16/10/2018

Bùng nổ trung tâm mua sắm ở rìa Sài Gòn

TPHCM đã có thêm cả trăm nghìn m2 sàn thương mại mới nằm ngoài khu trung tâm từ quý III đến cuối năm 2018.

Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam vừa công bố báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản TPHCM với điểm nhấn là sự bùng nổ các khu mua sắm mới không phải ở khu CBE (central business district – trung tâm) mà dạt ra các quận xa hơn.

Trong quý III/2018, Vincom Center Landmark 81 (quận Bình Thạnh) đã chính thức khai trương, cung cấp cho thị trường hơn 46.000m2 sàn bán lẻ. Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận một trung tâm thương mại khu vực ngoài trung tâm đã chuyển đổi công năng.

Tính đến quý III/2018, tổng nguồn cung trung tâm thương mại tại TPHCM đạt 989.403 m2, tăng 15,3% theo năm. Điều đáng chú ý là hiện mặt bằng bán lẻ ở khu vực ngoại ô Sài Gòn chiếm đến 80% tổng nguồn cung và trong thời gian tới, tỷ lệ này có thể tiếp tục tăng lên.

Từ nay đến cuối năm 2018, thị trường dự kiến chào đón thêm nguồn cung mới, chủ yếu tập trung khu vực ngoài trung tâm như khu thương mại của dự án Estella Place (quận 2), Cộng Hòa Garden (Tân Bình) và TTC Plaza (Bình Thạnh).

Các khu mua sắm mới của Sài Gòn đang có xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm. Ảnh: Quỳnh Trần

Các khu mua sắm mới của Sài Gòn đang có xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm. Ảnh: Quỳnh Trần

Sự bùng nổ các khu mua sắm này đã kéo theo sự chuyển dịch khách thuê cũng dồn về hướng rìa trung tâm thành phố, đặc biệt là phía Đông Sài Gòn. Tuy nhiên, với nhiều nguồn cung mới gia nhập thị trường nên tỷ lê mặt bằng thương mại trống có xu hướng tăng lên.

Giá thuê toàn thị trường đạt khoảng 46,2 USD mỗi m2 một tháng, giảm 0,2% theo quý và 0,7% theo năm. Một trung tâm thương mại ngoài trung tâm được tái cơ cấu về loại hình và chính sách giá khiến cho giá thuê khu vực này giảm 0,4% xuống còn 37 USD mỗi m2 một tháng.

JLL đánh giá, dù nguồn cung bán lẻ đang bùng nổ về hướng ngoại thành, khu vực trung tâm vẫn tiếp tục thu hút các thương hiệu quốc tế hàng đầu cũng như khách thuê có tiềm lực tài chính mạnh. Do đó, với nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới xuất hiện khá dày ở ngoài khu CBD, áp lực cạnh tranh của các mặt bằng nằm ở khu vực ngoài trung tâm sẽ ngày càng rõ rệt trong thời gian tới.

Đơn vị này khuyến nghị thêm, với cơn lốc thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ tại các thành phố lớn trên cả nước (trong đó có TPHCM), để bắt kịp xu hướng, các dự án bán lẻ tương lai sẽ tập trung tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới. Đó là trở thành điểm đến giao lưu văn hóa, giải trí, trải nghiệm và trưng bày thay vì là nơi mua sắm đơn thuần như trước đây.

Vũ Lê/VnExpress