Bộ Xây dựng tham vấn Kế hoạch thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững
Sáng 07/3, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo Tham vấn dự thảo Kế hoạch của ngành Xây dựng thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Kế hoạch của ngành Xây dựng), với sự tham gia của Tổ chức hợp tác phát triển Đức tại Việt Nam (GIZ), đơn vị tư vấn và các chuyên viên, chuyên gia đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, các cục, vụ thuộc Bộ Xây dựng, các hiệp hội nghề nghiệp trong ngành Xây dựng.
Coi trọng phát triển bền vững
Tại Hội thảo, đơn vị tư vấn đã trình bày tóm tắt Dự thảo quyết định Ban hành Kế hoạch của ngành Xây dựng. Dự thảo đã nhận được hơn 20 ý kiến đóng góp hữu ích của các chuyên gia.
Ông Đặng Văn Long – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Xây dựng cho biết: Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển của đất nước.
Để có căn cứ pháp lý thực hiện các cam kết phát triển bền vững với cộng đồng quốc tế, đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững, ngày 10/5/2017, tại Quyết định số 622/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Kế hoạch này gồm 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu được phân kỳ, thực hiện theo 2 giai đoạn 2017 – 2020 và 2021 – 2030.
Kế hoạch đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các bên liên quan, gồm các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế cùng tham gia, đóng góp tiếng nói và hành động.
Cũng tại quyết định này, Bộ Xây dựng được giao chủ trì tổ chức thực hiện 11 mục tiêu, nhiệm vụ và phối hợp với các Bộ, ngành khác triển khai 29 mục tiêu, nhiệm vụ, liên quan đến các lĩnh vực, phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng như: Hoạt động đầu tư xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và thị trường bất động sản, phát triển vật liệu xây dựng.
Ông Đặng Văn Long cũng cho rằng, với tính chất là một ngành kinh tế – kỹ thuật đa ngành, đa lĩnh vực, để xây dựng được kế hoạch hành động của ngành Xây dựng có tính khả thi, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển bền vững trong kế hoạch hành động chung của Việt Nam, phù hợp với các chiến lược, định hướng, kế hoạch phát triển của ngành, từng ngành, từng lĩnh vực, đòi hỏi sự vào cuộc và tham gia của tất cả các cục, vụ chức năng, các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, sự tham vấn của các hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài ngành Xây dựng.
Đại diện của GIZ, đơn vị tư vấn cũng như các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, việc xây dựng dự thảo quyết định ban hành Kế hoạch của ngành Xây dựng, không chỉ để triển khai Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trước khi có quyết định này, Chính phủ Việt Nam cũng như các bộ, ngành, địa phương nói chung, Bộ Xây dựng nói riêng đều xây dựng kế hoạch hướng tới sự phát triển bền vững, nhất là trong 10 năm trở lại đây. Các kế hoạch của các bộ, ngành, địa phương đều xoay quanh mục tiêu phát triển bền vững.
Đảm bảo lồng ghép, nhất quán chính sách
Tại hội thảo, ông Trần Đình Bình – Đại diện GIZ tại Việt Nam cho rằng: Với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc cũng như Chương trình nghị sự của Việt Nam theo Quyết định số 622/QĐ-TTg, có 05 điểm rất quan trọng, đảm bảo sự thành công khi thực hiện: Thứ nhất là tính lồng ghép, nhất quán và gắn kết về mặt chính sách, đòi hỏi sự điều phối, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai, sự chung vai gánh vác trách nhiệm của tất cả các bên, bao gồm không chỉ các cơ quan của Chính phủ, cơ quan Nhà nước, mà còn có các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức trong nước và quốc tế, các hiệp hội nghề nghiệp, đặc biệt là của các doanh nghiệp tư nhân. Cần huy động các nguồn lực của các bên tham gia.
Thứ ba, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ tư, có lộ trình, kế hoạch theo dõi, đánh giá, trong đó điều kiện cần là xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá, giám sát tiến độ thực hiện cũng như hệ thống chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững.
Thứ năm, đối tác toàn cầu, quan hệ đối tác hợp tác.
Ông Trần Đình Bình cũng cho biết: Đức đã chọn Việt Nam là 1 trong 10 nước nhận được sự hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu.
Trong đó, một trong những nội dung được lồng ghép trong các hợp phần triển khai tại Việt Nam, nhằm giải quyết 5 thách thức nêu trên và hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực cho các cơ quan của Việt Nam trong việc xây dựng và thực thi thành công Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam, thông qua 4 hỗ trợ chính: Nâng cao năng lực xây dựng thể chế của các Bộ, ngành; hỗ trợ theo dõi, giám sát, đánh giá; xây dựng cơ chế báo cáo; nâng cao nhận thức.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Đặng Đức Long nêu rõ quan điểm: Xác định việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là trách nhiệm của cả ngành Xây dựng. Nhiệm vụ chính trong việc xây dựng dự thảo quyết định chương trình hành động của ngành Xây dựng là của các cục, vụ, cơ quan thuộc Bộ Xây dựng.
Do đó, yêu cầu các cục, vụ chức năng của Bộ Xây dựng như: Cục Phát triển đô thị, Cục Hạ tầng kỹ thuật Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Cục Kinh tế, Vụ Quy hoạch kiến trúc và Vụ Vật liệu xây dựng, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cùng tham gia xây dựng dự thảo với đơn vị tư vấn, cũng như tự xác định phạm vi thực hiện của đơn vị một cách khả thi, có sự phân kỳ nhiệm vụ một cách cụ thể. Kế hoạch thực hiện phải rõ người, rõ việc, có đầu mục cụ thể.
Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại kỳ họp lần thứ 70 vào tháng 9/2015 tại New York, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 và mang tính định hướng chiến lược trong 15 năm tiếp theo. Chương trình nghị sự mới có 17 mục tiêu chung phát triển bền vững và 169 mục tiêu cụ thể được thông qua nhằm đảm bảo quá trình hội nhập, liên kết giữa các quốc gia vì lợi ích chung của mọi người dân cho thế hệ hôm nay và tương lai. |
Thanh Nga/BXD