Theo Bộ Xây dựng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định theo phương án này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, tính minh bạch cao.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam lên Cổng thông tin điện tử.
Môi giới cá nhân (cò đất) tung hoành tại một dự án thuộc khu Đông TPHCM
Động thái này nhằm hạn chế “nhiễu loạn” thông tin dẫn đến tình trạng sốt đất như thời gian qua.
Theo Bộ Xây dựng, đến nay cơ bản các địa phương đã thực hiện việc đăng tải thông tin quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện hoặc đăng tải với số lượng rất hạn chế.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các cơ quan đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện đăng tải các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, không thể phủ nhận rằng, những khu vực có quy hoạch trung dài hạn thì sốt đất xảy ra là do sự kỳ vọng của nhà đầu tư giá đất tăng theo cơ sở hạ tầng là hoàn toàn hợp lý. Nhưng khi quy hoạch chưa công bố rõ ràng, cùng với sự thay đổi điều chỉnh quy hoạch liên tục thì đó là cơ sở để giới đầu cơ tạo ra các cơn sốt ảo.
Điều này gây nguy hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả nhà đầu tư cũng như người bán. Đồng thời, xuất hiện nhiều trường hợp lừa đảo, căng biển, tư vấn rao bán trên cả những khu đất không phải của mình sở hữu…
Để kiểm soát thực trạng trên, trước đó Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng đã đưa ra đề xuất cấm cá nhân môi giới bất động sản. Đề xuất này được đề cập trong “Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản”.
Đề xuất trên theo lý giải của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản là nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ môi giới BĐS, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ môi giới, bảo đảm được quyền lợi của người dân khi tham gia thị trường, hạn chế được tình trạng khiếu kiện gây mất trật tự an ninh xã hội.
Quan trọng hơn, theo Bộ Xây dựng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định theo phương án này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, tính minh bạch cao. Cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát tốt thị trường, khắc phục được hiện tượng “sốt ảo”, “bong bóng” bất động sản do các môi giới gây ra, từ đó, tránh thất thu thuế cho Nhà nước.
Vì vậy, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Cùng với đó, bổ sung các quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới…; phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập.
Bộ Xây dựng thông tin, theo báo cáo của một số địa phương trên cả nước, tính từ năm 2008 đến thời điểm này có khoảng 32.912 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và khoảng 80% bất động sản giao dịch thành công đều thông qua môi giới. Đã có 282.139 giao dịch thành công, trong đó tại Hà Nội có 79.501 giao dịch, tại TPHCM là 85.074.
Anh Nguyễn/Giáo dục Thời đại