14/06/2022

Bộ Xây dựng nói về vi phạm quy hoạch ở đường Lê Văn Lương

Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, nguyên tắc chung là hạn chế điều chỉnh quy hoạch, ưu tiên các tiện ích công cộng, cây xanh, môi trường thay vì chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư.

Tại họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng chiều 13/6, liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, nâng tầng, chiếm diện tích cây xanh quanh tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội), ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết trong kết luận thanh tra Bộ đã chỉ ra nhiều vi phạm, đặc biệt là các chủ đầu tư không tuân thủ quy định về cây xanh.

“Thực tế, công tác thanh tra cần phải đạt 2 yêu cầu chỉ rõ vi phạm và qua đó rút ra biện pháp để báo cáo cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh. Ví dụ, sau khi thanh tra 18 chủ đầu tư, 7 ban quản trị, Bộ đã yêu cầu trả 450 tỷ đồng cho người dân. Sau đó thanh tra Bộ được giao cải thiện công tác quản lý kinh phí bảo trì chung cư”, ông nói.

Vì sao vi phạm chậm phát hiện?

Ông Tuấn cho biết thời gian tới, sau khi thanh tra một số công tác quy hoạch, thanh tra Bộ sẽ kiến nghị 7 nhóm vấn đề thành chỉ thị của lãnh đạo Bộ để chấn chỉnh thiếu sót vi phạm của chủ thể tham gia, giám sát, kiểm tra, thực hiện trong và sau quy hoạch.

“Trước hết, yêu cầu địa phương rà soát, quản lý điều chỉnh, bổ sung các nội dung còn thiếu của văn bản thuộc cấp. Bên cạnh đó, các đồ án quy hoạch được điều chỉnh, phê duyệt, chấp thuận phải được gửi hồ sơ về các quận, huyện giám sát. Thực tế, các vi phạm tại địa phương chậm được phát hiện hoặc phát hiện xong khó xử lý… chủ yếu do thiếu sót vấn đề này”, ông nêu.

Hàng loạt dự án chung cư mọc lên tại trục đường Lê Văn Lương – Tố Hữu (Ảnh: Việt Linh)

Ngoài ra, đề nghị địa phương rà soát lại toàn bộ quy hoạch chung. Đồng thời, thanh tra Bộ đề xuất tiếp tục chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư hạ tầng xã hội như trường học, cây xanh.

“Trong một số kết luận thanh tra, diện tích cây xanh, tiện ích xã hội thiếu rất nhiều. Sắp tới, Bộ sẽ có nghiên cứu để chấn chỉnh vấn đề này”, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng cần tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương chấn chỉnh việc lập thẩm định phê duyệt quy hoạch. Công tác quản lý nhà nước về thanh tra kiểm tra cũng phải được kiểm soát như xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức cá nhân điều chỉnh sai quy hoạch.

Thời gian qua, Bộ đã công khai các kết luận thanh tra của tỉnh Hòa Bình, Bắc Ninh… Một số tỉnh đã thanh tra xong và đang xây dựng kết luận.

Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết không điều chỉnh quy hoạch các đô thị chạy theo lợi nhuận nhà đầu tư. Theo ông, với những quy hoạch đã tốt rồi không nên điều chỉnh song không nên cứng nhắc bởi quy hoạch đô thị sau 10-20 năm không phù hợp có thể điều chỉnh.

“Nguyên tắc chung là hạn chế điều chỉnh, ưu tiên các tiện ích công cộng, cây xanh, môi trường thay vì chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư”, ông nói.

Mật độ dân số tăng cao cộng với dự án hầm chui chưa hoàn thiện khiến trục Lê Văn Lương – Tố Hữu – vành đai 3 thường xuyên ùn tắc (Ảnh: Duy Hiệu)

Giá đất nhiều nơi đã hạ nhiệt

“Trong năm 2021, giá đất nền ở các khu vực dự kiến lên quận, thành phố, có hạ tầng chạy qua tăng cao đột biến. Giá nhà chung cư cũng tăng 5-7%, nhà ở riêng lẻ tăng đến 30%… So với cùng kỳ năm ngoái, đến nay giá đất nhiều nơi đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao”, ông Lê Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản nhận định.

Ông Khởi cho biết Bộ đã đề xuất nhiều giải pháp như tăng nguồn cung, công khai minh bạch thông tin, tăng nguồn vốn cho đầu tư… Chúng tôi đánh giá trong 6 tháng cuối năm, thị trường bất động sản sẽ phát triển nhanh nguồn cung, đặc biệt là nhà ở xã hội.

Về tiến độ triển khai dự án nhà ở xã hội, cả nước đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội nhưng tốc độ triển khai rất chậm.

“Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn làm việc với các tỉnh để đẩy mạnh nguồn cung cho thị trường bất động sản. Theo đó, UBND các tỉnh sẽ lập danh sách các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần ưu tiên hỗ trợ lãi suất vay vốn gửi Bộ Xây dựng, sau đó Bộ sẽ công bố công khai danh sách và ngân hàng sẽ cho vay theo công văn của Bộ công bố”, ông Khởi khẳng định.

Chia sẻ về vấn đề siết phát hành trái phiếu bất động sản, ông thừa nhận thời gian qua, có hiện tượng phát hành trái phiếu vượt quá chỉ tiêu, quy định.

“Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng chưa có đề xuất siết phát hành trái phiếu. Thị trường vốn và trái phiếu bất động sản có liên hệ mật thiết với nhau. Do đó khi điều chỉnh vốn hay trái phiếu sẽ có ảnh hưởng đến thị trường bất động sản”, ông nói.

Lãnh đạo Bộ cho rằng cần phải có những quy định cụ thể để phát hành trái phiếu một cách ổn định, tránh tình trạng phát triển nóng như vừa qua. Cụ thể là sửa lại Nghị định 153 đúng mục đích, có hiệu quả.

Về huy động vốn, ông Khởi cho biết trong thị trường bất động sản, kênh này không phải kênh duy nhất mà thông qua tín dụng, phát hành trái phiếu, liên doanh, ứng tiền trả trước từ khách hàng…

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn tín dụng. Do đó, khi ngân hàng siết vay vốn thì doanh nghiệp chuyển sang phát hành trái phiếu”, ông dẫn thực trạng.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ dòng vốn, trong đó ưu tiên dự án có tính khả thi cao, các dự án cung cấp nguồn cung nhanh.

Thanh Thương/zingnews.vn