên sàn. Tương ứng với mỗi cấu tạo nhà vệ sinh sẽ có các phương pháp chống thấm khác nhau, chẳng hạn như dùng sơn chống thấm, dùng hóa chất chống thấm 2 thành phần, dùng mang tự dính, dùng màng khò nóng…
Với điều kiện khí hậu Việt Nam cũng như “thói quen” xây dựng của các chủ thầu thì 2 phương pháp chống thấm nhà vệ sinh dưới đây được cho là thích hợp, hiệu quả và lâu dài hơn cả, có thể lên tới 10 – 20 năm.
Sử dụng keo chống thấm gốc polymer hoạt tính hệ trộn xi măng
– Chuẩn bị bề mặt sàn, nếu có bụi bẩn hay chất dính khác (dầu mỡ, xăng nhớt,…) thì cần được vệ sinh, làm sạch.
– Tưới nước bão hòa lên bề mặt sàn, lưu ý không để nước bị ứ đọng.
– Tiến hành pha trộn keo chống thấm gốc polymer với xi măng theo tỷ lệ: 1 kg keo chống thấm trong 0,15 lít nước, sau đó cho từ từ 1,5 kg xi măng đen mác cao vào và khuấy đều.
– Dùng bay trét hỗn hợp chống thấm trên lên bề mặt sàn theo định mức 0,5 kg/m2/lớp.
– Cách 4 giờ, khi lớp chống thấm thứ nhất khô thì tiếp tục trét lớp thứ 2 lên với định mức 0,5kg/m2/lớp.
– Khi lớp chống thấm thứ 2 khô hoàn toàn thì tiến hành tráng vữa xi măng hoặc lát gạch lên bề mặt sàn.
Phương án thi công sàn mái sử dụng màng khò nóng
+ Chuẩn bị bề mặt thi công
– Vệ sinh, làm sạch bề mặt thi công để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất.
– Các vị trí lồi lõm cần được làm bằng phẳng và sạch sẽ bằng các loại vữa pha trộn phụ gia.
+ Thi công
– Đốt nóng bề mặt sàn bằng khí ga.
– Quét một lớp keo chống thấm lên toàn bộ vị trí cần chống thấm.
– Sử dụng đèn khò đốt nóng trực tiếp màng chống thấm, đến khi màng chảy lỏng đều thì ấn mạnh xuống mặt sàn.
– Tại các vị trí chân tường, có thể vén màng khò nóng lên cao 15cm.
– Thử nghiệm ngâm mặt sàn và chân tường trong nước khoảng 40 giờ.
– Trát 1 lớp vữa (cát, xi măng) với độ dày tầm 2cm để gia tăng khả năng chống thấm và chất lượng công trình.
Theo Lê Trinh/Tcxd.vn