Các địa phương chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị
Phát triển đô thị là một trong những vấn đề được các địa phương tập trung đề cập tại hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018 của Bộ Xây dựng.
Ảnh minh họa
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết: Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng địa giới hành chính tạo điều kiện cho Hà Nội xây dựng không gian đô thị hiện đại bên cạnh đô thị cổ kính.
Bên cạnh tiềm năng, TP đang đứng trước thách thức về ngập lụt, ô nhiễm, trật tự văn minh đô thị… Do vậy, TP cần sự quan tâm và có định hướng giải pháp đảm bảo phát triển bền vững.
Trong công tác phát triển đô thị, TP đạt nhiều kết quả, hệ thống hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, cải thiện… Công tác đảm bảo trật tự đô thị dần đi vào nề nếp.
Hà Nội đã ban hành các quy chế về quy hoạch, cơ bản hoàn thành khu quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành, hiện đang xây dựng các quy chế, quy chuẩn quy hoạch cho các quận huyện. Đồng thời, Hà Nội xây dựng công viên cây xanh, hồ nước, hệ thống gara ngầm, trạm dừng nghỉ…
Trong lĩnh vực giao thông đô thị, Hà Nội triển khai nhanh các thủ tục đầu tư các công trình trọng điểm, với các giải pháp đồng bộ, giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, giảm các điểm nóng ùn tắc giao thông so với năm 2016.
Trong phát triển nhà ở, đến 2020, TP triển khai chủ trương phục vụ tái định cư theo đặt hàng. Trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước, Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án, tập trung phát triển nguồn nước, hạn chế sử dụng nước ngầm. Hiện có 98% người dân sử dụng nước sạch, khu vực nông thôn gần 50% người dân sử dụng nước sạch (năm 2016 là 37%). Khu vực nội thành giải quyết tình trạng úng ngập, còn 16 điểm so với năm 2016 là 24 điểm.
Bên cạnh đó, TP đã trồng mới 540.000 cây xanh; tập trung đẩy nhanh xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện…
Đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp trong năm 2018, ông Lê Văn Dục cho biết: Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch, bao gồm quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch nông thôn, chương trình phát triển đô thị, quy hoạch giao thông, kế hoạch phát triển nhà ở.
Hà Nội đồng thời đẩy mạnh đầu tư xây dựng các dự án phát triển đô thị, tập trung chỉ đạo các dự án hạ tầng, hoàn thiện các KĐTM, ưu tiên các KĐTM phía Đông, chuẩn bị quỹ nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, hướng tới đẩy mạnh phát triển các KĐT vệ tinh.
Hà Nội cũng sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư; cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng, xác định rõ người rõ việc; khuyến khích tiến tới áp dụng công nghệ cao phát triển đô thị thông minh, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng tiện ích, điều hành hệ thống giao thông, cấp điện, nước…
Đặc biệt, TP sẽ tuyên truyền, nâng cao nhận thức các tổ chức cá nhân về tầm quan trọng của công tác quy hoạch.
Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, ông Trần Ngọc Tuấn cũng chia sẻ: Trong lộ trình xây dựng TP.HCM trở thành TP thông minh thì việc ứng dụng cơ chế liên thông một cửa, đặc biệt là trong cấp phép xây dựng là một giải pháp được đánh giá cao.
Được biết, trong năm 2017, TP.HCM đã ban hành quy trình thực hiện thí điểm cơ chế một cửa liên thông điện tử với nội dung chính là thực hiện cùng lúc 3 hồ sơ và hoàn toàn nộp qua mạng. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng có thể nộp đồng thời ba hồ sơ trên với các hồ sơ khác. Cơ chế này bắt đầu thực hiện từ 15/10/2017. Đến nay, TP đã giải quyết được 22 hồ sơ trên tổng số 286 giấy phép đã cấp của cả năm.
Sau ba tháng thí điểm, cơ chế một cửa liên thông điện tử được DN và người dân đánh giá là hiệu quả, tính khả thi cao.
Cùng với cơ chế một cửa, TP đã tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy trực tuyến và trả lời trực tuyến, được đánh giá tốt. Số hồ sơ nộp trực tuyến cao hơn nộp trực tiếp là 134,25%.
Tại hội nghị, liên quan đến lĩnh vực phát triển đô thị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Xây dựng cần tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng thể chế, khẩn trương hoàn thiện để ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị; hoàn thành điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam; cần có tư duy mới về xây dựng để phát triển lâu dài; kiểm soát tốt hơn nữa tiến trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, xây dựng đô thị gắn với phát triển hạ tầng xã hội.
Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn để đầu tư theo quy hoạch, khắc phục tình trạng quy hoạch treo…
Cao Hà/BXD